Bình Phước

Bình Phước: Tìm lối đi cho du lịch phát triển

5:29 sáng | 07/11/2017

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cung đường huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có quốc lộ 13 nối với Vương quốc Campuchia, Lào và thái Lan, có nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Có thể nói, Bình Phước là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, những tiềm năng này đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội tại địa phương phát triển. Điều này buộc ngành du lịch tỉnh Bình Phước cần phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước mở lối cho du lịch phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

                Phó giám đốc Sở,  Ông Đỗ Minh Trung, người đứng ngoài củng bên phải

Tiềm năng cần được đánh thức

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, ông Đỗ Minh Trung, để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch của tỉnh ngoài phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, nhiều thác, ghền, hồ nước tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn có quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng. Tài nguyên du lịch của Bình Phước đều mang những nét đặc thù riêng, nổi bật các địa danh như trảng cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá, thác Mơ, khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng Miền nam Việt Nam Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang, căn cứ cách mạng Sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ,… Trong đó, tỉnh Bình Phước đang từng bước khai thác tiềm năng của núi Bà Rá với các dự án phát triển du lịch tâm linh và kết hợp về nguồn địa chỉ đỏ – nhà tù Bà Rá; trảng cỏ Bù Lạch đang phát triển dự án phim trường ngoài trời kết hợp với du lịch sinh thái cụm thác trên đầu nguồn sông Đồng Nai; các khu di tích lịch sử cách mạng như khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng Miền nam Việt Nam Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang (Lộc Ninh), mộ tập thể 3.000 người (Bình Long)… được trùng tu, đầu tư xây dựng quy mô, đặc biệt, việc đi vào hoạt động Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo (Bù Đăng) sẽ làm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Bình Phước.

Ngoài ra, Bình Phước còn có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau và có những nét văn hóa đặc sắc riêng, thể hiện qua các lễ hội như Lễ hội mừng lúa mới, lễ lập làng mới, đặt tên con, lễ quay đầu trâu, cúng lúa, cầu mưa,… Các công trình kiến trúc cổ, đình, chùa, nhà thờ, không gian văn hóa độc đáo, các di chỉ thành đất hình tròn nơi cư trú của các cư dân thời tiền sử ở vùng đất này còn lưu lại đến ngày nay. Chưa kể, nơi đây còn có nhiều món ăn đặc trưng như cơm ống nứa, canh bồi, canh thụt, lá nhíp, đọt mây nướng, rượu cần, hạt điều, các món ăn đặc trưng từ cá lòng hồ … hứa hẹn làm du khách hài lòng.

Với những lợi thế du lịch sẵn có, hàng năm, lượng du khách đến Bình Phước trung bình đạt khoảng 200.000 – 300.000 ngàn lượt năm 2016 tăng đột biến lên khoảng 500.000 lượt. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng du lịch của tỉnh và ngành du lịch Bình Phước vẫn chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước. Nguyên nhân lớn nhất của thực trạng này là cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh hiện tại khá hạn chế, chưa xây dựng được loại hình du lịch đặc thù và công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Để đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh, ngành du lịch cần triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ trên cơ sở bám sát tình hình thực tế nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển.

Giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển

             Khu du lịch Ba Ra Thác Mơ

Thực trạng hiện nay, tỉnh Bình Phước cần sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch. Trong đó, cần tập trung vào các dự án đã được phê duyệt đầu tư như: dự án trùng tu, tôn tạo Khu căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết; Dự án khu vui chơi, giải trí tổng hợp hồ Suối Cam, dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ (Dự án quần thể văn hóa – cứu sinh núi Bà Rá), dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Đồng thời có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với các địa danh có thể phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp chủ động khai thác phát triển du lịch.

Song, việc phát triển kết cấu hạ tầng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, vậy nên công tác xã hội hóa đầu tư cần được các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Phước quan tâm triển khai. Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của tỉnh cho phát triển du lịch, vốn ODA thông qua vay ưu đãi nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ, tỉnh tích cực huy động mọi nguồn lực tài chính trong nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn từ khu vực tư nhân và các nhà đầu tư có uy tín trong ngành thương mại du lịch để bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn. Hơn thế, định hướng xã hội hóa đầu tư phát triển các loại hình du lịch có lợi thế của địa phương như du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng cần được đẩy mạnh.

Để tạo bước đột phá cho du lịch, ngành du lịch Bình Phước cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với nội dung, hình thức đa dạng. Trong đó, ưu tiên quảng bá lợi thế so sánh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và lễ hội, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tập trung vào các địa danh trọng điểm như Tà Thiết – Thác Mơ, Bà Rá – Khu bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số S’tiêng Sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch và Tây Nguyên (Tà Thiết, Bà Rá, Bom Bo, Bù Lạch, Suối Cam) .Đẩy mạnh tuyên truyền ngay trong các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, để mọi người nhận thấy tiềm năng lớn của ngành du lịch Bình Phước. Tăng cường vốn ngân sách cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch và tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm.

Một yếu tố khác giúp thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” tỉnh Bình Phước phát triển trong tương lai là chú trọng mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên để xây dựng các tuyến du lịch đặc thù của tỉnh. Thực hiện liên kết, hợp tác các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch quốc tế, từng bước mở ra chuỗi liên kết du lịch đầy tiềm năng. Mặt khác, tỉnh cần quan tâm nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về phát triển du lịch cho phù hợp, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và cơ quan tham mưu cấp tỉnh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ dịch vụ du lịch. Đó là một trong những chìa khóa quan trọng để mở lối cho du lịch Bình Phước bứt phá đi lên trong thời gian tới./.

Anh Thi