Bản tin hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam

Kiên Giang: Ưu tiên hàng đầu cho phát triển mũi nhọn công nghiệp chế biến

10:29 sáng | 05/10/2017

Hòa cùng nhịp điệu phát triển sôi động của cả nước, những năm qua ngành Công nghiệp Kiên Giang cũng đã có bước phát triển khá, đóng góp một phần không nhỏ cho phát triển kinh tế địa phương; trong đó công nghiệp chế biến giữ vai trò chủ lực.

 

Nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp

Kiên Giang là tỉnh có đặc thù riêng biệt, vừa có đồng bằng vừa có rừng núi, biển, đảo đã tạo nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú, mang đến nguồn nguyên liệu dồi dào thuận lợi cho địa phương này phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến. Hiện nay giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo của Kiên Giang đạt 37.048,82 tỷ đồng, tăng 9,45% so với năm 2011, chiếm 95,49% tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp. Các sản phẩm như: xi măng, gạch Tuynel, gạo, thủy hải sản, đồ hộp, nước mắm, bia, gỗ MDF…đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để từng bước nâng cao giá trị ngành công nghiệp chế biến, thời gian qua vấn đề vận động, hỗ trợ doanh nghiệp  đầu tư đổi mới quy trình công nghệ, hiện đại hóa hệ thống máy móc, trang thiết bị sản xuất được tỉnh Kiên Giang đặc biệt chú trọng. Thực hiện Chương trình hành động số 36-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 16/KH – UBND ngày 5/3/2014, trong đó có thực hiện 1 chương trình khoa học&công nghệ trọng điểm của tỉnh về nâng cao ứng dụng  khoa học&công nghệ vào sản xuất trong các ngành công nghiệp đến năm 2020. Ngoài ra tỉnh còn tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng  tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; thực hiện phóng sự về hiệu quả thực hiện các dự án khoa học&công nghệ tại Kiên Giang; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất…

                                 Nha may gỗ MDF VRG KG (KCN Thanh Lộc)

Hiện nay, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học&công nghệ  từ các quy định hiện hành của Trung ương, tỉnh Kiên Giang còn ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, nâng cấp máy móc trang thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông sản sạch như: Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 hỗ trợ lãi suất vay đầu tư, trong đó hỗ trợ 50% tiền trả lãi suất năm đầu, 40% năm thứ 2, 30% năm thứ 3; Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 3/6/2015 hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới với số tiền 500 triệu đồng/mô hình, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất với số tiền 200 triệu đồng/cơ sở…Thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu tư thay đổi quy trình sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc và đa dạng hóa sản phẩm, góp phần hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Sức hút đầu tư lớn

Thực hiện chủ trương của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành, các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại&Du lịch tỉnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với định hướng phát triển KT – XH của tỉnh; triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư trong cũng như ngoài nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và kêu gọi đầu tư tại Kiên Giang…Thường kỳ UBND tỉnh tổ chức họp mặt doanh nghiệp nhằm nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đồng thời khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh nhà.

Công tác CCHC tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; trong đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH – UBND ngày 3/6/2016 về CCHC nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; gắn CCHC với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và giải quyết các TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001; thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết các TTHC tại các Sở, ngành cấp tỉnh và địa phương…

                                      nhà máy xi măng Hà Tiên.

Với những nỗ lực trên, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng được cải thiện, thông thoáng và minh bạch; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Thời gian gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp chế biến  quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất bia của Công ty CP Bia Sài Gòn – Kiên Giang công suất 50 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang của Công ty CP TBS Kiên Giang công suất 6,42 triệu đôi/năm; Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công suất 75.000m³/năm; Nhà máy may Vinatex của Tập  đoàn Dệt May Việt Nam công suất 3 triệu sản phẩm/năm…Ngoài ra còn có một số dự án đã đăng ký xin đầu tư như: Nhà máy sản xuất thuốc lá của Công ty TNHH Liên doanh VINATABA – B.A.T; Nhà máy chế biến khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Nhà máy chế biến nước giải khát cao cấp của Công ty CP Đầu tư Yến sào Long Việt…”Nếu các dự án này được triển khai đi vào hoạt động đúng tiến độ đề ra sẽ tạo cú hích mạnh mẽ trong phát triển ngành công nghiệp – TTCN nói chung, công nghiệp chế biến của tỉnh nói riêng trong giai đoạn 2016 – 2020” – Ông Ngô Công Tước – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết.

Cũng theo ông Tước, sự phát triển của ngành Công nghiệp Kiên Giang nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển KT – XH, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà vừa giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Vì vậy Kiên Giang đã xác định chiến lược lấy công nghiệp chế biến làm ngành công nghiệp ưu tiên – công nghiệp mũi nhọn cùng với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

Theo đó để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu tại địa phương, bên cạnh cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 2/6/2017 về thu hút, xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Chương trình 272/Ctr-UBND ngày 13/7/2017 về phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Ngoài ra tỉnh cũng tập trung triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020 theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 11/3/2014; ưu đãi đầu tư vào KCN Thạnh Lộc theo Quyết định số 2976/QĐ-UBND ngày 18/12/2013; hỗ  trợ xúc tiến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 2984/QĐ-UBND ngày 4/12/2015 và một số chính sách hỗ trợ theo Chương trình khuyến công của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

                                                                                                          Lê Tiến