Các doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều lĩnh vực nhấn mạnh vai trò của văn hóa DN như một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển bền vững và phồn vinh của quốc gia, đây còn là ‘chìa khoá’ giúp DN tiến vào kỷ nguyên mới.
Diễn đàn “Văn hóa Doanh nhân năm 2025” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 15/4 đã thu hút gần 200 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và DN.
Trách nhiệm song hành cùng đạo đức doanh nhân
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Năm 2024 đã khép lại với nhiều thành tựu kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2025. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, giữ vai trò trung tâm trong thúc đẩy tăng trưởng, tiếp sức cho khát vọng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.
Các DN trên thế giới nói chung và DN Việt Nam nói riêng hiện đang ngày càng áp dụng phổ biến bộ tiêu chí ESG, viết tắt của 3 từ: Environmental, Social, and Governance – nghĩa là Môi trường, Xã hội và Quản trị DN. Đây là bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững và tác động phi tài chính của một DN. Thực hành ESG cũng là một phương thức cụ thể để DN thể hiện triết lý kinh doanh có trách nhiệm.
Đáng chú ý, ông Phạm Tấn Công khẳng định đạo đức và văn hóa doanh nhân cần được xây dựng từ chính DN, doanh nhân. Vì vậy, VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, đồng thời đưa vào sách giáo khoa phổ thông và triển khai đề án dài hạn về xây dựng đạo đức doanh nhân đến năm 2030.
Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Diễn đàn
6 quy tắc đạo đức Doanh nhân gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. 6 quy tắc này đến nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật để dạy cho các em học sinh.
“VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để thúc đẩy chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm xã hội, nâng cao quản trị và gìn giữ các giá trị dân tộc. Đồng thời, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để nhân rộng mô hình kinh doanh có trách nhiệm”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cũng đánh giá: VCCI đã chủ động thúc đẩy văn hóa DN vì lợi ích hài hòa – phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân chính là nền tảng của kinh doanh có trách nhiệm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh kinh tế không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn ở giá trị nhân văn, uy tín và trách nhiệm xã hội. Đạo đức doanh nhân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Làm giàu không chỉ vì mình mà còn vì dân, vì nước”, chính là la bàn định hướng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Phan Xuân Thủy đề nghị: Doanh nhân cần xem đạo đức là “thương hiệu” cốt lõi; VCCI và các hiệp hội tiếp tục lan tỏa các giá trị đạo đức kinh doanh; Cơ quan nhà nước phải hoàn thiện thể chế để tạo môi trường minh bạch.
“Việc tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 41/NQ-TW với hơn 206.000 đại biểu tham dự là minh chứng cho sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn mới.Đến nay Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, thể hiện quyết tâm, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, DN trong thời kỳ mới”, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Văn hóa DN – trụ cột cho phát triển bền vững
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Văn hóa DN là gốc rễ tạo nên sức mạnh nội lực, là nền tảng giúp DN phát triển lâu dài. Đồng thời, các Nghị quyết của Đảng đều đặt trọng tâm vào việc xây dựng văn hóa DN như một phần chiến lược phát triển quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều đơn vị ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam và tổ chức Diễn đàn quốc gia hằng năm. Ngoài ra, hàng loạt hội thảo, tuyên truyền, xét chọn DN đạt chuẩn văn hóa cũng đã được triển khai rộng khắp.
Đặc biệt, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều DN, trong đó có những đơn vị chủ động xây dựng văn hóa dựa trên giá trị dân tộc. Điều này không chỉ thể hiện bản lĩnh doanh nhân mà còn là sự lan tỏa của trách nhiệm cộng đồng.
Ở góc nhìn học thuật, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) phân tích: Văn hóa kinh doanh Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các nước châu Á, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng cách quyền lực và tư duy né tránh rủi ro. Do đó, ông khuyến nghị các cơ quan quản lý cần thúc đẩy các giá trị như nhân đạo, tinh thần tập thể và công bằng giới tính.
Thêm vào đó, DN cũng cần điều chỉnh mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực sáng tạo, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng trong cơ hội và thăng tiến. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết của cải thiện văn hóa ứng xử từ chính quyền địa phương đối với DN.
Dưới góc độ DN, bà Bùi Thị Lệ Phương, Chủ tịch Hội quản trị và kiểm soát nội bộ Việt Nam, CEO Công ty tài chính kế toán thuế Centax đưa ra các bước cụ thể để phát triển văn hóa DN: xác định giá trị cốt lõi, thu thập phản hồi nhân viên, truyền thông nội bộ hiệu quả, khen thưởng phù hợp và duy trì tính nhất quán trong hành vi lãnh đạo. Như vậy, văn hóa tổ chức sẽ được xây dựng từ chính nội lực và hành vi thực tiễn hằng ngày.
Các đại biểu đều thống nhất rằng doanh nhân giữ vai trò trung tâm trong kiến tạo và duy trì văn hóa DN. Thông qua việc truyền cảm hứng, xác lập giá trị và lãnh đạo bằng hành vi, người đứng đầu DN chính là nhân tố quyết định hình thành bản sắc văn hóa nội bộ. Nguoo
Nguồn: https://baochinhphu.vn/