Tin nổi bật

Nghành Y tế Vĩnh Long: Xây dựng niềm tin nơi người bệnh và cộng đồng

3:37 sáng | 09/04/2020

Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Văn Công Minh chia sẽ các điểm sáng của ngành Y tế Vĩnh Long trong việc thực hiện Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Thủ tướng thăm hỏi và tặng quà các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long

Đâu là những điểm sáng của ngành y tế Vĩnh Long trong việc thực hiện thông tư 37/2016/TT-BYT, thưa ông?

Thực hiện thông tư trên, Sở Y tế Vĩnh Long đã tiến hành sáp nhập BVĐK huyện với TTYT của 8 huyện thành TTYT mới. Việc này giúp giảm 8 tổ chức đầu mối tuyến huyện, giảm 8 giám đốc và 4 phó giám đốc.

Đầu tiên có thể khẳng định thông tư này đã giúp thống nhất công tác dự phòng và điều trị. Việc sáp nhập thành một đầu mối đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo và điều hành. Theo đó, lãnh đạo TTYT chủ động và linh hoạt hơn trong việc điều động cán bộ y tế khi cần.

Hiện nay khi khiển khai bất cứ chương trình y tế nào, lãnh đạo TTYT chỉ cần hợp triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận.

Ngoài ra, thông tư đã giúp chúng tôi chủ động bố trí nhân lực và thiết bị y tế. Cụ thể là sau khi sáp nhập, nguồn nhân lực dư dôi tại các khoa, phòng của đơn vị trước khi sáp nhập được bố trí làm việc tại các khoa, phòng tương ứng của TTYT mới thành lập, hạn chế bổ sung biên chế nhưng vẫn quản lý tốt.

Bên cạnh đó, sự luân phiên của bác sĩ tuyến xã với TTYT huyện và ngược lại cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cũng như chất lượng hoạt động của trạm y tế xã.

Xin ông điểm lại một số kết quả đạt được của ngành Y tế Vĩnh Long sau 10 năm thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế?

Nhờ có đề án 1816, BVĐK tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, cập nhật và nâng cao khả năng chẩn đoán cũng như điều trị. Năm 2012, BVĐK tỉnh Vĩnh Long cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt bổ sung danh mục 32 kỹ thuật trong khám chữa bệnh thuộc tuyến Trung ương.

Kể từ năm 2014, không còn cán bộ luân phiên từ BVTW Tp.HCM về BVĐK tỉnh Vĩnh Long bởi BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã cử cán bộ chuyên môn đi tập huấn tại 04 BV vệ tinh tại TP.HCM (Thống Nhất, Chợ Rẫy, Từ Dũ và Nhi Đồng 1) thuộc đề án BV vệ tinh lần lượt theo 04 chuyên khoa: nội tim mạch-lão hoá, ngoại, sản và nhi cho BVĐK tỉnh.

Năm 2019, BVĐK tỉnh đã cử 17 y, bác sĩ tổ chức chuyển giao gói kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn cho 05/06 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2017-2019, 109/109 trạm y tế xã đều có bác sĩ tham gia khám chữa bệnh.

Công tác xã hội hoá nhằm đẩy mạnh các nguồn lực xã hội cho phát triển y tế được Vĩnh Long triển khai như thế nào, đâu là hạn chế trong chủ trương này, thưa ông?

Công tác xã hội hoá hiện có những bước phát triển bền vững và đúng hướng. Chủ trương xã hội hoá đã giúp các CSYT hiện đại hóa trang thiết bị, phát triển kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, tái đầu tư trang thiết bị mới và tăng thêm nguồn nhân lực cho nhân viên.

Ngoài ra, các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cũng khuyến khích các CSYT huy động nguồn vốn ngoài ngân sách; tiến tới liên doanh, liên kết và hợp tác phát triển hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại Vĩnh Long.

Tuy nhiên, tốc độ xã hội hoá hiện vẫn còn chậm so với tiềm năng, công tác thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập, còn tư tưởng bao cấp.

Không thể phủ nhận đóng góp của các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác xã hội hoá y tế đã cho thấy hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng khám chữa bệnh. Chúng tôi sẽ tiế tục duy trì và triển khai mạnh mẽ công tác xã hội hoá y tế trong thời gian tới.

Theo ông, ngành y tế Vĩnh Long cần sự hỗ trợ cũng như bước đột phá nào nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới?

Trong quy hoạch, chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực – vấn đề ưu tiên cần được thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế Vĩnh Long cần có sự hỗ trợ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND cùng các ban, ngành…liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo bậc đại học, sau đại học, đào tạo chuyên ngành, chuyên khoa sâu cũng như điều chỉnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Định hướng đến năm 2020, Sở Y tế sẽ tích cực tham mưu, trình UBND tỉnh một số nội dung mang tính đột phá, tạo tiền đề cho phát triển tổng thể ngành y tế giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030.

Hiện ngành y tế Vĩnh Long đã và đang phối hợp với trường ĐHYD Cần Thơ  tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ y tế; đạo tạo sau đại học với các lớp chuyên khoa cấp 1, cấp 2 và quản lý  y tế. Trong năm 2018-2019, chúng tôi đã cử 75 cán bộ y tế đào tạo sau đại học. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo nghị quyết số 132/2018/NQ-HĐND vào năm 2020 và 2021.

Minh Kiệt thực hiện.