Thương hiệu nổi tiếng

Dakruco – “Điểm sáng” của ngành Cao su Việt Nam

3:25 sáng | 18/01/2020

Qua hơn 30 năm nỗ lực dựng xây và phát triển, Công ty CP Cao su Đắk Lắk (Dakruco) hôm nay đã vươn lên khẳng định vị thế thương hiệu trong ngành Cao su Việt Nam và thế giới. Những thành quả đạt được không chỉ là minh chứng sống động cho năng lực, bản lĩnh của thương hiệu cao su hàng đầu này mà còn là động lực thúc đẩy Dakruco ngày càng phát triển hơn nữa, mạnh mẽ vươn tầm cao mới…

Dấu ấn trong sản xuất kinh doanh

Hiện nay Dakruco có 9 chi nhánh trực thuộc, 1 Công ty con 100% vốn tại Vương quốc Campuchia. Đơn vị chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh mủ cao su; sản xuất sản phẩm chỉ thun cao su; kinh doanh khách sạn, nhà hàng…Tổng diện tích vườn cây cao su Công ty quản lý trên 11.300 ha (bao gồm cả diện tích tại dự án Campuchia 1.670 ha).

Dakruco là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015. Các sản phẩm cao su của Công ty được Hiệp hội Cao su Việt Nam cấp chứng nhận sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam. Đây là những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm cao su thương hiệu Dakruco ngày càng khẳng định uy tín đối với khách hàng và thâm nhập thành công nhiều thị trường quốc tế nổi tiếng khắt khe về mặt chất lượng.

Qua hơn 30 năm dựng xây và trưởng thành, Dakruco đã vươn lên trở thành doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn của tỉnh Đắk Lắk, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 3.000 người, trong đó có 1.110 lao động là người đồng bào dân tộc (chiếm 37,1%). Nhìn vào những thành quả mà Dakruco gặt hái ngày hôm nay, có thể ví doanh nghiệp như một tấm gương điển hình cho nỗ lực vượt khó vươn lên, vững vàng tạo lập vị thế bằng sự bền bỉ, sáng tạo cùng những bước đi chiến lược.

Ngày 1/10/2018 ghi dấu ấn cột mốc quan trọng khi Dakruco được cổ phần hóa và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Chuyển sang hoạt động theo mô hình mới được xem là cơ hội “vàng” để Dakruco có thể vận dụng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và thực sự Công ty đã tận dụng rất tốt cơ hội này, thể hiện qua kết quả sản xuất kinh doanh rất đáng khích lệ trong 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó trong 9 tháng qua, sản lượng mủ cao su Dakruco khai thác là 4.715 tấn, đạt 71,44% KH năm và sản phẩm chế biến đạt 4.573 tấn mủ quy khô, đạt 65,22% KH năm. Tổng doanh thu toàn Công ty đạt  399,911 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ sản phẩm cao su đạt 185,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 18.029 triệu đồng, tương ứng 117,99% KH năm. Thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước 13,51 tỷ đồng; thu nhập bình quân của CBCNV trong toàn Công ty đạt 5,68 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không ngừng gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, Dakruco thực hiện tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn, quản lý áp dụng theo các bộ tiêu chuẩn ISO; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả phục vụ trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành. Với tôn chỉ hoạt động đề cao chất lượng, Công ty cũng đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, kiểm tra thường xuyên và thực hiện đúng hệ thống quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đúng yêu cầu kỹ thuật, qua đó góp phần quảng bá, nâng cao uy tín thương hiệu cao su Dakruco trên các thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Trong quá trình hoạt động, Dakruco luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn lao động nên những năm qua không có trường hợp bị tai nạn lao động nặng hoặc chết người. Đơn vị còn liên tục cải tiến điều kiện lao động nhằm hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra Dakruco còn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, ốm đau, thai sản, dưỡng sức, thi đua khen thưởng, chuyển xếp và nâng lương; hàng năm đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mở lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, cấp hàng bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc kịp thời, đúng đối tượng…; góp phần đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người lao động.

Mở hướng đi mới triển vọng từ Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Cao su trong nước đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là giá bán sản phẩm cao su thiên nhiên liên tục giảm sâu, chưa có dấu hiệu phục hồi; lợi nhuận từ vườn cây cao su giảm. Tổng Giám đốc Dakruco – ông Bùi Quang Ninh cho biết trước tình hình đó, đơn vị đã phát huy tính năng động, sáng tạo khi vạch ra những định hướng và giải pháp phù hợp với xu thế phát triển như: tái cơ cấu lại diện tích cao su; đưa các giống cao su mới có năng suất cao thay thế bộ giống cũ; ứng dụng công nghệ mới trong khai thác mủ cao su; triển khai giải pháp kỹ thuật mới, trồng xen một số cây ngắn ngày, cây dược liệu, cây công nghiệp trên vườn cao su; phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững…

Hiện nay, Dakruco đã chuyển đổi 526 ha cao su thanh lý của Nông trường Cư Bao để triển khai thực hiện Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Bên cạnh việc triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng (hệ thống điện, nước, đường giao thông) trên vùng dự án và trực tiếp tổ chức đầu tư 157,8 ha để trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác; Công ty Dakruco cũng đã hợp đồng hợp tác kinh doanh sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đã đạt được 3 chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Châu Âu (EU Organic), Mỹ (USDA- NOP) và Nhật Bản (JAS Organic), đồng thời có thị trường tiêu thụ ổn định để liên kết hợp tác đầu tư.

Đến nay, Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Dakruco đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án như: hồ chứa nước trung chuyển; hệ thống trạm bơm, đường ống cấp nước; hệ thống đường dây điện trung hạ áp và trạm biến áp… Công ty cũng đã hoàn thành công tác trồng mới các loại cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP như: sầu riêng, mít, chuối, chanh dây. Ngoài ra, đơn vị hợp tác đầu tư vào dự án của Công ty đang tiến hành đầu tư các loại cây trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao về nông nghiệp hữu cơ. Theo ghi nhận của ông Ninh, Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Dakruco sau khi hoàn thành đi vào hoạt động có thể xem đây là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; góp phần hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Bảo Minh