Tây Ninh

AGRIBANK Tây Ninh: Khẳng định vai trò chủ lực trong nông nghiệp, nông thôn

2:41 sáng | 14/09/2019

Trong những năm qua, Agribank Tây Ninh luôn khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), góp phần tạo nên những đổi thay tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân…

Dấu ấn đồng hành cùng Tam nông

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Agribank là NHTM nhà nước có mạng lưới và nguồn nhân lực rộng lớn nhất, có chi nhánh ở các huyện và các KCN tập trung; có phòng giao dịch ở các xã và cụm dân cư; thị phần nguồn vốn và tín dụng chiếm hơn 30% của các NHTM hiện có.

Tận dụng lợi thế này, những năm qua Agribank Tây Ninh luôn khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, trở thành ngân hàng đi đầu trong đầu tư phát triển Tam nông trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Agribank Tây Ninh – ông Cao Tấn Trình cho biết trong đầu tư tín dụng, chi nhánh luôn dành phần lớn nguồn vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định 55/NĐ-CP và các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn; ưu tiên vốn cho vay thu mua, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu của địa phương (cao su, mì, mía, đậu phộng, hạt điều) với lãi suất ưu đãi về VNĐ và ngoại tệ; cho vay trung, dài hạn các doanh nghiệp thực hiện dự án cải tiến máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, các dự án xanh, khắc phục ô nhiễm môi trường… nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đầu tư tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, chi nhánh còn phối hợp hiệu quả với các đoàn thể chính trị xã hội, Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ theo mô hình cho vay qua tổ liên kết sản xuất. Đến nay đã xây dựng và đầu tư được 1.344 tổ liên kết với 35.881 thành viên, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 là 1.073 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Với hiệu quả vượt trên mong đợi, nợ xấu phát sinh thấp, mô hình đã giúp bà con nông dân an tâm sản xuất.

Theo ghi nhận của ông Trình, mô hình tổ liên kết là bước khởi đầu cho nông dân tiếp cận mô hình làm ăn tập thể, thúc đẩy sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống. Đây cũng là tiền đề để phát triển sản phẩm dịch vụ, nhất là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để phát triển tính cộng đồng ở nông thôn, tiến tới mô hình sản xuất lớn hơn, hình thành các hợp tác xã hoạt động thực thụ, hiệu quả trong tương lai.

Quyết tâm giữ vững vị thế

Giai đoạn 2014- 2018, bình quân mỗi năm doanh số cho vay của Agribank Tây Ninh tăng 14%. Riêng năm 2018, doanh số cho vay đạt 18.689 tỷ đồng, trong đó thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 15.950 tỷ đồng (chiếm 80%), còn dư nợ đến cuối năm trên 12.900 tỷ đồng. Các chương trình phát triển kinh tế như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất mới, nông nghiệp sạch, công nghệ cao… đều được chi nhánh quan tâm triển khai, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp.

Năm 2019, thực hiện chủ trương của Nhà nước về khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị; kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen… Agribank Tây Ninh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, thực hiện tuyên truyền rộng rãi xuống tận cơ sở, địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương lớn của Nhà nước cũng như nhu cầu, xu thế tiêu dùng của người dân để từ đó đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Theo thống kê, doanh số đầu tư tín dụng của Chi nhánh trong 6 tháng đầu năm 2019 là 10.890 tỷ đồng, trong đó phục vụ nông nghiệp nông thôn 8.700 tỷ đồng, chiếm 80%, tăng 30% so với cùng kỳ; doanh số cho vay tiêu dùng đối với hộ gia đình và cá nhân nhằm hạn chế tín dụng đen trên 36 tỷ đồng, dư nợ trên 26 tỷ; dư nợ cho vay doanh nghiệp tăng mạnh so với đầu năm. Nhiều mô hình, giống cây trồng mới được bà con nông dân tiếp cận, phát triển sản xuất; thậm chí nhiều hộ còn sản xuất với quy mô lớn, lên đến vài trăm hecta theo quy trình công nghệ mới.

Năm 2019, Agribank Tây Ninh đặt mục tiêu giữ vững vị thế ngân hàng chủ lực trong cung cấp vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, dựa trên lợi thế mạng lưới và nguồn vốn của mình.

Trong năm nay, chi nhánh ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn và sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm nguồn vốn tăng thêm ít nhất 15%. “Nếu doanh số giải ngân năm 2018 gần 16.000 tỷ đồng thì năm 2019, chúng tôi phấn đấu đạt 18.400 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực sản xuất, Agribank Tây Ninh sẽ dành phần lớn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nông thôn; cải tiến nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung mở rộng tín dụng phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng mỗi xã một vài sản phẩm chủ lực, một vài mô hình sản xuất mang tính đặc trưng; từ đó làm hạt nhân lan tỏa các mô hình sản xuất trong cộng đồng dân cư. Đồng thời mở rộng cho vay tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen… nhằm góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn Tây Ninh một cách hiệu quả và thiết thực nhất” – ông Trình nhấn mạnh.