Bình Phước

Bình Phước: Phát triển công nghiệp chất lượng cao và chế biến sâu

7:46 sáng | 08/07/2019

“Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu ngắn và trung hạn, Bình Phước cụ thể hoá mục tiêu, giải pháp hành động cho từng lĩnh vực và sản phẩm, phát triển công nghiệp chất lượng cao và chế biến sâu”, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước Nguyễn Anh Hoàng chia sẽ trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Yến Dương thực hiện.

 

Xin ông vui lòng cho biết một số kết quả trong công tác phát triển công nghiệp và thương mại của Bình Phước?

Về công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 ước đạt 45.915,67 tỷ đồng, tăng 12,40% so với năm 2017, vượt 14,39% kế hoạch đề ra. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng, sản phẩm công nghiệp ngày một đa dạng hơn, quy mô sản xuất được mở rộng do thị trường tiêu thụ tốt. Hoạt động khuyến công được tập trung và hỗ trợ tích cực cho các sơ sở công nghiệp tại nông thôn thông qua công tác xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc và công nghệ tiên tiến.

Về thương mại, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 43.500 tỷ Đồng, tăng 15,12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.240 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu tăng nhẹ ước đạt 1.415 triệu USD.

Trong năm 2018, thị trường xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh được mở rộng do tác động từ các hiệp định thương mại tự do.

Đâu là các lĩnh vực mũi nhọn và giải pháp cần tập trung phát triển trong thời gian tới?

Năm 2019, Bình Phước đặt mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu và các ngành mũi nhọn, nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường sản xuất máy móc và nguyên liệu thay thế nhập khẩu. Trong năm nay, chúng tôi tập trung sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, dệt, may, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất trang phục…

Ngoài ra, chúng tôi tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, điện và hạ tầng thương mại.

Một nhiệm vụ khác là thực hiện đề án phát triển thương hiệu nông sản chủ lực giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến 2030; triển khai dự án xây dựng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước và dự án xây dựng chợ đầu mối tỉnh Bình Phước; thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Ban quản lý cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh năm 2019.

Kế đến là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh lân cận; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công thương; tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước.

Xin ông cho biết cụ thể giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực này?

Hiện tỉnh đã quy hoạch 13 KCN, 10 trong số này đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang chuẩn bị hoạt động, 1/35 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Về mặt chính sách, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, đề án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.

Tỉnh phát triển các dự án đầu tư một cách có chọn lọc, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, đảm bảo các yếu tố như công nghệ, sử dụng đất, tài nguyên, vốn, lao động, hạ tầng, năng lượng nhằm đảm bảo phát triển bền vững môi trường đầu tư và kinh doanh.

Để phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết nối hạ tầng, xây dựng hạ tầng KKT cửa khẩu Hoa Lư, phát triển kinh tế mậu biên, tạo điều kiên thuận lợi cho hoạt động trao đổi hàng hoá qua biên giới.

Ngoài ra, Bình Phước sẽ tập trung kết nối khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương; khơi dậy ý tưởng phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại địa phương; mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông, các doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)?

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới, nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế…

Thứ hai, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm theo thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn.

Thứ tư, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó cần chú ý đến các yếu tố như chất lượng, giá thành, trình độ tổ chức, xúc tiến thương mại và năng lực đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường.

Mục tiêu và định hướng của ngành công thương Bình Phước trong thời gian tới là như thế nào, thưa ông?

Phát triển công nghiệp Bình Phước dựa vào xuất khẩu, tập trung lĩnh vực chế biến sâu nông-lâm sản như hạt điều, mủ cao su, tiêu, gỗ…Chúng tôi đã đề ra chiến lựợc 7 bước nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm:

Một là, nghiên cứu quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất nông lâm sản theo hướng bền vững.

Hai là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Tỉnh ủy và UBND tỉnh bằng những Nghị quyết chuyên đề.

Ba là, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bốn là, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng trong nông nghiệp.

Sáu là, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư.

Bảy là, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, có giá trị gia tăng cao…