Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VH

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí đại điện lãnh đạo 63 Ban Tuyên giáo các tỉnh thành ủy; một số nhà xuất bản và công ty phát hành sách trên cả nước.

Hội nghị nhằm tổng kết việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2016.

Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 – 2016), đồng chí Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án cho biết: Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư, thời gian qua, Đề án đã xuất bản gần 400 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với trên 9,4 triệu bản sách. Sách của Đề án phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cơ sở xã, phường, thị trấn… Nội dung sách đảm bảo khách quan, chính xác, khoa học, cũng cấp những thông tin chính thống về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật, phổ biến nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành cụ thể, phù hợp với đối tượng ở cơ sở. Sách được biên soạn ngắn gọn, văn phong giản dị, trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án Phạm Chí Thành, việc triển khai thực hiện Đề án cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, phong phú; có đầu sách chưa phù hợp với đối tượng cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Số lượng bộ sách gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu phong phú, đa dạng của người đọc. Ở một số nơi, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng sách chưa bám sát mục tiêu của Đề án; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Đề án…

Tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016). Ảnh: VH

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những nhược điểm, hạn chế cần khắc phục, Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016) khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước. Việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Kết luận của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Đề án trang bị sách chị cơ sở xã, phường, thị trấn đã biểu dương những kết quả quan trọng của Đề án. Để khắc phục hạn chế và đảm bảo Đề án tiếp tục được thực hiện một cách tích cực, hiệu quả, Phó trưởng Ban Phạm Văn Linh đề nghị, trong thời gian tới, Hội đồng chỉ đạo Đề án và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu sâu sắc mục đích yêu cầu của Đề án. Xác định mục tiêu của Đề án là cung cấp cho xã, phường, thị trấn trong cả nước những ấn phẩm thiết yếu, phục vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở, phổ biến những kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống để ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tham gia trước hết phải chủ động để tìm ra các giải pháp  tiếp tục nâng cao đội ngũ cán bộ biên tập viên tham gia đề án, bảo đảm cho quá trình lựa chọn, tổ chức tham khảo biên tập, xuất bản; cung cấp các đầu sách chất lượng, khoa học, có giá trị, dễ thực hiện, vận dụng để cung cấp phổ biến các kỹ năng, thực  hành… nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa. Chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phát hành, bảo đảm sách được phát hành đúng thời gian, phù hợp với mục đích phát hành; Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đề án phù hợp. Cần theo dõi công việc triển khai đề án; công tác tiếp nhận, triển khai, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, tổ chức thực hiện kiến nghị đề xuất đề án. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai đề án, khai thác sử dụng hợp lý nguồn sách; đưa nội dung sách vào quá trình giảng dạy tại các trường chính trị tỉnh, thành phố và các trung tâm tổ chức…

“Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thực hiện Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở. Việc trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực về nhiều mặt, trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất” – Đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao bằng khen cho 69 tập thể và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016)./.

Theo dangcongsan.vn