Các dự án kêu gọi đầu tư

Kiên Giang: Đột phá đi lên bằng thế mạnh sẵn có

10:01 sáng | 05/10/2017

Những năm gần đây, Kiên Giang liên tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT – XH và đây được xem như minh chứng sống động cho sự bứt phá mạnh mẽ, toàn diện và những đổi thay đầy khởi sắc trên mảnh đất quê hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế với thế và lực mới, Đảng bộ,chính quyền và nhân dân Kiên Giang quyết tâm tạo lập bảng thành tích mới trên cơ sở khai thác hiệu quả những thế mạnh kinh tế vốn có, trong đó phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế được xem là mũi đột phá của tỉnh. Cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này thông qua nội dung trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – ông  Phạm Vũ Hồng.

                                 Ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X. Xin ông cho biết những kết quả phát triển KT – XH nổi bật, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh Kiên Giang trong năm bản lề này?

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, năm 2016 kinh tế Kiên Giang tiếp tục tăng trưởng ổn định với GRDP đạt 6,57% so với năm 2015, đứng thứ 6/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,8 triệu đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.666 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2015; thu hút thêm 38 dự án đầu tư mới, tăng 26,6%, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

Đặc biệt tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2016 góp phần thu hút 5,41 triệu lượt khách đến với Kiên Giang, tăng 24% so với năm 2015; tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 3.532 tỷ đồng, tăng 41,9%. Văn hóa, xã hội, môi trường có chuyển biến tích cực, an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2017, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gồm: cơ cấu lại đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Ngoài ra tỉnh cũng sẽ quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, phát triển văn hóa; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đưa Kiên Giang trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư.

Thời  gian qua đội  ngũ DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thể hiện vai trò động lực phát triển kinh tế của mình như thế nào? Về phía chính quyền tỉnh Kiên Giang, qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan nào trong công tác hỗ trợ cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh?

Đội  ngũ DN, doanh nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Kiên Giang, là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế; tạo nên sức mạnh trong mỗi ngành hàng, mỗi lĩnh vực..

Những năm qua số lượng DN, đội  ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 7.000 DN và trên 50.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Nhìn chung các DN, doanh nhân hoạt động khá ổn định và đang trong quá trình vươn lên để hội nhập, phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn song nhờ sự năng động trong sản xuất kinh doanh, các DN, doanh nhân đã góp phần tích cực cho tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,52%. Để có được kết quả này, đội ngũ DN, doanh nhân đã nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng KT – XH của tỉnh. Bên cạnh đó, giới DN, doanh nhân còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội khi tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội….

Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, môi trường đầu tư kinh doanh của Kiêng Giang càng trở nên thông thoáng, cởi mở; cải cách hành chính triệt để tạo niềm tin nơi DN và nhà đầu tư. Công tác phối hợp thực hiện quy trình “một cửa liên thông” đăng ký kinh doanh và đầu tư được tăng cường giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 2 ngày; triển khai thủ tục thành lập DN qua mạng điện tử…Tăng cường kỷ cương, chấn chỉnh thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đến nay quy trình, hồ sơ và thủ tục  nộp thuế của DN đạt mức bình quân 117 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 100%…Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thực hiện rút ngắn.

Định kỳ hàng năm UBND tỉnh đối thoại với DN từ 2 – 4 lần; từ năm 2017 trở đi sẽ đối thoại ít nhất mỗi quý 1 lần trong phạm vi toàn tỉnh. Các Sở, ngành đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyền trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN.

Để tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn, tỉnh đẩy mạnh cải cách TTHC; thực hiện cơ chế một cửa tại 19 Sở, ban ngành cấp tỉnh; 15 huyện, thị xã, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn. Duy trì thực hiện mô hình cơ chế một cửa điện tử tại 12 huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục duy trì thực hiện cơ chế một cửa liên thông lĩnh vực đất đai giữa cấp xã với cấp huyện. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và thực thi công vụ. Thiết lập đường dây tiếp nhận thông tin, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC để người dân, DN phản ánh về chính sách, TTHC và thái độ thực thi công vụ.

Xin ông giới thiệu về những tiềm năng lợi thế nổi bật trong phát triển kinh tế biển của Kiên Giang? Để đưa Kiên Giang trở thành tỉnh khá về kinh tế biển trong cả nước, vấn đề đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng KT – XH vùng biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển được tỉnh chú trọng ra sao?

Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.000km² với bờ biển dài khoảng 200km và 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế trên mặt đại dương. Đặc biệt đảo Phú Quốc giàu tài nguyên thiên nhiên và hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch quốc tế.

Biển Kiên Giang tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia; chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng lớn, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển. Ngoài ra Kiên Giang được xác định là 1 trong 4 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng và lợi thế về biển đảo đa dạng đóng vai trò rất quan trọng  trong phát triển kinh tế biển của tỉnh. Giai đoạn 2011 – 2015, tỷ trọng GDP kinh tế biển chiếm 73,3% GDP toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,4%/năm, giải quyết việc làm hàng năm cho trên 19.800 lao động.

Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá về kinh tế biển, là trung tâm nghề cá lớn, trung tâm du lịch lớn của cả nước, chính vì vậy Chương trình phát triển kinh tế biển là một trong những khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó xác định mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển là hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kinh tế biển. Hiện nay tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình trọng điểm, hoàn thành đưa vào sử dụng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Cụ thể sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cảng Hòn Chông – Kiên Lương, xây dựng cảng biển Vịnh Đầm và cảng hành khách Dương Đông – Phú Quốc; nâng cấp, mở rộng các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Nam Du – Kiên Hải, Gành Dầu, Thổ Châu – Phú Quốc; thu hút đầu tư vào 2 KCN Thạnh Lộc và Thuận Yên, triển khai đầu tư Trung tâm Nhiệt điện Xẻo Rô – An Biên; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông quanh đảo Phú Quốc và các xã đảo Kiên Hải, Kiên Lương, Thị xã Hà Tiên; xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ven biển, hải đảo ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá đạt mục tiêu chiến lược phát triển KT – XH vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020.

Thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020 và Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, đến nay tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả quan trọng nào, nhất là về thu hút đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng? Tỉnh Kiên Giang có những đề xuất gì với Trung ương về chính sách đặc thù, toàn diện nhằm đẩy mạnh phát triển huyện đảo Phú Quốc thành Đặc khu kinh tế Phú Quốc?

Theo quy hoạch chung Phú Quốc, quy mô sử dụng đất Phú Quốc đến năm 2030 là 58.923ha; đến nay đã phê duyệt 36 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 với diện tích 10.092,36ha, đạt 78.10% trên tổng diện tích đất đưa vào lập quy hoạch.

Về đầu tư, đến nay trên địa bàn huyện Phú Quốc có 265 dự án đầu tư còn hiệu lực với diện tích 10.552 ha, trong đó có: 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 217.993 tỷ đồng; 31 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 49.563 tỷ đồng; 24 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư ước tính 45.955 tỷ đồng; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số tập đoàn lớn đã đầu tư vào Phú Quốc như Vin Group, Sun Group, CEO Group, Thai Group…Hiện có nhiều dự án quy mô lớn đaang triển khai đầu tư trong Khu kinh tế Phú Quốc như: dự án Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Villas Phú Quốc, Khu vườn bách thú hoang dã Safari…của Tập đoàn Vin Group; dự án Khu nghỉ dưỡng J.W Mariott, Ritz- Carlton Resort&Spa, The Sebel Phú Quốc, dự án Cáp treo dài nhất thế giới và Quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm…của Tập đoàn Sun Group. Hầu hết các dự án đã và đang triển khai là dự án động lực, kỳ vọng tạo điểm nhấn đặc biệt để Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước.

Ngoài ra một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trọng điểm đã được đầu tư tại Phú Quốc, trong đó Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai giai đoạn 2. Hệ thống giao thông đường bộ cơ bản được hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển với các tuyến đường trục chính Nam – Bắc đảo Phú Quốc, đường quanh đảo, các tuyến đường trung tâm, đường nhánh trong các khu dân cư, du lịch…Hoàn thành cấp điện lưới quốc gia bằng tuyến điện cáp ngầm 110Kv xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc và hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang khảo sát hướng tuyến để chuẩn bị đầu tư mạch điện thứ 2.

Thực hiện thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc và sẽ tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học làm cơ sở cập nhật, bổ sung hoàn thiện Đề án trước khi trình Chính phủ. Trong đó tỉnh cũng sẽ đề xuất các cơ chế chính sách mới thật sự nổi trội, khác biệt cho Phú Quốc nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

 

                                                                             Minh Kiệt (thực hiện