Bình Phước

Bình Phước: Tạo chính sách thông thoáng – Nhiệt thành mời gọi đầu tư

5:46 sáng | 07/11/2017

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước là cửa ngõ kết nối với Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia. “Thế mạnh của Bình Phước hiện nay chính là quỹ đất sạch rộng lớn và đang trong quá trình “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đi trước. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ khá phát triển cùng với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn là điều kiện để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp” – đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văm Trăm – Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Phước với Tạp chí Văn hóa Doanh nhân.

                Ông Nguyễn Văm Trăm – Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Phước

PV: Năm 2016 được xem là năm bản lề trong chặng đường 5 năm (2016-2020) phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Ông có nhận xét như thế nào về bức tranh kinh tế – xã hội Bình Phước trong năm vừa qua?

Trong bối cảnh những thuận lợi chung và những khó khăn, thách thức nhất định của tình hình kinh tế trong khu vực và trên thế giới năm 2016; điển hình như biến động về giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh xuống thấp (hồ tiêu, giá heo hơi…), giá cao su chậm phục hồi; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, lốc xoáy; dịch bệnh trên cây trồng đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng vụ điều. Dù chịu ảnh hưởng rất lớn của tình hình kinh tế, nhưng được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; tình hình phát triển kinh tế của địa phương trong năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Kết quả nổi bật thể hiện qua một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

– Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh – GRDP (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện năm 2016 tăng 6,6% (kế hoạch tăng 6,5-7%), trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 10,5% (kế hoạch tăng 8%) và dịch vụ tăng 10,67% (kế hoạch tăng 6,5%), nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng 0,36% (kế hoạch tăng 5,4%) so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 42,1 triệu đồng, tăng 5,5% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2016 đạt 4.150 tỷ đồng, bằng 104% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh. Chi ngân sách nhà nước đạt 7.119 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư trong nước, trong năm 2016 đã cấp chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 110 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 6.700 tỷ đồng, so với năm 2015 tăng 100% về số dự án, tăng 25% về số vốn đăng ký. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Thu hút được 20 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65,9 triệu USD. Lũy kế đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 154 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.135 triệu USD. Về phát triển doanh nghiệp: cả năm 2016 có 728 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký là 4.074 tỷ đồng, tăng 8,6 % về số doanh nghiệp so với năm 2015.

– Ngoài ra, để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; trong năm 2016 tỉnh đã khởi công xây dựng khu công nghiệp Becamex Bình Phước, khu công nghiệp Sikico và các dự án tâm linh, du lịch sinh thái…

PV: Thực hiện Chương trình Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến nay công cuộc cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có những thay đổi nào, thưa Ông?

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước luôn chú trọng làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết trong quy trình đầu tư, cụ thể như: tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các Sở ngành có liên quan rà soát và cắt giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nhưng vẫn phù hợp theo quy định của pháp luật; thực hiện Quy chế liên thông giữa các đơn vị như Đăng ký kinh doanh, Thuế, Hải quan và Công an. Trong đó cơ quan đăng ký kinh doanh (đăng ký đầu tư) làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy chế liên thông để giúp đỡ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục ban đầu trong đầu tư. Thường xuyên rà soát, cập nhật và điều chỉnh những quy định mới phù hợp với pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành có liên quan nhằm xây dựng có hệ thống chính sách thu hút ưu đãi đầu tư, mời gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước về tỉnh. Chính sách ưu đãi đầu tư có thể được xem như cẩm nang hệ thống những mối quan tâm về đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư; chính sách ưu đãi về thuế, hải quan, chi phí thuê đất…

Tỉnh đã ban hành và công khai danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 25/7/2017.

Về quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, thì tỉnh cam kết rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống còn 1/3 so với quy định của trung uơng; cụ thể: thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chỉ còn 12 ngày làm việc (so với quy định chung là 35 ngày).

PV: Đâu là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của Bình Phước trong thời gian tới, thưa Ông? Các chính sách của Tỉnh trong việc tạo môi trường phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư cho những ngành này?

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh Bình Phước luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi đầu tư công khai, minh bạch với các nhà đầu tư; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít điện năng, sử dụng lao động tại chỗ, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dự án liên kết chuỗi, phát triển công nghiệp sạch. Kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đánh đổi môi trường bị ô nhiễm để phát triển kinh tế. Kỳ vọng của tỉnh đến năm 2020, tỉnh thu hút đầu tư được các dự án theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh.

UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp sau để hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó:

– Tập trung mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư;

– Chú trọng làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết trong quy trình đầu tư;

– Công khai, minh bạch và cụ thể hóa chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; chính sách phát triển Hợp tác xã.

– Thành lập Hội phát triển Doanh nghiệp Bình Phước; Quỹ khởi nghiệp tỉnh Bình Phước nhằm làm cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm của chính quyền đồng hành cũng doanh nghiệp. Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp định kỳ hàng tháng nhằm nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

PV: Vậy tỉnh đã có chiến lược gì để thực hiện thành công mục tiêu đưa kinh tế Bình Phước phát triển nhanh và bền vững?

Để tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế, tỉnh đã và đang tập trung triển khai một số giải pháp chiến lược sau:

– Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng: Hiện nay tỉnh Bình Phước có 08 Khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.194 ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng 70 % diện tích đất). Tỉnh hiện có một Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết lới với Lào và Thái lan) với tổng diện tích 28.364 ha (trong đó 3.580 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động). Đây chủ yếu là đất sạch sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch đến năm 2020 tỉnh sẽ có 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sikico tại huyện Hớn Quản (diện tích 655 ha); khu Công nghiệp và dân cư Becamex Bình Phước (diện tích 4.633 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng). Đây là 02 khu công nghiệp được xây dựng quy mô, hiện đại, điều kiện hạ tầng rất thuận lợi để ưu tiên cho thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước chuẩn bị thông qua Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, định hướng mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 phát triển 21 cụm công nghiệp; quy hoạch đến năm 2030 phát triển 34 cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đang quy hoạch 02 dự án trọng điểm gồm Dự án Khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp Đồng Phú và Dự án phát triển kinh tế và du lịch sinh thái Bù Gia Mập, đây là địa điểm lý tưởng để thu hút đầu tư.

– Về hạ tầng giao thông: Hầu hết các khu công nghiệp của tỉnh đều được quy hoạch nằm ven trục Quốc lộ 13, 14 và đường ĐT 741; các tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng từ 04 đến 06 làn xe, rất thuận tiện cho lưu thông; ngoài ra, tỉnh luôn kêu gọi các nguồn vốn khác như nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA… Trong đó đặc biệt chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hình thức xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc…) nhằm tạo liên kết giữa Bình Phước với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước với khu vực Tây Nguyên và các nước bạn Campuchia, Lào…/.

Thi Dương  thực hiện