Bình Phước

Bình Phước: Đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao

7:50 sáng | 08/07/2019

Giai đọan 2019-2025, Bình Phước tập trung ứng dụng các công nghệ cao đã được các tổ chức nghiên cứu, giai đoạn 2026-2030 tiến hành chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hoá.

Trong công tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho đến thời điểm hiện tại, Bình Phước đã đạt được một số kết quả khả quan. Tỉnh đã phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; nghiên cứu và thử nghiệm nhiều mô hình trồng trọt (cà chua bi, cà chua cherry, lan giả hạc, lan trầm rừng, dưa lưới KIMOJI  và NAGANET…)

Năm 2018, tỉnh đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Xoài (68ha), công nhận 1 doanh nghiệp đạt tiêu chí theo quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tỉnh có 68/107 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, 44 cơ sở được chứng nhận VietGap trong đó 14 cơ sở trong lĩnh vực trồng trọt và 40 cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có vùng nông nghiệp nào được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Quyết định 66/2015/QĐ-TTg. Về nguyên nhân, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, hiện tỉnh chưa xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho toàn tỉnh; khó khăn trong việc thực hiện quy định về quản lý đất đai làm chậm tiến độ kế hoạch hình thành các khu-vùng nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh có, hiệu quả của công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa cao; chưa có chính sách đặc thù cho một số cây trồng chủ lực cộng với khả năng đáp ứng các nguồn lực cho việc chuyển đổi, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao còn thấp.

Ưu tiên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Bình Phước đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.

Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà trước hết là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ quản lý…khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào các loại cây con mới. Ngoài ra, tỉnh sẽ nỗ lực phát huy vai trò của doanh nghiệp, tăng cường thu hút vốn xã hội hoá vào việc xây dựng và phát triển các khu-vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, Bình Phước đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi heo.

Đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên 1,3 lần và 1,5 lần vào năm 2025; tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận GAP; khai thác sản phẩm từ các vùng, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 20% năm 2020 và 30% năm 2025 trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hình thành vùng chăn nuôi công nghệ cao

Theo kế hoạch, Bình Phước đặt mục tiêu hình thành ít nhất 2 vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao (Lộc Ninh, Hóm Quản) và 2 vùng chăn nuôi gà công nghệ cao (Đồng Phú, Thanh Phú) vào năm 2020 với quy mô từ 50 trang trại trở lên.

Ngoài ra, tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau khi hình thành, thu hút ít nhất 01 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao vào đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: doanh nghiệp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm thuỷ sản đủ điều kiện theo điều 5 luật công nghệ cao. Tổng diện tích quy hoạch đạt 2.000 ha phục vụ mục tiêu kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 2 giải pháp quan trọng. Thứ nhất, thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp tác đầu tư để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ hai, công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá…lập hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trung Kiên