Bắc Cạn

Du lịch Bắc Kạn:Từ tiền năng đến lĩnh vực mũi nhọn

8:33 sáng | 09/11/2017

Bắc Kạn có nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, phong phú với nhiều hang động, thác hồ kỳ vĩ; nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng; các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng… rất thích hợp để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, để ngành “công nghiệp không khói” ở đây phát triển hơn nữa, xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có đòi hỏi phải có một “cú hích” mang tính đột phá.

Tiềm năng nổi trội

Với đặc thù là tỉnh miền núi, cấu tạo địa chất đặc biệt với những dãy núi đá vôi điển hình đã tạo cho Bắc Kạn nhiều hang động, thác ghềnh đẹp như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, thác Đầu Đẳng, thác Bản Vàng (huyện Ba Bể); động Nàng Tiên, thác Nà Đăng (huyện Na Rỳ); thác Nà Khoang (huyện Ngân Sơn); thác Khuổi Đeng (huyện Chợ Mới); thác Bạc, động Áng Toòng (thành phố Bắc Kạn)… Diện tích hang động có nơi rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông, với các nhũ đá, cột đá hình thù sinh động, độc đáo.

Đặc biệt, hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500ha, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể với trên 20 điểm tham quan, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống. Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Khu Ramsar (Vùng đất ngập nước quan trọng) thứ 1.938 của thế giới. Hồ Ba Bể cũng đã được công nhận là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt. Hàng năm, Hồ Ba Bể thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

 Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên hấp dẫn, tỉnh cũng có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…, các bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông hồ; các làn điệu hát then, đàn tính, sli, lượn mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách du lịch quốc tế mong muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam.

Cùng với đó, Bắc Kạn còn là quê hương cách mạng với các di tích lịch sử cách mạng thuộc khu ATK, huyện Chợ Đồn hiện đang đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; di tích Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông, di tích chiến thắng Đèo Giàng (huyện Bạch Thông)… Đây đều là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, của quân đội và nhân dân Bắc Kạn, là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển loại hình du lịch lịch sử của tỉnh.

Du lịch tâm linh cũng có tiềm năng phát triển với nhiều đền, chùa như Đền Thắm, chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới); đền Mẫu, đền Cô, đền Thác Giềng (thành phố Bắc Kạn); đền An Mã, chùa Phố Cũ (huyện Ba Bể)… với kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên đẹp, là những điểm du lịch văn hoá tâm linh thu hút đông khách thập phương đến thăm quan.

Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với việc tập trung khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, lịch sử, văn hoá, cộng đồng, hoạt động du lịch Bắc Kạn những năm qua đã đạt được kết quả nhất định. Lượt khách du lịch cũng như doanh thu tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2005, chỉ có gần 60.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng thì trong 6 tháng đầu năm 2017,tổng khách đạt 315.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 6.400 lượt, khách nội địa là 308.600 lượt; doanh thu từ khách du lịch đạt 220 tỷ đồng; công suất phòng buồn bình quân đạt 40% và dự kiến còn tăng cao từ nay đến cuối năm.

Trong những năm qua, ngành du lịch Bắc Kạn đã tập trung cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; hình thành các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, liên vùng, tập trung khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hoá bản sắc với sự tham gia của các thành phần kinh tế… Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân là do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phần lớn là quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành ít, quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu chưa tạo được dấu ấn đặc trưng của địa phương. Do đó, để ngành du lịch địa phương phát triển xứng với tiềm năng, ngoài việc khắc phục hạn chế, còn đòi hỏi phải có thêm sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ. 

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hạ tầng viễn thông, cấp thoát nước, cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới, ngành du lịch tỉnh cần tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ. Cùng với đó là đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, xây dựng website giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch, vui chơi, giải trí, phát hành các ấn phẩm tập gấp, bản đồ du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay); chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, sản phẩm nông sản sạch để phục vụ khách tham quan du lịch.

Ngoài ra, tỉnh đã chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đang đầu tư vào Ba Bể nhằm xây dựng các khu vui chơi giải trí, ẩm thực, khu du lịch văn hóa, khu du lịch nghỉ dưỡng với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, cảnh quan Vườn Quốc gia Ba Bể.

Những giải pháp thực tế

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng xây dựng và gìn giữ thương hiệu về du lịch, địa phương vẫn rất cần những nhà đầu tư lớn, có sức ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực du lịch đầu tư vào khai thác du lịch thì mới có “sức bật” rõ rệt. Ngoài ra, việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư. Sau đây là ý kiến của một số đơn vị trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch Bắc Kạn.

– Ông Đinh Công Trứ, chủ Khách sạn Thái Bình (Vườn Quốc gia Ba Bể):

Thái Bình Hotel được thành lập và đi vào hoạt độngđến nay mới được hơn 1 năm, chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú và nhà hàng. Chúng tôi hiện có 15 phòng nghỉ tiện nghi, có điều hòa, ti vi, nóng lạnh khép kín, sạch sẽ và thoáng mát; với các tiêu chuẩn khác nhau (phòng đơn, phòng đôi, phòng ba và phòng dành cho gia đình) thuận tiện cho khách đến tham quan du lịch, các đoàn tham dự các hội nghị, hội thảo và nghỉ dưỡng.

Theo quan điểm của tôi, để Vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng và du lịch tỉnh nói chung phát triển hơn nữa, tỉnh cần tiếp tục cơ chế thu hút các nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh sôi động và lành mạnh. Ngoài ra, cần có sự đầu tư hơn nữa vào hạ tầng giao thông; chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường; quy hoạch khu, bến thuyền phù hợp, đồng thời chấm dứt tình trạng chèo kéo khách…

– Ông Lê Hùng, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Lê Hùng – Babe ecolodge (xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể):

Đơn vị chúng tôi nằm trên đường từ trung tâm huyện  đến Vườn Quốc gia Ba Bể, cách thị trấn Chợ Rã 2km, cách bến xuồng Buốc Lốm 2,5km và cách Hồ Ba Bể 14km, rất thuận tiện giao thông đi lại. Nơi đây phù hợp để đón mọi đối tượng khách du lịch: tham quan vãn cảnh Hồ, nghỉ dưỡng; tổ chức hội nghị, hội thảo và các chương trình du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử, truyền thuyết vùng Hồ Ba Bể… Chúng tôi còn cung cấp dịch vụ ăn uống cao cấp, thực đơn phong phú với các món ăn đặc sản của địa phương như: Lợn bản địa, gà ta thả đồi, cá hồ Ba Bể, tôm chua, rượu ngô Ba Bể và rau rừng các loại…

Đến với Khu Du lịch sinh thái Ba Be ecolodge, du khách được lựa chọn và khám phá nhiều loại hình dịch vụ độc đáo và hấp dẫn như: Tắm bè trên hồ, chèo thuyền Kayak, dã ngoại bằng xe đạp địa hình, tham gia tour du lịch từ Hà Nội qua Ba Bể và đến Thác Bản Giốc (Cao Bằng)… Du khách còn được tham gia các chương trình đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ dân tộc, thưởng thức nghệ thuật đàn tính, các làn điệu hát then, sli, lượn và giao lưu cùng các chàng trai, cô gái người dân tộc Tày… đầy những trải nghiệm lý thú và bổ ích.

Theo tôi, việc phối hợp giữa các khu du lịch và đơn vị làm du lịch, cùng xây dựng những sản phẩm du lịch sẽ là hướng đi rất thiết thực. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp phát triển du lịch bền vững là vấn đề vốn đầu tư xây dựng. Hiện nay, việc tiếp cận vốn đối với các ngân hàng thương mại còn gặp không ít khó khăn do thời hạn cho vay ngắn, trong khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch đòi hỏi phải có lộ trình dài hơi. Tôi và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch rất mong muốn được hưởng những chính sách ưu đãi về nguồn vốn cho đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút lượng khách du lịch đến với Bắc Kạn nhiều hơn nữa.

– Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr  Linh (Hoàn Kiếm – Hà Nội):

Doanh nghiệp được thành lập năm 2012, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành quốc tế. Trong những năm qua, Công ty đã tổ chức cho nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham quan du lịch, thám hiểm các vùng rừng núi, hang động trên hầu khắp miền Bắc Việt Nam. Tại bản Cốc Tộc – xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn), doanh nghiệp đã đầu tư nhà sàn mang đúng bản sắc dân tộc địa phương, kinh doanh Homestay đủ điều kiện đón khách quốc tế; tại đây, chúng tôi phục vụ ăn uống, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, du lịch mạo hiểm.

Theo quan điểm của tôi, tỉnh Bắc Kạn nói chung có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên có rất ít đơn vị, cá nhân chú trọng vấn đề này. Điển hình như ở huyện Ba Bể, nhìn đâu cũng có thể đầu tư phát triển du lịch, vậy nhưng số doanh nghiệp hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến thông tin về du lịch của huyện còn rất hạn chế. Do vậy bằng các kênh tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng…, chúng ta cần kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp mạnh, đầu tư để đẩy mạnh hơn nữa du lịch tại địa phương. Từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân phải có được sự thống nhất cao hơn nữa./.

Nhóm PV tổng hợp