(VHDN) – Thành đạt và nổi tiếng khắp nơi với việc đưa loài cá sấu Xiêm từ miền Nam ra Hải Phòng nhân giống, phát triển, ông Cao Văn Tuyến, biệt danh “Tuấn cá sấu” hay “Vua cá sấu miền Bắc” – Giám đốc Công ty cá sấu Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hóa khi chuẩn bị cho mở cửa Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên tại Hải Phòng.
“Tuấn cá sấu” là ai ?
“Tôi sinh năm 1961, trên giấy tờ pháp lý, tôi là Tuyến, nhưng mẹ tôi gọi là Tuấn từ bé, vì vậy mọi người biết đến tôi nhiều hơn với cái tên đó. Khi tôi nuôi cá sấu, kỳ vọng đưa cá sấu trở thành thương hiệu của Việt Nam được khắp thế giới biết đến, người ta bắt đầu gọi tôi là “Tuấn cá sấu”.”.
Chân dung ông Tuấn cá sấu
Nổi tiếng với cơ ngơi 13.000 m2 trên Quốc lộ 5 (phường Hùng Vương, quận Hồng Bảng, Hải Phòng) vừa là trang trại nuôi, chế biến và bán các sản phẩm mỹ nghệ từ cá sấu, vừa có nhà hàng “khủng” kinh doanh các món ăn chế biến từ thịt cá sấu và đặc sản vùng miền, ông Tuấn còn xác lập lỷ lục Việt Nam bởi sở hữu con cá sấu “chúa” dài 5,2m, nặng hơn 500kg, là “con cá sấu Xiêm được nuôi lớn nhất” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận.
Trang trại cá sấu như một công viên êm đềm để tiếp đón du khách khắp nơi đến thưởng ngoạn mà không bị “khớp” bởi vài trăm chú cá sấu quẫy nước ùm ùm. Vườn thơ đá – Thạch Thi Viên có bia đá khắc thơ của các nhà thơ nổi tiếng qua các thế hệ, từ những bản hùng văn cổ như: Nam quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô Ðại cáo (Nguyễn Trãi), Hịch Tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Phú sông Bạch Ðằng (Trương Hán Siêu), thơ Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…, những lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ta sẽ được đọc những đoạn thơ, nhạc của các nhạc sĩ, thi nhân nổi tiếng hiện thời như: Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Ðiểu, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Ðồng Ðức Bốn… Ông Tuấn mê thơ Xuân Quỳnh, hai con gái ra đời đều được đệm tên bằng chữ Quỳnh. Con người thấm đẫm chất thi họa này yêu văn chương, nghệ thuật từ bé. Năm 19 tuổi, ông đã từng bán trộm chiếc xe đạp của bố, bắt tàu hỏa lên Hà Nội để tìm đến đàm đạo với họa sĩ Bùi Xuân Phái. Kinh doanh phát đạt, ông đi du lịch mấy chục nước trên thế giới cũng là để tìm hiểu sâu xa cội nguồn văn hóa của các dân tộc.
Ông Tuấn giới thiệu bộ Bát xà mâu – TK 18.
“Tôi có ba người tình, đó là hội họa, cổ vật và cá sấu”. Tự nhận là không được đào tạo bài bản, nhưng địa tầng văn hóa và lịch sử trong “Tuấn cá sấu” như vỉa quặng tiềm tàng, đào mãi vẫn ra vàng ròng. Ông tìm hiểu và tự học các kiến thức về hội họa. Rồi ông vẽ tranh và sưu tập tranh. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được là để mua tranh. Đến nay, bảo tàng tranh trong trang trại của ông có trên 300 bức tranh của các danh họa mỹ thuật Đông Dương và nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng Việt Nam. Bức tranh quý có giá cao nhất lên đến 140.000 USD. Ông còn “khuân” được một máy ủ rượu vang khổng lồ có tuổi đời đầu thế kỷ 20, đường kính 2,5 m, từ Pháp về trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật của mình. Ông đã thành lập một Trung tâm đấu giá cổ vật và Tác phẩm nghệ thuật.
Những bức tranh trong bộ sưu tập mỹ thuật của ông Tuấn
Sống chết với cổ vật
“Tuấn cá sấu” sưu tập cổ vật từ năm 1996. Lần đầu tiên khi bắt gặp một chiếc bình cổ Bát Tràng, ông nghiên cứu những hoa văn, chất men, tưởng tượng ra những câu chuyện bí ẩn đằng sau vẻ đẹp vĩnh cửa của gốm, rồi yêu nó như nhập đồng. Bắt đầu từ đấy, cái duyên và cái “nghiệp” với đồ cổ đeo đẳng “Tuấn cá sấu” đến bây giờ.
Tượng Phật bà quan âm thiên thủ thiên nhãn – TK 18
Sở hữu kho cổ vật đồ sộ gần 10.000 hiện vật, Bảo tàng được ông Tuấn xây dựng khoảng 2 năm nay. “Được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép năm 2013, nhưng bắt đầu từ mùa covid thứ nhất (2020), khi dịch bệnh đóng băng mọi thứ, tôi mới bắt tay vào tổ chức bảo tàng này. Tên gọi Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương (Indochinamuseum) không phải hàm chỉ địa danh, mà là một nền văn hóa. Nó xuất phát từ chữ Indochina do người Pháp xưa gọi, thể hiện bản sắc của vùng đất nằm giữa Ấn Độ với Trung Hoa chịu ảnh hưởng hòa trộn của 2 trung tâm văn hóa này”.
Tòa nhà để làm bảo tàng vốn là nhà hàng Nam Phương Queen trước kia kinh doanh ẩm thực, mà tên của nhà hàng cũng khởi nguồn từ bức tranh vẽ Hoàng hậu Nam Phương trong bộ sưu tập mỹ thuật được ông Tuấn treo trang trọng trong phòng làm việc chính. Cải tạo lại tòa nhà và thiết kế các khu vực trưng bày, trong 2 năm ròng, ông Tuấn ngày đêm cùng với thợ bài trí bảo tàng sao cho phù hợp với tiêu chí đặt ra.
Trên tầng 2 của bảo tàng, các hiện vật gốm, đá, đồ đồng gồm binh khí, thạp, đĩa, hũ, bình hay đồ trang sức từ văn hóa Phùng Nguyên (cách nay gần 4.000 năm) đến thời Lý, Trần, Mạc… rồi nhà Nguyễn đều được nâng niu, đánh số. Ông Tuấn say sưa nói về xuất xứ, cội nguồn của từng cổ vật với niềm đam mê ngời lên trong ánh mắt.
Tầng 1 của bảo tàng là không gian chính. Ta có thể chui vào các hầm kho xem “hùng thư bảo điện” – ban thờ của người Nhật (神棚 kami-dana, nghĩa là “ngăn tủ cho thần thánh”) hay những hũ nhỏ xinh đựng gia vị có từ thuở Hai Bà Trưng dựng nước được xếp tầng tầng trong các hộp xốp. Chiếc trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN – thế kỷ 6 CN) của người Việt cổ với ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống tượng trưng cho thần Mặt trời vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ông Tuấn tâm đắc với đôi câu đối cổ ca ngợi công ơn Đức Vương Ngô Quyền có niên đại thế kỷ 18, lư hương triều Lê trung Hưng thế kỷ 16-17) hay bộ ba pho tượng Đệ nhất thành mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) – một “tứ bất tử” trong truyền thống thờ phụng của người Việt. Bức tượng Phật bà quan âm thiên thủ thiên nhãn và nhiều hiện vật khác ông mua được trong dân gian sau các cuộc trùng tu di tích hoặc “bài trừ mê tín dị đoan” mà một thời mê muội như vậy đã tiêu hủy bao di tích. “Có lần nhận được thông tin về cổ vật, tôi đã chạy xe suốt 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm để gặp những người chuyển nhượng cho mình”. Các hiện vật gốm Cây mai (du nhập vào Sài Gòn nửa cuối thế kỷ XIX) sánh cùng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Lái Thiêu, Biên Hòa… – những vùng gốm với men màu thần diệu: men vàng, men lục, men trắng ngà, men ngọc, men lam xám, men ngũ sắc…, trước đây nhiều nhà nghiên cứu tưởng rằng gốm thời Đường, Tống, Nguyên (Trung Quốc), nay đã được định danh cụ thể tại Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương về niên đại, nguồn gốc là gốm Việt cổ.
Từ khi bắt tay vào chuẩn bị cho bảo tàng, ông Tuấn luôn thức khuya, có hôm đến 1, 2 giờ sáng để bài trí, sắp đặt. Có những hiện vật sắp xếp theo dòng thời gian, có những hiện vật tạo không gian, mở ra những khám phá đa chiều về văn hóa. Theo chia sẻ của ông, nhiều món đồ có giá tiền triệu, vài chục triệu, trăm triệu đến những món đồ có giá trị hàng trăm ngàn USD (theo đấu giá của giới sành cổ vật). “Di sản văn hóa không thể qui ra tiền, tôi có một gia tài khổng lồ, nhưng nhiều lúc lại chả có xu nào. Nhưng tuyệt nhiên tôi không bán, chỉ có mua thêm, sưu tầm thêm mà thôi.”. Tiền mua cổ vật là toàn bộ lợi nhuận từ kinh doanh cá sấu, bất động sản, hoạt động xuất nhập khẩu… mà ông Tuấn tích lũy hơn 20 năm nay.
Mở cửa phục vụ phi lợi nhuận
Quy hoạch sắp xếp bảo tàng đã xong về cơ bản, hiện ông Tuấn đang trong công đoạn số hóa các hiện vật. Ông sẽ đầu tư công sức, cùng một số chuyên gia ghi lại hình ảnh cổ vật, xây dựng không gian 3 chiều, mở website để mọi người có thể truy cập tìm hiểu và nghiên cứu tỉ mỉ. Dự kiến, cuối năm 2022 Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương sẽ chính thức đi vào hoạt động. “Đến khi mở cửa còn một núi việc phải làm. Tôi muốn huấn luyện một đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên am tường từng hiện vật, để họ có thể kể cho khách tham quan những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, về tiến trình lịch sử và phát triển của đất nước thông qua cổ vật. Văn hóa Việt thật kỳ diệu. Tôi tưởng như đã sống được 200 năm với những trải nghiệm về văn hóa của mình”.
“Tuấn sá sấu” là một người trọng tài năng và yêu văn, thơ, nhạc, họa. Ông kết giao ân tình với các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Nhiều chuyên gia là bạn bè trong giới băn khoăn về việc vận hành, duy trì bảo tàng ra sao để có một “cuộc chơi” dài hơi. “Ban đầu, bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí nhằm lan tỏa giá trị và thông điệp vả văn hóa, từ đó nhân lên tình yêu với cổ vật, với nghệ thuật. Các con tôi đều du học và định cư ở nước ngoài, sau này nếu chúng không về tiếp quản Bảo tàng, khi chết đi, tôi sẽ hiến tặng lại nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ nào đó với điều kiện sẽ phải duy trì hoạt động của bảo tàng mãi mãi” – Ông Tuấn chia sẻ./.
Hải Phòng, tháng 4/2022
Thu Hồng