Long An

Long An: Hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

2:51 sáng | 03/11/2019

Long An cam kết đảm bảo thủ tục nhanh gọn hơn – kinh doanh an toàn hơn – góp phần thúc đẩy đầu tư hiệu quả và phát triển bền vững, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền để tập trung giải quyết”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN, Kim Băng thực hiện.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của Long An trong những năm gần đây?

Với vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, Long An vừa có điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Những nỗ lực bức phá của chúng tôi đã đưa Long An vào nhóm các tỉnh, thành phát triển nhanh của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Long An đạt 9,65%/năm, riêng năm 2018 đạt 10,36% – cao nhất trong những năm gần đây. Trong cơ cấu GRDP, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 47,5%, thương mại dịch vụ chiếm 35,2% và nông-lâm-thuỷ sản chiếm 17,3%; GDP bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng (2.931 USD), cao hơn bình quân cả nước (2.587 USD).

Về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp được chia thành bốn vùng chính. Vùng Đồng Tháp Mười chủ yếu tập trung trồng lúa chất lượng cao (2,8 triệu tấn/năm); vùng II tập trung vào cây công nghiệp và cây ăn quả (chanh, sản lượng hơn 131.429 tấn); vùng III phát triển nông nghiệp ven đô, trồng thanh long, lúa nếp, lúa đặc sản (10.595 ha thanh long, sản lượng 253.629 tấn); vùng IV – giáp ranh Tp.HCM – nuôi thuỷ sản nước lợ và trồng rau an toàn (12.53 ha, 209.843,7 tấn).

Về công nghiệp-xây dựng, tăng trưởng bình quân 15,3%/năm, với công nghiệp chế biến-cơ khí-điện-điện tử và công nghiệp dệt may phát triển mạnh. Chúng tôi đã tập trung phát triển hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Hiện 16 KCN trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lấp đầy khoảng 85,04% và 86,55% tại 22 cụm công nghiệp. Hiện Long An đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI. Hiện tỉnh đã thu hút trên 1000 dự án FDI với vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD. Hiện công tác thu hút FDI chủ yếu tập trung vào hiệu quả và chất lượng đầu tư nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thúc đẩy mô hình tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Về văn hoá-xã hội, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao…đạt kết quả tích cực, chúng tôi luôn đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ…góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cũng như tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Long An có những giải pháp nào để hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tập trung vào 8 giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Thứ nhất, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng và vật nuôi chủ lực gồm lúa, thanh long, rau và thịt bò;  triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trong điểm nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp, đô thị.

Thứ tư, kêu gọi đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.

Thứ sáu, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chú trọng đến công tác giảm nghèo; phát triển y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Thứ bảy, tăng cường cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh ở nhóm tốt trở lên, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công.

Thứ tám, phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh.

Xin ông cho biết các biện pháp tỉnh cần thực hiện để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đưa Long An thành điểm sáng về thu hút đầu tư?

Năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục tăng 01 bậc và tăng 1,39 điểm so với năm 2017; đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 68,09 điểm. Điều này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng và ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực, sáng kiến đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quyền tỉnh Long An.

Trong những năm qua, Long An luôn thực hiện xuyên suốt, nhất quán và đồng bộ các giải pháp như sau:

Một là, nêu cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu, giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác và đúng quy định, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hai là, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải hiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Ba là, vận hành hiệu quả trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và huyện, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian đi lại cho người dân, thực hiện nghiêm việc xin lỗi khi xảy ra tình trạng chậm, muộn do lỗi của đơn vị giải quyết thủ tục hành chính.

Bốn là, duy trì các buổi đối thoại doanh nghiệp định kỳ, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp các nước để nắm bắt và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Long An quyết tâm cải thiện những mặt chưa tốt đồng thời phát huy những mặt đã làm tốt. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính:

Trước hết, chúng tôi tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, công khai đầy đủ thông tin trên trang thông tin điện tử.

Kế đến, công khai, cập nhật và hướng dẫn các quy hoạch về xây dựng, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… trên trang thông tin điện tử.

Cuối cùng, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh thanh toán điện tử, áp dụng nhiều hình thức thanh toán phí và lệ phí, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.