Long An

Ngành Nông nghiệp Long An: Đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng

2:23 sáng | 03/11/2019

Nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai chương trình đột phá nhằm đưa ngành nông nghiệp Long An phát triển toàn diện.

Ứng dụng công nghệ cao bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Hình thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Long An xác định thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, chất lượng với giá trị gia tăng cao.

Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp Long An đặt mục tiêu đến năm 2020 hình thành 04 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: lúa (20.000 ha), thanh long (2.000ha), rau màu (2.000ha) và chăn nuôi bò thịt (5.000 con).

Đến năm 2020, Long An có 16 hợp tác xã (HTX) hoàn chỉnh đội ngũ cán bộ, quản lý đạt yêu cầu với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và sản lượng được chứng nhận sản xuất theo GAP, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Về công tác cây giống, tỉnh tập trung tăng tỷ lệ giống tiến bộ với năng suất cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường cơ giới hoá và quy trình sản xuất tiên tiến; kết nối các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp; sản xuất sản phẩm an toàn; tiến tới bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, Long An đã hỗ trợ 03 doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ công ty sản xuất chăn nuôi Vạn Hưng Thịnh và RRFRAN GREEEN FARM lập hồ sơ công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một mô hình khác cũng được tỉnh triển khai là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng, tại xã Tân Chánh, H. Cần Đước.

Về xây dựng và phát triển HTX và tổ hợp tác (THT), đến nay tỉnh đã thành lập được 43 HTX, 151 THT; xây dựng 16 HTX điểm, chọn 04/16 HTX điển hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục công tác xây dựng nông thôn mới

Đến năm 2020, Long An đặt mục tiêu có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân toàn tỉnh đạt 16,5-17 tiêu chí/xã, 01 huyện đạt chuẩn NTM, 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, ít nhất một xã NTN nâng cao.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho cả hệ thống chính trị và người dân nắm vững và tham gia; lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh, doanh nghiệp để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, nước sạch và các công trình phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, triển khai chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”.

Bên cạnh đó, Long An sẽ tiến hành nhân rộng các mô hình, cách làm có hiệu quả trong xây dựng NTM, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ cộng đồng thu gom, xử lý rác thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, cỏ và lục bình.

Đến nay, toàn tỉnh có 77 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46,3% tổng số xã toàn tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân/xã trên toàn tỉnh đạt là 15,2 tiêu chí/xã. Sở NN và PTNT Long An đã tham mưu tỉnh trình Bộ NN và PTNT thẩm định công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM; đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ NN và PTNT thẩm định thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giải pháp đột phá

Trước những khó khăn hiện tại cùng những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, ngành nông nghiệp Long An cũng đã đề ra một số giải pháp đột phá.

Một là, tái cơ cấu trước hết cần định vị lại mặt hàng thế mạnh gắn với quy hoạch lại vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Hai là, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp, gắn từ gieo trồng đến chế biến và xuất khẩu.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến.

Bốn là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.

Năm là,  tái cơ cấu xuất phát từ người nông dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, phát triển bền vững.

Sáu là, Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế và các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động, sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Tăng cường mời gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT Long An, ngoài các giải pháp đột phá này, để thực thi một cách hiệu quả vẫn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm quyết liệt của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và cả nỗ lực của người nông dân.

Minh Tuấn