VHDN.VN “Vào đồn Mường Lạn chiều nay/ Tím trời biên ải, mây xây trường thành/ Nà Khì núi đứng bao quanh/ Nậm Ca long mạch, giữ lành quê hương/ Tuần tra mòn đá thành đường/ Gian nan thấm chí can trường ông cha/ Biên cương tổ quốc bao la/ Tưới bao xương máu, nở hoa bốn mùa…”.
Đồng chí trung tá đồn trưởng Nguyễn Tiến Hiếu đang phân công nhiệm vụ cho bộ đội.
Đó là bài thơ về “Đồn Mường Lạn” của tôi viết từ mươi năm trước, nay ngồi trên xe của Biên phòng Mường Lạn với trung tá đồn trưởng Nguyễn Tiến Hiếu mà lòng tôi rung lên. Dễ hơn 40 năm tôi dạy vùng này nay mới thăm lại mường xưa. Tôi thổn thức về những loài hoa miền biên viễn trải dài đỏ màu máu xen chen hoa vàng rực ven suối Nậm Ca.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hiếu, đồn trưởng đồn Mường Lạn tiếp Đồng chí Thanh Lo Văn Say – Nguyên Đại đội trưởng đại đội biên phòng 211 Mường Son, Hủa Phăn, Lào.
Chú lái xe người Thái chỉ vào những triền hoa thốt lên: “Ớ, hoa bó toong và bó ha chú à”. Anh Đồn trưởng thả từng câu hòa cùng tiếng suối: “Tiếng Kinh lại nói là hoa vông hay trạng nguyên và đây là hoa dã quỳ hay cúc đắng. Cũng đều hay cả – Rồi bâng quơ như nói với suối rừng: “Thầy giáo đây dạy văn – ngước mắt vào tôi – dạy vùng biên hết cả đời trai trẻ, nay nghỉ hưu đến thăm chiến trường xưa, nghề dạy học ngày xưa gian khổ chẳng kém gì lính biên phòng”. Tôi đắng lòng, không phải câu nói của Đồn trưởng mà câu thơ Quang Dũng lại nhói lên: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” làm tôi rớm lệ. Đúng rồi vài nấm mộ bộ đội ven đường, và xa một chút trong nghĩa trang xã nhiều người lính đi chiến trường Lào Mường Son, Pha Thí… ngã xuống rải rác quy tập về đây. Để dân mường hương khói. Còn nhớ, học trò tôi vẫn mang hoa rừng đến viếng. Vùng biên hoa nở hoang hoải nhưng đậm hương sắc. Có chăng khí trời ở đây, hay hồn người gửi vào mà những bông hoa đều có sắc tố đỏ, không nhiều thì ít đều thoáng đỏ màu máu… Tôi dặn lòng năm hết tết đến đừng nặng lòng, nhiệm vụ người lính còn phía trước. Từng cột mốc, khe suối, từng bản mường, những cánh hoa, tiếng chim hót… đều đáng yêu nhưng không phải là cuộc dạo chơi mà chứa đựng hiểm nguy. Trên bước tuần tra dẫu cái chết rập rình các anh vẫn đạp tới để cho mùa xuân đẹp mãi. Vùng biên lam sơn chướng khí, nghe đến tên bản, tên mường là cả một truyền thuyết đường rừng khó quên: bản Cang Cói – người già nói có loài như khỉ, như vượn hay đười ươi đêm khuya khoắt cất tiếng kêu “cang cói, cang cói” nhưng chưa thấy mặt bao giờ mới đặt tên cho. Bản Pu Hao (núi cây chò), bản Nọng Phụ (ao cây cói) cũng vậy… Vùng đất dữ do Đồn Biên phòng gìn giữ dài 54,545 km của xã Mường Lạn nhìn lên bản đồ tôi thấy rất giống “cái đầu hổ”, gồm 16 bản và 3 cụm dân cư. Trong đó có những bản rất xa, hiểm trở như bản Nậm Lạn, chốt kiểm dịch Covid-19 Huổi Khi và Pú Hao cũng đều xa Đồn tới 20 km.
Đồn biên phòng Mường Lạn tiếp nhận vật tư y tế do Hội phụ nữ địa phương trao tặng.
Chợt anh đồn trưởng bấm tay rồi thốt nhiên cất tiếng: “Tết năm nào Đồn cũng nhớ đến những người lính biên phòng những thế hệ trước, dù người còn người mất. Tối mời thầy đến bản Nà Ản, thăm thân nhân cố lãnh đạo Đồn Hà Đức Khánh người lính Điện Biên, lính biên phòng năm xưa vào sinh ra tử, có nhiều cống hiến được nhà nước ta và Lào trao Huân chương Hạng Nhất. Tôi chợt nghĩ học bao trang sách không bằng đi soi mình trước tấm gương đồng đội mình, bản làng mình mà bước.
Xuân đã về đến mường, cả cây rừng cũng nở hoa khoe sắc, bản nào cũng dựng cây nêu, khâu quả còn mới… thì vùng biên chẳng dịu êm chút nào tình hình mua bán hàng hóa, bọn tội phạm ma túy, vượt biên trái phép tăng cao. Đồn tăng cường tuần tra song phương với 96 lượt cán bộ chiến sĩ Việt Nam và Lào. Tổ chức triển khai 406 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào ở khu vực biên giới. Chốt kiểm dịch biên giới thay phiên làm cả ngày đêm đo thân nhiệt, kiểm tra Covd-19… Tôi nhớ ngày dạy học vẫn phối hợp với bộ đội biên phòng phát quang đường tuần tra biên giới. Người Lào nói tình yêu như cát với nước – cát nào chẳng hút nước, quả không sai, sau tết có nữ sinh đến gặp tôi báo tin vui đã nên duyên với anh bộ đội dịp phát đường lên cột mốc. Yêu bộ đội biên phòng cũng là yêu vùng biên trò à… Bước trên con đường mòn hoa trạng nguyên đỏ thắm, tôi bước vào cạnh lớp học xóa mù chữ của bản Pá Cạnh, thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ và Vì Văn Liêm đang cho học viên chép chính tả. Những gương mặt phụ nữ rạng ngời trong nắng xuân có người đã bước sang tuổi ba, bốn mươi vẫn mắt chữ a mồm chữ o vẽ từng nét. Tôi biết Đồn mấy năm nay thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đã mãn khóa 2 lớp xóa mù chữ 62 học viên ở bản Huổi Pá. Mở tiếp hai lớp cho học viên bản vùng cao cho 39 học viên. Tôi khấp khởi dăm mười năm nữa biết đâu có người trong số đó sẽ bước vào giảng đường đại học hành trang theo là sổ tay ép cánh hoa trạng nguyên. Học trò tôi đã có người đã làm đến Chủ tịch, Bí thư xã đấy sao. Bác Hồ đã dạy “mười năm trồng cây trăm trăm trồng người” quá đúng sao.
Các chiến sĩ đồn Mường Lạn đóng tại các chốt kiểm soát dịch bảo vệ bình yên cho dân bản.
Tết Nguyên Đán Nhâm Dần cán bộ chiến sĩ càng gắn bó thương yêu như một nhà, câu khẩu hiệu trước hội trường: “Đồn là nhà biên giới là quê hương” trở nên ngấm trong gan óc. Trong nhà bếp đang tỏa khói thơm, anh nuôi bận rộn lo bữa cơm tất niên. Bữa cơm ngon ấm tình đồng chí, để anh em đỡ nhớ gia đình chuyên lo giữ mường giữ đất, sau bữa cơm các anh lại xách súng lên đường biên. Ấm chè Mộc Châu đang tỏa khói, Đồn trưởng đã rủ tôi xem vườn biên phòng: Ao rộng cá quẫy sóng, đàn gà năm trăm con thả dưới gốc cây, chú gà trống đập cánh vươn cổ gáy vang tưởng như biết tết. Thú nhất vườn cây ăn quả rộng gần ba ha nhãn, xoài, mận nở hoa trắng hương thơm ngào ngạt cùng hàng ngàn cánh ong mật bay rộn rã trong gió xuân.
Các chiến sĩ đồn Mường Lạn xây cầu giúp dân.
Ngày tết trai gái trẻ già kéo nhau vui xuân với bộ đội. Năm nay hội xuân “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại bản xa. Các trò chơi dân gian múa xòe, ném còn, chơi pao, bắn nỏ… diễn ra náo nức. Bên sắc áo xanh bộ đội biên phòng, trai gái bản áo chàm, áo cóm muôn màu cúc bướm xạ tích lóng lánh, dưới sắc đào mơ nở rộ khí xuân miền biên của xứ Thái – Lào – Mông… thêm vui tươi, an bình.
Khi giờ khắc giao thừa sắp đến bản mường đang bồi hồi thì trên chốt Huổi Khi dịch Covid-19 sương muối đùn lên lớp lớp, lạnh dưới 10 độ, những chiến sĩ biên phòng vẫn không rời nhiệm vụ giữ bình yên cho “cái đầu hổ” và muôn nơi để mùa xuân ngày càng tươi thắm.
Những cánh hoa đào khoe sắc sớm ở đồn Mường Lạn.
Tản văn của Trần Nguyên Mỹ