Tin nổi bật

Huyện Càng Long: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

8:15 sáng | 13/12/2018

Là huyện cửa ngõ của Trà Vinh, được xem là nơi giao lưu KT-VH-XH quan trọng của tỉnh kể cả khu vực ĐBSCL, huyện Càng Long có đầy tiềm lực để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng sáng giá nhất trong công cuộc phát triển này chính là diện mạo huyện đang ngày càng đổi mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, cùng với đó đời sống người dân tại đây ngày càng được nâng cao.

 

        Ông Lê Thành Ôi – Chủ tịch UBND huyện Càng Long

Sức bậc lớn

Từ trước năm 2007, nhìn chung đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn tại huyện Càng Long còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập đầu người chỉ đạt 7,3 triệu đồng/người/năm. Song, sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện ủy đã có sự chỉ đạo mang tính đột phá, quyết liệt, nhận được sự đồng tình cao của người dân. Cụ thể, 2 tiểu vùng sản xuất của địa phương đã có bước phát triển lớn; hiện nay Tiểu vùng 1 (cây lúa là chủ lực kết hợp trồng màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm), có năng suất lúa đạt trung bình từ 6-6,2 tấn/ha, tăng 1,2 tấn/ha so với năm 2007; lợi nhuận bình quân 01 ha đất trồng lúa đạt 54 triệu đồng/ha/năm, tăng 24 triệu đồng so năm 2007. Và tiểu vùng 2 là khu vực tập trung chuyên canh với nhiều loại cây ăn trái, cây CN ngắn ngày (như cây cam sành, quýt đường, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, cây lác…) kết hợp nuôi trồng thủy sản và gắn với phát triển làng nghề TTCN. Trong công cuộc phát triển chung này, Ban lãnh đạo huyện đã không ngừng tận dụng những đặc tính riêng biệt của vùng nhằm lựa chọn giống cây trồng phù hợp, đi liền với ứng dụng KHKT vào sản xuất.

Cùng với đó, khi các công trình cầu Cổ Chiên, QL60… đi vào hoạt động đã tạo nên làn sóng đầu tư lớn cho huyện nhà. Nhiều năm qua, huyện cũng đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, kể cả mời gọi xây dựng bằng hình thức BOT, cũng đã tranh thủ triển khai xây dựng CCN-TTCN, KCN Cổ Chiên, các điểm sản xuất CN-TTCN trên tuyến QL53, QL 60; dự án hạ tầng đường thiết yếu phục vụ vườn cây ăn trái; đường tỉnh lộ 915B; các tuyến đường lộ, hương lộ… Được biết sắp tới đây Càng Long sẽ tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) Khu hành chính tập trung của huyện và các điểm trường học để đạt chuẩn Quốc gia. Ông Lê Thành Ôi – Chủ tịch UBND huyện Càng Long nói “Huyện đã có 100% xã có đường ô tô tải trọng trên 10 tấn về đến trung tâm và các tuyến liên xã được bê tông hóa. Theo đó, huyện nhà cũng đã đề ra nhiều chính sách nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách nghèo, xóa nhà tạm ở nông thôn; hoàn chỉnh hệ thống đê bao, chủ động phòng chống thiên tai để nhân dân yên tâm sinh sống và ổn định sản xuất. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị sản xuất địa phương ước đạt hơn 6,6 nghìn tỷ đồng; tăng 9,52% so với năm 2017”

Tiếp tục

Với tôn chỉ luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; huyện đã và đang thực hiệu hiệu quả Kế hoạch số 28-KH/HU (giai đoạn 2016 – 2018), trong đó đặc biệt xem việc xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm. Phấn đấu cuối năm 2018, Càng Long sẽ có thêm 2 xã là Đại Phước và Đức Mỹ đạt chuẩn NTM, có 72 ấp văn hóa, NTM; đến năm 2020 có 9/13 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 69,23%) và 04 xã còn lại đạt trên 14 tiêu chí, ấp. Đi liền với đẩy mạnh tiêu chí hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ưu tiên các dự án phát triển nông nghiệp CNC, chế biến hàng nông sản và các dự án sử dụng nhiều lao động, nâng cao thu nhập người dân. Như ông Ôi nói, vì có thế mạnh là ngành nông nghiệp, nên Càng Long sẽ tập trung vào quảng bá thương hiệu nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn. Cũng như không ngừng thực hiện hiệu quả chương trình MTQG về y tế; nâng cao chất lượng GD-ĐT. Và sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn; đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Trong công cuộc đó, không thể không chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn ngày càng đồng bộ, gắn với phát triển công nghiệp và đô thị. Cũng chính với tiêu chí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Càng Long là địa phương nổi cộm trong việc thực hiện tốt sức mạnh toàn dân. Vì tính thiết thực của yếu tố này, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục vận động mọi nguồn lực, từ vốn địa phưng, đóng góp nhân dân và hỗ trợ từ các nguồn vốn nhằm duy tu, bảo dưỡng và xây dựng mới, hoàn thiện đường GTNT. Đến năm 2020, địa phương sẽ có tỷ trọng nông nghiệp – thủy sản chiếm 44,1%; công nghiệp – TTCN – XD chiếm 25,2%; thương mại – dịch vụ chiếm 30,7%. Thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình “mỗi làng một sản phẩm” ở xã Đức Mỹ, Đại Phước;  mô hình “cánh đồng lớn” ở Mỹ Cẩm, Huyền Hội, Tân Bình, An Trường và An Trường A. Thực hiện tốt các chính sách nhà nước khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng… cho các hộ nông dân, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông Ôi không ngần ngại chia sẻ “Mục tiêu duy nhất của Càng Long chính là tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp cuộc sống họ được ấm no, hạnh phúc; đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 4% vào cuối năm 2018. Bản thân là người lãnh đạo, tôi cũng như CBCNVC nơi đây luôn tự nhắc nhở bản thân phải luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, quan tâm nắm bắt kịp thời dư luận xã hội để đề ra những chính sách thiết thực. Sẽ luôn là tấm gương tốt trong từng công tác, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo dựng lối sống đúng đắn – để có thể tự tin vận động người dân cùng nhau xây dựng huyện Càng Long đi lên, xứng tầm với tình hình phát triển chung của nước nhà và thế giới”./.

                                                                                      Minh Kiệt