Tây Ninh

Hiệu quả từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao

2:33 sáng | 14/09/2019

Bốn đề án phát triển nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp của Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 sẽ tập trung vào bốn nhóm cây trồng và vật nuôi chủ lực gồm lúa, rau, heo, bò, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) trên quy mô lớn sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Hình thành vùng phát triển NNUDCNC

Sau những nỗ lực tái cơ cấu, nông nghiệp Tây Ninh đã chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng ngành trồng trọt và chăn nuôi.

Về trồng trọt, nhiều mô hình nhà màng, nhà kính sản xuất rau quả sạch đã được hình thành và sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên diện tích gần 35.000 ha.

Tây Ninh cũng đã mở rộng và phát triển diện tích thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên cây lúa, rau, cây ăn quả (2.753 ha). Việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã giúp sản phẩm nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao gấp 2-5 lần so với sản phẩm truyền thống.

Về chăn nuôi, nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ tự động hoá, hệ thống hầm biogas, hệ thống làm mát chuồng trại, hệ thống máng ăn tự động…vào quy trình chăn nuôi khép kín. Hiện Tây Ninh đã hình thành 39 trang trại nuôi heo tập trung, khép kín.

Theo Sở NN-PTNN Tây Ninh, đến nay tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Tiêu biểu là dự án nhà máy chế biến rau, củ quả Tanifood, trang trại bò sữa thuộc công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam. Hiện ngành nông nghiệp Tây Ninh đang đề xuất UBND tỉnh hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng tiêu chí đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất tại các khu đất công để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị

Dù đạt được kết quả bước đầu khả quan, nhưng việc phát triển NNUDCNC tại Tây Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cả cơ chế, nguồn vốn, biến động thị trường, liên kết sản xuất, chất lượng sản phẩm, thị trường xuất khẩu…

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã đề ra một số giải pháp để thúc đẩy phát triển NNUDCNC.

Một là, đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn và theo chuỗi giá trị, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh hướng đến xuất khẩu; phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung trên quy mô công nghiệp, ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh..đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Hai là, nâng cao giá trị gia tăng các loại cây trồng truyền thống (lúa, mía, mì…) theo hướng thâm canh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Ba là, tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bốn là, xây dựng chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, dẫn dắt nông dân cùng phát triển, nâng cao hiểu biết của nông dân về NNUDCNC

Năm là, tăng cường công tác bảo quản và chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp

Trong hơn một thập kỷ qua, Tây Ninh đã triển khai 39 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, chuyển giao 22 mô hình, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều giống cây trồng, vật nuôi tiên tiến được ứng dụng giúp nâng chất lượng nông sản và từng bước đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong mọi họat động sản xuất.

Cụ thể, tỉnh đã triển khai chương trình phát triển rau an toàn ứng dụng kỹ thuật mới, giống cây trồng mới, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ sinh học…giúp nâng cao hiệu quả sản suất. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, trình diễn mô hình sản xuất trong nhà lưới…

Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc tiến hành khảo nghiệm một số giống cây trồng mới; hợp tác với Viện Nghiên cứu mía đường nuôi cây mô giống chín sớm với khả năng tái sinh tốt, chịu hạn, kháng sâu bệnh…

Tiêu biểu là mô hình hoa lan cây cảnh nông nghiệp công nghệ cao tại H. Trảng Bảng, Gò Dầu, Châu Thành, Tp. Tây Ninh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; phát triển các trang trại trồng chuối bằng giống cây mô trang bị thiết bị phục vụ khâu thu hoạch, đóng gói để xuất khẩu, sản phẩm này đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap.

Về chăn nuôi, Tây Ninh đã phát triển đàn bò sữa tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi; phát triển đàn heo theo hướng GAP thông qua nhiều tiến bộ kỹ thuật mới như gieo tinh nhân tạo, sử dụng nái lai 02 máu, heo thịt 03 máu năng suất cao.

Đặc biệt là việc sử dụng công nghệ tự động hoá trong chăn nuôi trang trại và tại các doanh nghiệp, hiện 39 doanh nghiệp nuôi heo đã hình thành mô hình nuôi tập trung, khép kín, trang trại lạnh; đầu tư đồng bộ từ khâu con giống, chuồng trại, thức ăn, thú y và xử lý chất thải thông qua các thiết bị tiên tiến.

Duy Khang