6Theo các bậc cao niên làng Triều Khúc, múa bồng có khởi nguồn gắn với huyền tích về vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 – 802). Sau khi chiến thắng quân Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì  Hà Nội ngày nay), ông đã chọn những lính tráng tài hoa giả gái múa đánh bồng, để tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ.

Từ đó, múa bồng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian. Đến nay, múa bồng đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của hội làng Triều Khúc, tổ chức vào ngày 9 – 12/1 (Âm lịch) hàng năm. Ngoài ra, điệu múa này còn được giới thiệu tại các lễ hội truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời của đất Thăng Long – Hà Nội.

Hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian này được lưu truyền và có những bản sắc riêng, không giống những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, vì vậy, nó rất cầu kỳ và phức tạp. Để có được người múa hợp trong một cặp, các nghệ nhân phải chọn lựa cẩn thận, rồi truyền nghề. Khi học múa, người học không chỉ phải thuộc các động tác mà còn phải biết nhập tâm, phải thể hiện được thần thái của điệu múa.

Nếu nhìn theo các động tác múa thì sẽ khó ai có thể nhận ra người múa chính là các chàng trai.
Chiếc bồng – nhạc cụ duy nhất trong điệu múa.

 

Vũ công ăn mặc theo lối của các thôn nữ.  Khi biểu diễn, họ múa theo từng cặp,

trong tiếng nhạc, chuông, trống rộn ràng.

Điệu múa kết hợp nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và tế lễ.
Khi các bậc cao niên dâng rượu đức Thành hoàng làng,
thì bên ngoài múa bồng, cứ 3 tuần rượu là 3 lần múa.

Biểu diễn điệu múa bồng trong ngày hội.

Theo quan niệm dân gian thì điệu múa còn mang trong nó tín ngưỡng phồn thực. Các cặp múa chính là sự giao hòa giữa trời đất, âm dương, thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Với ý nghĩa tâm linh sâu đậm, đồng thời thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên bằng những sắc thái vui tươi, hạnh phúc nên trong các ngày vui, dịp lễ trọng đại của làng, điệu múa cổ lại được dịp phô diễn và cuốn hút du khách gần xa./