Kiên Giang

Kinh tế biển và kinh tế Nông nghiệp: Thế mạnh thu hút đầu tư tại Kiên Giang

2:25 sáng | 19/01/2020

Ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Sở KH-ĐT Kiên Giang chia sẽ kết quả kêu gọi đầu tư năm 2019 cùng các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch của Kiên Giang. Minh Kiệt thực hiện.

Xin ông cho biết thế mạnh đặc thù của Kiên Giang so với các tỉnh thành khác trong khu vực ĐBSCL trong công tác thu hút đầu tư?

Kiên Giang là một trong số ít tỉnh tại ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, địa hình đa dạng, bờ biển dài, nhiều sông, núi và hải đảo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng tài nguyên phong phú. Đây là các lợi thế để phá triển kinh tế nông-lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông-thuỷ sản và du lịch.

Hiện nay, nhiều dự án cánh đồng lớn, vùng nuôi tôm công nghiệp đã và đang tạo ra các sản phẩm công nghiệp chế biến tại Kiên Giang. Phú Quốc nổi lên là một trung tâm du lịch của cả nước, nhiều dự án du lịch đang hình thành…

Là một trong 04 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, chúng tôi xác định kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp là 02 thế mạnh để thu hút đầu tư.

Theo đó, Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào các dự án nuôi trồng thuỷ sản, dự án phát triển du lịch tại các đảo, quần đảo (Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng) và các dự án phát triển đô thị ven biển (Rạch Giá, Hà Tiên, kiên Lương…)

Ngoài ra, Kiên Giang cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư có thế mạnh về khoa học, kỹ thuật và quản lý tham gia vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm khai thác tốt quỷ đất nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Yếu tố xã hội cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án môi trường (xử lý nước thải) tại Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc…

Kết quả thu hút đầu tư của Kiên Giang trong năm 2019 có những gam màu tươi sáng nào, thưa ông?

Năm 2019, chúng tôi thu hút 36 dự án mới (tăng 30% so với 2018) với tổng vốn đăng ký 22.413,68 tỷ Đồng (tăng 70% so với năm 2018) , trong đó có 16 dự án tại Phú Quốc.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký 43.000 tỷ đồng, ký thoả thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với 25 nhà đầu tư với tổng vốn trên 150.000 tỷ đồng. Trong các dự án này, tiêu biểu là dự án trung tâm nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu của Tập đoàn Mavin (Úc) với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm nay, Kiên Giang đã thu hút được 729 dự án với tổng vốn đăng ký 475.171,47 tỷ đồng, 362 dự án đang hoạt động với tổng vốn 59.397,09 tỷ đồng, 100 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn 175.651,06 tỷ đồng.

Về thu hút dự án FDI, hiện Kiên Giang có 53 dự án FDI từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 2.758.359.505 USD, vốn thực hiện đạt 1.343.944.933 USD (49% tổng vốn đăng ký).

Xin ông cho biết các lĩnh vực ưu tiên tập trung kêu gọi đầu tư của Kiên Giang trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng vào các ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến…Bên cạnh đó, Kiên Giang sẽ tích hợp các chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu, khuyến khích các dự án thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tỉnh sẽ tuyệt đối đảm bảo chất lượng môi trường, không phá trở môi trường và cảnh quan tự nhiên trong thu hút đầu tư.

Đối với 02 lĩnh vực là kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp, chúng tôi chú ý kêu gọi các dự án nuôi trồng thuỷ sản và các dự án phát triển du lịch tại các đảo và quần đảo. Các dự án này nhẳm hình thành và phát triển đô thị văn minh-hiện đại-hài hoà với thiên nhiên.

Về nông nghiệp, tỉnh ưu tiến các dự án nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Các dự án môi trường như xử lý nước thải cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững tại Kiên Giang.

Yếu tố nào giúp Kiên Giang duy trì môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch so với các địa phương khác?

Nỗ lực chung của tỉnh trong thời gian qua trong việc hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ chế, cải cách hành chính, xây dựng chính sách ưu đãi, đầu tư hạ tầng giao thông…là một trong những yếu tố giúp chúng tôi cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tiếp tục nỗ lực chung này, trong thời gian tới, Kiên Giang đã đề ra các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện bốn giải pháp chính:

Một là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng

Hai là, tạo lập môi trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng; tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác thu hút đầu tư.

Ba là, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đào tạo lao động cho doanh nghiệp; tăng cường tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư, tổ chức họp mặt doanh nghiệp để gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc,… tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi…

Bốn là, tăng cường thiết lập mối liên kết hợp tác, mở rộng quan hệ để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển; liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm, khu vực ĐBSCL và Tp. Hồ Chí Minh; hợp tác với các nước tiểu vùng Mê Kông để mở rộng và đẩy mạnh hợp tác thương mại qua biên giới, hợp tác trong lĩnh vực du lịch…

Quân Phương