Thương hiệu nổi tiếng

Du lịch – tạo sự khác biệt trong môi trường chung

2:11 sáng | 29/06/2018

Năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Vĩnh Long ước đạt 1.252.000 lượt người, tăng 7,93%, trong đó khách quốc tế đạt 73.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016.

Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú

Vĩnh Long là tỉnh có vị trị địa lý khá đặc biệt, ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, phân bố tương đối đồng đều, tạo điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Long trở thành đầu mối giao thông quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch… của các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam bộ.

So với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long là một trong những tỉnh có tài nguyên du lịch được thiên nhiên ưu đãi, phong phú, đa dạng nhất như: đất đai màu mỡ, sông ngòi kênh rạch chằng chịt, góp phần tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm. Nổi bật nhất là các địa điểm du lịch có tiềm năng khai thác ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu. Trên tuyến sông Tiền gồm 04 xã Hòa Ninh, Bình Hòa Phước, An Bình và Đồng Phú thuộc cù lao An Bình (huyện Long Hồ); và 02 xã Thanh Bình, Quới Thiện thuộc cù lao Dài (huyện Vũng Liêm) có một số điểm du lịch mới hình thành… Với tuyến sông Hậu, các điểm đến được phân bố ở xã Lục Sỹ Thanh thuộc cù lao Mây, huyện Trà Ôn, chủ yếu là các điểm du lịch của các hộ gia đình nhà vườn…

Hiện nay, Vĩnh Long có khoảng 40 điểm tham quan du lịch, với hơn 26 điểm du lịch Homestay (du lịch trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng và văn hóa bản địa), khách du lịch có thể hòa mình vào thiên nhiên trong lành và khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán người dân địa phương.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng là vùng đất được mệnh danh địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú. Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh, thành phố còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng, đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong đó, có 40 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia… Đặc biệt, người dân thân thiện giàu lòng mến khách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh như: di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Khu Tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, di tích lịch sử Văn Thánh Miếu, chùa Tiên Châu…

Ngoài ra, Vĩnh Long còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân Nam bộ gắn với các làng nghề truyền thống như: Làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, nghề đan lát, làng nghề đan thảm lục bình, làng gốm đỏ ven sông Cổ Chiên, làng mai Phước Định, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây… và các lễ hội dân gian cũng như Đờn ca tài tử Nam bộ…

SANYO DIGITAL CAMERA

Xây dựng định hướng phát triển du lịch lâu dài

Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng, hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh về lâu dài, góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại, quảng bá đất nước, con người, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Trần Minh Triết – Chánh văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Long cho biết: “Theo định hướng những năm tiếp, Vĩnh Long sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch homestay, gắn với tìm hiểu danh nhân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng”.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch tỉnh sẽ tập trung quy hoạch hệ thống khu, điểm du lịch địa phương tại thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn, Dự án liên kết hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch Cái Ngang huyện Tam Bình, Bảo tàng nông nghiệp lúa nước Đồng bằng sông Cửu Long… trở thành các điểm đến tiêu biểu, tạo điểm nhấn riêng cho du lịch của tỉnh nhà. Tăng cường các hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch với các tỉnh Bến Tre – Trà Vinh – Tiền Giang – Long An trong cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL trên mọi phương diện, xây dựng bộ nhận dạng du lịch chung cho cụm thông qua các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu đặc sản từng tỉnh.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, năm 2018, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh rà soát danh mục quy hoạch và mời gọi đầu tư, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, khai thác các tiềm năng du lịch. Trong đó, Vĩnh Long tiếp tục đưa vào danh mục mời gọi đầu tư giai đoạn 2017-2020 đối với các dự án đã được UBND tỉnh công bố. Tăng cường đầu tư xây dựng bến tàu du lịch và hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm tham quan du lịch; tiếp tục củng cố, phát triển nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, chợ đêm; tổ chức các sự kiện, lễ hội truyền thống nhằm thu hút khách du lịch.

Bên cạnh việc mời gọi đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai thực hiện nghiêm việc xây dựng môi trường du lịch văn minh lịch sự, đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh môi trường. Các ngành chức năng phối hợp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi chèo kéo, đeo bám, cướp giật tài sản của khách du lịch; giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động đường dây nóng hỗ trợ du khách và doanh nghiệp.

Năm 2018, ngành du lịch Vĩnh Long đặt mục tiêu đón trên 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 205.000 lượt và trên 1 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu dự kiến 320 tỷ đồng. Đây sẽ là nhiệm vụ hàng đầu trong việc tìm hướng đi mới cho ngành, thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long ngày một nhiều và tăng bền vững qua từng năm../.

Anh Thi