Hải Phòng

Hải Phòng: Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng

11:16 sáng | 11/05/2019

Nằm trong chuỗi 64 sự kiện tiêu biểu chào mừng ngày Hải Phòng giải phóng ( 13/5/1955 – 13/5/2019 ).  Ngày 9/5 UBND thành phố Hải Phòng tổ chức khánh thành và khởi công hàng loạt các côn trình trọng điểm.

 

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa, nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng với huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.  Đây là cây cầu   nằm trong hệ thống kết nối giao thông trên  tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 254,1m, mặt cắt ngang cầu 12,0m. Tải trọng thiết kế HL93, tần suất thiết kế p=1%, kích thước khoang thông thuyền BxH = 30mx6m. Đường vuốt dốc hai đầu cầu theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, bề rộng nền 12m, trong đó, bề rộng mặt đường 11m, bề rộng lề đường mỗi bên 0,5m. Hệ thống chiếu sáng; công trình phòng hộ và an toàn giao thông cũng được xây dựng tổng thể kết nối hoàn thiện cùng với cầu. Tổng mức đầu tư của dự án: 185,034 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình. Trong đó: ngân sách thành phố Hải Phòng là 182.004 triệu đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là 3.030 triệu đồng.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019,khi đưa  vào khai thác sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển giữa Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình hơn 30km so với trước đây, góp phần giảm áp lực giao thông qua Quốc lộ 10, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng,mang  lại hiệu quả lớn về kinh tế – xã hội khu vực, thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết vùng.

Khánh thành nút giao Nguyễn Văn Linh và khởi công tuyến đường trục từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con thuộc Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con.

Đây là dự án được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt vào cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án là 1.405 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 706 tỷ đồng, xây lắp là 541 tỷ đồng). Riêng Công trình cầu vượt Nút giao Nguyễn Văn Linh và đoạn tuyến kết nối với đường chợ Hàng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh có chi phí xây dựng là 360 tỷ đồng với mục tiêu: Xây dựng tuyến đường trục giao thông hướng tâm, kết nối khu vực trung tâm thành phố với Quốc lộ 5, đường Phạm Văn Đồng và khu vực phía nam thành phố, thông thương với các địa phương bạn theo các trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường bộ ven biển, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông; Dự án khi thực hiện và đưa vào khai thác sẽ giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Lạch Tray – Cầu Rào 1, phát huy hiệu quả khai thác Cầu Rào 2 và hình thành các khu đô thị mới như: Khu đô thị vên sông Lạch Tray, Khu đô thị và Bệnh viện Vinmec, Trường học Vinschool của Vingroup, Trung tâm thương mại AEON MALL; Từng bước giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông đô thị cho người dân và phương tiện lưu thông qua nút giao Nguyễn Văn Linh – Cầu Rào 2, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, phục vụ tập kết, thông quan hàng hóa tại các Cảng biển khu vực Hải Phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thành phố và cả nước.

 Khánh thành Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng tại đường An Kim Hải, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Dự án có quy mô 220 giường bệnh, bao gồm các khối công trình: Khu vực khám bệnh, kỹ thuật nghiệp vụ, hành chính (5 tầng, diện tích sàn 6.150m2); nhà điều trị nội trú 220 giường bệnh (5 tầng, diện tích sàn 5.985m2); khoa dinh dưỡng, dịch vụ tổng hợp (3 tầng, diện tích sàn 2.250m2); khoa dược và bào chế thuốc, khoa vật tư thiết bị y tế (2 tầng, diện tích sàn 1.500m2); khoa chống nhiễm khuẩn; Các hạng mục phụ trợ gồm: nhà nồi hơi (1 tầng, diện tích sàn 445m2) ; hành lang cầu, trạm biến áp, khu kỹ thuật, vườn cây thuốc nam, bãi đỗ xe (diện tích 3.476m2).  Với tổng mức đầu tư: 188 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng và đưa vào hoạt động sẽ nhằm củng cố và phát triển mạng lưới y dược trên địa bàn thành phố, góp phần hiện đại hóa và đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và các địa phương lân cận. Đây cũng là một trong những điều kiện để góp phần xây dựng y tế Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc Bộ.

Bài và ảnh : Bảo Hân