CLB văn hóa doanh nhân

Người nặng lòng với đất

1:07 sáng | 19/10/2017

Trên đời này có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu phận, chẳng ai giống ai. Mỗi người là một giọt nước trong đại dương, một bông hoa trên trần thế. Mới nhìn cứ tưởng giống nhau nhưng thực ra chúng khác nhau lắm. Người ta đã bỏ công khảo sát hàng tỷ giọt nước mưa trong một trận mưa thì hóa ra chẳng giọt nào giống giọt nào. Người ta cũng đã thống kê hàng tỷ loài hoa trên trái đất, mỗi loài thậm chí đến mỗi bông đều sở hữu một dáng vẻ, một sắc mầu, một hương vị riêng. Câu nói của ông cha ta: “ Người ta là hoa của đất” đã đủ khái quát cái sự biệt lệ, độc đáo của mỗi phận người.

Phải diễn giải dài dòng như thế bởi trong nghề tôi đã gặp không biết bao nhiêu người, từ bình thường tới nổi tiếng, từ xuôn thuận tới đa đoan. Và trong số muôn vàn ấy có những người tôi không bao giờ quên được. Một trong số đó là Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần gốm xây dựng Viglacera Hạ Long, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Gốm Đất Việt và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Gạch Ngói Đất Việt. Năm 2012, Nguyễn Quang Mâu rời “con tầu” Viglacera Hạ Long sau 42 năm gắn bó với chức phận từ một thủy thủ tới người chèo lái nó giữa lúc con tầu no gió lướt băng băng trên biển lớn. Với bao người đó là một cái kết thật có hậu, một niềm vui, tự hào rằng mình bàn giao cho thế hệ sau một gia tài đáng giá: Một thương hiệu đất sét nung Việt Nam lừng danh trong nước và quốc tế; Một con đường làm ăn rộng mở với nguồn tài chính dồi dào; Một đội ngũ cán bộ, công nhân giỏi tay nghề và một phong cách lao động tiên tiến, đời sống văn hóa, tinh thần phát triển. Hẳn là không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khắc được dấu ấn sâu đậm như thế khi nghỉ hưu như Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu để lại cho Viglacera Hạ Long.Từ đây ông có thể hoàn toàn mãn nguyện để nghỉ ngơi.

Song cái phận Nguyễn Quang Mâu dường như chưa hết nợ với đất, với gốm, với cái nghề sản xuất vật liệu xây dựng mà ông bén duyên từ khi mới 17 tuổi. Cùng với những người nặng lòng với đất có chung niềm đam mê với đất sét nung, ông trở thành người trụ cột xây dựng nên công ty cổ phần Gốm Đất Việt và công ty cổ phần Gạch Ngói đất Việt. Ông hy vọng Đất Việt sẽ sánh vai với các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói khác cùng cộng sinh trên con đường làm ăn, phát triển. Một thời kỳ “ Gian nan thử sức anh hùng” lại bắt đầu.

Dấu ấn không phai mờ của một anh hùng

Tôi quen ông Nguyễn Quang Mâu từ hơn chục năm trước. Quen trong một hoàn cảnh chẳng vui vẻ gì. Đúng những ngày ông bị lãnh đạo Bộ Xây dựng và Tổng công ty Vigacera gọi lên giải trình một vụ kiện cáo ông từ chính trong nội bộ Công ty. Cái tội lớn nhất ông phải đối mặt là đã: Tổ chức đón Huân chương hết mấy trăm triệu bạc, kèm thêm những lời dị nghị có biểu hiện sa sút đạo đức trong lối sống…. Những lưỡi gió lạnh buốt quật vào ông tới tấp khi được giao làm Tổng giám đốc Công ty Viglacera Hạ Long chưa bao lâu. Tài liệu kiện cáo đều từ nội bộ tuồn ra. Cả dự toán tài chính cho Hội nghị cũng bị đem photocoppy rồi đóng dấu đỏ tuồn ra…Một vài tờ báo nhảy vào. Người lao động xôn xao, phân tâm; dư luận bất bình…Hình ảnh một Vigalacera Hạ Long với vị Tổng giám đốc nổi tiếng làm ăn giỏi phủ một màn sương xám xịt. Có tờ báo rút tít rợn người: “ Đón Huân chương hết 500 triệu”! Chương trình  “Tiêu điểm” của đài Truyền hình Việt Nam trưa nào cũng đưa tin “ tiêu cực” ở Viglacera Hạ Long. Thậm chí tài liệu còn được gửi tới nhiều vị đại biểu Quốc hội đang họp ở Hà Nội.

 –   Giữa lúc tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, mà một giám đốc doanh nghiệp sử dụng đồng tiền vô trách nhiệm như thế thì không thể chấp nhận được. Phải kỷ luật thật nặng…- Có vị đại biểu đã bức xúc kêu lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Xây dựng phải giải trình vụ việc. Không khí nghẹt thở xung quanh vị Tổng giám đốc này. Ác hiểm hơn chuyện tưởng chỉ trong phạm vi công việc được người ta bầy mưu khống chế và lôi cả người thân của ông vào để tấn công khủng bố vào gia đình ông. Vẽ lên trước mặt họ hình ảnh một người chồng, người cha sa đọa, bất chính. “ Hậu phương “ và  “tiền tuyến” của Nguyễn Quang Mâu bị liền hai mũi giáp công tưởng không thể đứng vững nổi.

Song đúng lúc ấy bản lĩnh vững vàng của người cầm lái và sự ngay thẳng, liêm chính trong con người ông đã cứu ông. Chẳng có ai chống lưng. Cũng chả có cây đũa thần nào giải hạn. Lãnh đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Viglacera; nhiều nhà báo có trách nhiệm đã tin vào lời giải trình của ông.

Câu chuyện mà người ta đem ra để kiện ông hóa ra ngược lại hoàn toàn với bản chất thật của nó. Một công ty sản xuất vật liệu xây dựng tầm cỡ lớn nhất nước ta với gần 4000  lao động. Sản phẩm gạch ốp lát COTO và gạch xây dựng mang thương hiệu Viglacera Hạ Long có mặt trong cả nước và rất nhiều quốc gia trên thế giới bởi một mạng lưới phân phối gồm hàng trăm đại lý bán hàng cấp 1. Theo thông lệ cuối mỗi năm đều tổ chức hai Hội nghị. Hội nghị mừng công và Hội nghị khách hàng gồm đại diện trong nước và quốc tế. Năm ấy Viglacera Hạ Long lại được vinh dự đón nhận Huân chương của Nhà nước trao tặng. Tổ chức riêng rẽ các Hội nghị trên sẽ rất tốn kém, lãng phí thời gian. Tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu quyết định gộp “ 3 trong 1”. Một Hội nghị chung giải quyết tất cả các nội dung trên. Sáng kiến ấy không chỉ giảm hội họp mà còn tiết kiệm được tới mấy trăm triệu đồng cho ngân sách. Việc làm đó lẽ ra phải biểu dương, khen ngợi thì lại bị một số người chống đối ông bẻ quặt thành khuyết điểm. Họ lờ đi các nội dung trên mà cung cấp cho một vài tờ báo với nội dung cộc lốc đầy ác ý rằng “ Đón Huân chương chi gần 500 triệu bạc”. Chao ôi miệng lưỡi thế gian!

Là người viết văn tôi không mặn mà lắm với những số liệu thống kê về thành tích sản xuất, thậm chí lãi lờ… mà quan tâm nhiều tới số phận của con người. Ở Nguyễn Quang Mâu tôi nhận ra ánh sáng lấp lánh của tài năng và cả sự đa đoan của số phận. Đằng sau cái vẻ quyết liệt, khô khan thậm chí nóng nảy là một Nguyễn Quang Mâu thật giầu có tâm hồn. Trong vầng hào quang của một doanh nhân thành đạt, sang cả, giầu có… tôi nghĩ thế, vẫn thấp thoáng hiện ra bóng dáng một lão nông từ trong máu thịt. Một người con của vùng đất nghèo Thái Bình. Mọi việc làm, suy tư của Nguyễn Quang Mâu vẫn không dời sợi dây rốn nối cuộc đời ông với quê hương, với cái gốc gác nông dân của mình.

Lần đầu tiên về với Hạ Long Viglacera, tôi thực sự thích thú chứng kiến cảnh các lãnh đạo Công ty tham gia cuộc thi bắt cá. Hầu như ở nhà máy nào của Công ty Viglacera Hạ Long cũng có ao nuôi cá. Tôi thắc mắc: “ Những người lãnh đạo có điều kiện như các anh sao không thi đánh ten nít, đánh gôn… mà lại thi bắt cá?” Ông Nguyễn Quang Mâu cười giải thích: “Chúng tôi đều xuất phát từ nông thôn, trưởng thành bởi nghề làm gạch, gắn mình với đất, với than vẫn thường nhắc nhau, không được quên gốc gác nông dân của mình. Thi bắt cá là dịp để nhắc nhở điều đó”.

Đêm hôm ấy một lần nữa tôi lại ngỡ ngàng khi nghe Nguyễn Quang Mâu tâm sự về điều ông đang ấp ủ trong lòng. Một khu trang trại lớn đang được Công ty xây dựng để cung cấp rau, thực phẩm tại chỗ cho các bếp ăn ca của công nhân. Gần 4000 con người lượng thực phẩm sử dụng hàng ngày là rất lớn. Nếu tự sản xuất được thì bữa ăn của người công nhân không chỉ đủ định lượng mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông cũng trăn trở làm sao cho các nhà máy của Công ty tràn ngập mầu xanh, một mô hình sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường… Một vị Tổng giám đốc của những nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gắn liền với than bụi, đất cát mà say mê với bảo vệ môi trường, với văn minh công nghiệp như ông Nguyễn Quang Mâu cũng là chuyện hiếm. Bất chợt ông chỉ tay lên lùm cây nơi tôi và ông đang ngồi trước sân trụ sở Công ty bảo:

–  Nhà văn biết không, cứ mỗi sáng và chiều muộn, hàng ngàn con chim chích, chim sâu lại kéo nhau về ríu rít trên những lùm cây này. Lúc ấy bao nhiêu mệt nhọc trong người dường như tan biến. Những con chim nhỏ bé ấy đem đến cho chúng tôi một cảm giác thật yêu đời, hứng khởi. Đất lành chim đậu mà.

–   Trang trại rau sạch của Công ty đã triển khai đến đâu rồi anh? – Tôi hỏi.

 –  Chắc chỉ cuối năm tới là khánh thành. Hiện tại mới cải tạo được khoảng 6 hécta, nhưng trông đã thích mắt lắm rồi. Vườn cây, ao cá, trai trại đã thành hình…Lần sau về Công ty mời anh ra thăm trang trại. À có một điều rất lý thú là ở trang trại xuất hiện một cảnh tượng thật kỳ thú. Có lẽ từ lâu lắm rồi thời còn để chỏm giờ bắt gặp lại là cảnh đám diều hâu, chim ó từ đâu kéo về rình bắt gà con. Những cuộc “không chiến” giữa diều hâu và bồ câu ở trang trại thật ngoạn mục.

Giọng ông thoảng nhẹ đầy tâm trạng:

 –  Bao giờ nghỉ hưu tôi sẽ dành chuyến đi đầu tiên trở về quê hương để chào tất cả bà con. Tôi muốn tạ ơn quê hương đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng chăm bẵm cho tôi thành người. Mười bảy tuổi tôi bước chân rời quê hương ra Quảng Ninh làm thợ. Bố tôi chỉ dặn một điều ở đâu cũng phải cần cù làm việc. Làm việc gì cũng phải tận tâm thì mới thành được. Giờ các cụ đã khuất núi cả, tôi muốn kính báo với các cụ tôi đã cần cù và tận tâm với nghề suốt những năm công tác như các cụ dậy…

Một tâm hồn không chỉ từ tâm, giàu có mà còn đầy trắc ẩn, nghĩa tình. Một người như thế không bao giờ là người xấu, dám làm chuyện xấu. Tôi tin như thế.

Có thể nói giai đoạn từ 2007 đến 2010 các sản phẩm của Viglacera Hạ Long bán rất chạy, đặc biệt là gạch ốp lát mang thương hiệu COTTO Hạ Long. Thành công trong kinh doanh là điều kiện để nâng cao thu nhập của người lao động và phát triển các điều kiện phúc lợi cho công nhân. Với tấm lòng và trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc ông Nguyễn Quang Mâu đã xây dựng Hạ Long Viglacera trở thành một điểm sáng công nghiệp với nhiều ý tưởng độc đáo. Ông cho thành lập Ban đời sống có nhiệm vụ lo bữa ăn ca cho 4000 người mỗi ngày, thành lập các siêu thị mini cung ứng hàng hóa tại chỗ với giá cả hợp lý cho người lao động. Đến chuyện lo cả việc cắt tốc, gội đầu, lo giặt là quần áo cho từng công nhân sau mỗi ca làm việc, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo trông nuôi các con công nhân đến việc chăm chút đời sống tinh thần như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thăm quan du lịch… Ông quan tâm rất sát sao đến việc tổ chức đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Ngày sinh nhật của mấy ngàn người lao động rồi chuyện buồn, chuyện vui của họ không bao giờ Công ty lãng quên. Cán bộ từ quản đốc trở lên, ông động viên và có chính sách hỗ trợ cho họ mua ô tô riêng…Đặc biệt ông đã cho xây dựng gần 800 phòng ở khép kín giải quyết hàng ngàn chỗ ở cho công nhân. Một hệ thống sân thể thao gồm 5 sân ten nít, 3 sân bóng đá trong đó có một sân phủ cỏ nhân tạo. Nhà máy nào cũng có nhà ăn ca khang trang, rộng rãi, lắp máy lạnh và một tổ hợp sàn nhảy, sân khấu biểu diễn văn nghệ…Đời sống của người lao động ở Viglacera Hạ Long thật đáng mơ ước với  nhiều người trong vùng. Dấu ấn Nguyễn Quang Mâu không chỉ in trên mọi chặng đường, mọi giai đoạn phát triển của Viglacera Hạ Long mà còn ở những biểu hiện nhỏ nhất mang ý nghĩa nhân văn cao cả vì con người.  

Trong thời gian lãnh đạo Viglacera Hạ Long, Nguyễn Quang Mâu còn để lại những dấu ấn cá nhân của một người nhìn xa trông rộng. Nhớ lại chuyện cũ vào khoảng năm 2005, khi nhận thấy người lao động trong Công ty đi làm bằng xe gắn máy ngày càng nhiều, ông đã nhìn ra hiểm họa tai nạn giao thông và ra lệnh bắt buộc công nhân trong toàn Công ty phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy trên đường. Ba năm sau Chính phủ có một quyết định tương tự áp dụng cho người điều khiển xe máy trong toàn quốc. Và ngay trong thời điểm này, ngẫm lại vẫn cứ nắc nỏm khen thầm cái ông Tổng giám đốc này thánh thật. Giữa lúc toàn dân đang vô cùng lo lắng, bức xúc về nạn thực phẩm bẩn về miếng ăn hàng ngày bị đầu độc thì ý tưởng về trang trại rau sạch, sản xuất chế biến thực phẩm sạch của ông từ gần chục năm trước chứng tỏ tầm nhìn vượt thời gian của vị Anh hùng hết lòng vì người lao động là sáng suốt như thế nào. Tôi cứ thắc mắc tự hỏi: “ Phải chăng cái ông Tổng giám đốc này có giác quan thứ sáu, có khả năng tiên tri? Bao nhiêu điều ông ta đi trước làm trước đều được thời gian chứng minh là đúng vậy”.

Nếu “ Người ta là hoa của đất” thì Mẹ đất đã dành cho Nguyễn Quang Mâu sự chắt chiu, ưu ái nhất. Bản thân ông cũng đã nỗ lực hết mình để trở thành một bông hoa đẹp khoe sắc, tỏa hương cho đời. Hơn bốn mươi năm gắn bó với sự nghiệp đất sét nung, những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đã được đền đáp. Trưởng thành từ công nhân lên phó phòng, quản đốc, phó giám đốc, giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty, Nguyễn Quang Mâu đã góp phần rất quan trọng, để lại dấu ấn không phai mờ trong sự phát triển ngoạn mục của Viglacera Hạ Long. Thành tích ấy đã được Nhà nước đã ghi nhận. Công ty Viglacera Hạ Long được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nguyễn Quang mâu cũng trở thành vị Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành đất sét nung Việt Nam, năm 2009.

Dõi theo cuộc đời đầy sinh động nhưng cũng khá truân chuyên của Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu tôi càng thấm thía câu nói: “Mệnh càng lớn thì gánh đời càng lớn”. Những tai ương mà Nguyễn Quang Mâu gặp phải có lẽ cũng là điều dễ hiểu thôi. Chỉ trong vòng 20 năm ngồi vào cái ghế “quan chức” cho dù là quan chức đóng gạch, ít nhất ông cũng đối mặt với ba lần án kỷ luật. Lần bị kiện làm ông không được cắt  “Q” giám đốc đúng thời gian; một lần đứng trước tòa vì công ty chưa trả được nợ ngân hàng đúng hạn và lần công biến thành tội như trên đã nói. Phần tuyệt lớn đều xuất phát từ cái tính cách “nhất thì bét” khiến người ta phật lòng, của ông. Cán bộ dưới quyền ông có những người vi phạm quy định công tác. Ông biết và nghiêm khắc nhắc nhở, nhưng cũng thật giầu lòng tạo điều kiện để họ sửa chữa khắc phục. Nhưng trong số họ cũng có người vì thế mà đem lòng thù tức ông.

Lão tướng chèo lái con tầu mang tên “Đất Việt”

Tránh trời không khỏi phận, hay như Nguyễn Quang Mâu tâm sự: “ Nghề đã chọn tôi thì tôi cũng sống chết với nghề”. Từ năm 2009, khi nhận thấy nguồn nguyên liệu đất sét đang còn khá dồi dào ở khu vực xã Tràng An, Đông Triều có thể cho phép sản xuất ra gạch ốp lát tương đương gạch COTTO Hạ Long, ông đã bàn với Nguyên Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng về việc xây dựng một cơ sở sản xuất gạch ngói mang tên Đất Việt. Đúng lúc ấy lãnh đạo huyện Đông Triều, xã Tràng An cũng đang tha thiết tìm cách đưa công nghiệp vào đứng chân trên vùng đất bạc mầu chỉ canh tác được một vụ lúa, người lao động thì thiếu việc làm. Con tầu tư nhân mang tên “ Đất Việt” ra đời không chỉ đáp ứng nguyện vọng cống hiến của Nguyễn Quang Mâu mà còn góp phần rất quan trọng, tạo việc làm, phát triển kinh tế vùng đất này. Về hưu còn sức khỏe, kinh nghiệm đầy mình, niềm đam mê với đất sét nung vẫn hừng hực trong lòng Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu quyết định dấn thân vào nơi mà bao nhiêu thách thức, bao nhiêu bất chắc đang chờ đợi ở phía trước. Người ủng hộ và chung lưng đấu cật với ông là Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng. Công ty ra đời hút hàng ngàn công nhân và gia đình họ về cùng xây dựng thương hiệu gốm Đất Việt.

Những mô hình thành công về bảo vệ môi trường, vệ sinh công nghiệp, chăm lo tới đời sống công nhân… từ thời Hạ Long lại được ông áp dụng ở Đất Việt. Sống ở đâu Nguyễn Quang mâu cũng gắn liền với ao chuôm, mầu xanh của cây trái. Lần đầu bước chân đến Gốm Đất Việt ấn tượng nhất của tôi là dãy hồ 6 cái nối liền nhau trồng sen chạy suốt mặt tiền diện tích Công ty như một hệ thống điều hòa tự nhiên. Nó làm cho con người cảm thấy thư thái, tĩnh tâm như bước vào mảnh đất lành.

Trân trọng và chu đáo, Nguyễn Quang Mâu dẫn tôi đi một vòng quanh nhà máy. Tôi gặp lại cảm giác như hồi nào tới thăm nhà máy COTTO Hạ Long. Một không gian rộng lớn và sạch sẽ quá thể. Không khói bụi, không rác thải hay mùi khét của than củi…Hai dây chuyền sừng sững đang đều đặn nhả ra những viên gạch gốm ốp lát đỏ au. Những kiêu gạch lớn đóng nhãn hiệu Đất Việt đầy tự hào đang chờ những chuyến xe chở đi. Ở các phân xưởng của công ty Gạch Ngói Đất Việt cũng chung một không gian sạch sẽ, ngăn nắp. Những mẻ gạch tươi rói vừa ra lò được xe nâng nhắc xuống chờ nguội trông thật thích mắt. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những đoạn băng chuyền chạy từ lòng đất lên. Nếu ở Viglacera Hạ Long vỉa đất thừa của viên ngói phải thu gom lại, chứa vào thùng rồi cuối ngày đổ ra bãi nguyên liệu, thì ở đây hệ thống băng chuyền ngầm làm nhiệm vụ thay người thu gom và tự động chuyển đi mà người công nhân không phải mó tay vào.

Một nét đẹp tinh thần mang tên Nguyễn Quang Mâu từ thời ở Hạ Long lại thể hiện thật ấn tượng ở Đất Việt. Đó là dạy cho người lao động một nếp sống có văn hóa. Ngay từ khi bước vào cổng Công ty tôi đã bắt gặp nụ cười thân thiện của nhân viên bảo vệ đứng nghiêm giơ tay chào và rồi đi tới đâu trong các nhà máy của Đất Việt, người công nhân nào tôi gặp cũng nở nụ cười ấm áp và cúi mình lễ phép chào như một thói quen trong ứng xử. Cử chỉ ấy của họ khiến bất kỳ ai bước chân vào Công ty cũng cảm thấy ấm lòng và tự mình cư xử cho tử tế hơn. Thật khôn ngoan khi dạy cho người lao động biết cười. Nụ cười níu chân khách. Coi khách hàng là thượng đế, nhưng hoàn toàn không phải miễn cưỡng giả tạo, mà thực tâm thể hiện sự giầu có tâm hồn, sự văn minh trong lối sống. Nó chính là văn hóa kinh doanh, là cái vốn không hề nhỏ góp phần sản sinh ra tiền bạc, uy tín cho doanh nghiệp.

Nhiệt huyết sâu sát và quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất đã trở thành bản tính của Nguyễn Quang Mâu. Là người lãnh đạo cao nhất nhưng ông thấu hiểu từ việc nhỏ nhất trong quy trình sản xuất. Trong lúc dẫn tôi đi thăm nhà máy ông để mắt tới tất cả. Ở cuối dãy nghiền gạch để pha chế phối liệu ông dừng lại rút điện thoại gọi quản đốc phân xưởng cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay một công đoạn lao động không đúng quy định để khói bụi lọt ra khu vực lối đi. Vài phút sau tôi lại phải đứng chờ ông vì chỗ bãi chứa nguyên liệu có ba chiếc xe ben chở đất về mà không có người nhận. Giọng ông tỏ rõ sự không hài lòng:

 – Bây giờ là 11 giờ 30 mà không còn ai nhận nguyên liêu là thế nào?- Giọng ông nóng nảy khi người cán bộ ở đầu máy phân trần – Tôi không đồng ý với giải thích đó. Anh là người phụ trách nhập nguyên liệu. Ở mỏ, máy xúc dừng xúc lúc 11 giờ, thì ở bãi nhận phải bố trí người nhận tới xe cuối cùng chứ? Anh là người phụ trách mà làm ăn như thế à?. Tôi Chủ tịch Hội đồng quản trị giờ này còn có mặt ở hiện trường mà nhân viên trực lại đã bỏ về. Làm ăn như thế liệu có được không? Cho người xuống nhập đất ngay. Cho kiểm điểm ca trực này ngay…

Nhìn cơ ngơi của công ty cổ phần Đất Việt tôi thực sự choáng ngợp. Chỉ có mấy năm trời mà cả một cụm nhà máy hiện đại tân tiến xuất hiện đến khó tin. Tôi chợt nghĩ nếu không phải ông Nguyễn Quang Mâu, tốc độ xây dựng và sản xuất có nhanh và quy củ được thế không? Chắc chắn là không! Đến với Đất Việt người Anh hùng này không chỉ là một vị lãnh đạo sản xuất tài năng, thạo việc. Hàm lượng chất xám mà ông đem đến cho Đất Việt là không thể đong đếm. Kinh nghiệm tổ chức bộ máy, thiết kế nhà xưởng, chiến lược bán hàng và đường hướng phát triển của Công ty cùng hội tụ trong một con người là thuận lợi lớn để Đất Việt vượt lên một cách ngoạn mực.

Ở cái tuổi ngoại lục tuần Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu vẫn tình nguyện xa vợ con nằm lại với các cán bộ độc thân khác để lo cho Công ty. Bữa trưa ông cùng ăn cơm ca với công nhân. Bữa tối ông ăn với hơn chục cán bộ độc thân. Có thể nói sự hy sinh, dấn thân của ông là không thể tính bằng số giờ làm việc. Vẫn say sưa như hồi trai trẻ, ông đưa tôi lội mưa đến mỏ khai thác đất. Vạch ra kế hoạch cho năm năm tới, khi mà vốn của Đất Việt dồi dào, khu mỏ kia sẽ được hoàn nguyên để mọc lên những khu tập thể công nhân khang trang như thế nào. Sau hai, ba mươi năm nữa sẽ lấy đất ở đâu để sản xuất. Đứng trên ban công trụ sở làm việc, ông khoát tay giới thiệu cho tôi hình ảnh khu liên hợp nhà trẻ mẫu giáo sắp khởi công ra sao…Tôi có cảm giác trong đầu người Anh hùng Lao động này không lúc nào nghỉ ngơi, không lúc nào ngừng suy nghĩ.

Thử sức trên mô hình mới, những lão tướng như Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Duy Hưng dường như cũng muốn chứng minh sự thành công của họ không phải chỉ nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây. Quyết tâm ấy thật đáng trân trọng khi mà kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực góp phần phát triển đất nước. Điều đáng sợ nhất của mỗi người, đặc biệt sau khi nghỉ hưu là sự buông xuôi, sự thỏa mãn, tư tưởng hưởng thụ. Các ông vẫn cháy hết mình. Giờ đây bên cạnh Nguyễn Quang Mâu với một tính nết thẳng tưng, quyết liệt, một tư lệnh “ hét ra lửa” là một chính ủy nhỏ nhẹ, thâm trầm Nguyễn Duy Hưng. Nó như nét hài hòa bổ xung cho nhau để các ông đưa con tầu Đất Việt vượt sóng ra khơi.

Tuy nhiên trên đời này không có thành công nào lại không kèm theo thử thách, thậm chí cả tai ương. Với những người mệnh thủy lại gắn với đất, với lửa như Nguyễn Quang Mâu điều ấy càng dễ xảy ra. Gốm Đất Việt sau hai năm ra lò đã đạt chất lượng tương đương như gốm Hạ Long. Tên tuổi Đất Việt bắt đầu được người tiêu dùng biết tới và chấp nhận. Tưởng là xuôi chèo mát mái thì từ giữa 2011 đến 2014 thị trường bất động sản lao dốc thê thảm. Nhà cửa công trình đóng băng, vật liệu xây dựng đương nhiên “ chết’ theo. Trong hai công ty thành viên, sản phẩm gốm Đất Việt vẫn tiêu thụ được tuy chậm, nhưng các sản phẩm gạch ngói Đất Việt thì thực sự khó khăn. Hàng sản xuất ra không bán được, hoặc phải bán dưới giá. Đất Việt rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó Công ty lại phải đối mặt với những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Có hơi hướng như người ta đang dùng những thủ đoạn thương trường để “ bóp chết” Đất Việt đang thời kỳ trứng nước. Hơn hai năm trời Đất Việt phải chạy đua theo cuộc chiến bán dưới giá của một công ty lớn cùng sản xuất mặt hàng như Đất Việt. Họ còn công khai gửi công văn tới các đại lý trong toàn quốc yêu cầu không cho Đất Việt bầy mẫu giới thiệu hàng, cấm quảng bá và bán các sản phẩm của Đất Việt…Một hành động vi phạm trắng trợn luật kinh doanh tự do.

Vốn của Đất Việt mỏng, chủ yếu vay ngân hàng. Cuộc chiến bán hàng dưới giá khiến Đất Việt nợ ngân hàng chồng chất. Không chỉ o ép trên thương trường, người ta còn tung  tin nội bộ Đất Việt lục đục, sắp bán công ty, phá sản đến nơi…Nhiều  ngân hàng tá hỏa quay lưng với Đất Việt. Lãi xuất vay có lúc lên tới 22% mà người ta cũng không cho vay. Thậm chí có ngân hàng cho vay nhưng phong tỏa luôn tài sản, không có đồng vốn lưu động nào. Cho vay như thế có khác nào đóng cửa nhà máy. Một vài cổ đông rút vốn, bạn hàng cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng lo lắng, ngại ngùng… Những lời dè bỉu kiểu như:  “Anh hùng thua lỗ”. “Lão tướng bại trận”… lại một lần nữa trùm phủ lên số phận Nguyễn Quang Mâu. Vào thời điểm gian nguy nhất ông đã phải bàn với Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Duy Hưng cho bán nhà máy đi, tuyên bố phá sản. Một quyết định thật sự đau đớn. Sự đam mê và lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề. Những câu hỏi nặng trĩu tâm can: “ Mình mất tài sản đã đành, nhưng còn  bao nhiêu người tâm huyết với mình,  hàng ngàn công nhân cùng gia đình họ gắn bó, chung tay xây dựng Công ty nay tuyên bố phá sản thì đẩy họ đi đâu?”. Một người từng giữ chức Bí thứ tỉnh ủy, đã có nhiều năm lãnh đạo doanh nghiệp; một người là Anh hùng Lao động, nổi tiếng trong ngành đất sét nung giờ tuyên bố phá sản sẽ không tránh khỏi sự dè bửu: “ Rời khỏi núm vú Nhà nước là chết ngay mà”. “ Chỉ giỏi tiêu tiền Nhà nước thôi…”. Không phải vì kém năng lực, kém nhiệt huyết mà gặp phải cái đận này thì có ôm nổi cái “ cục tức, cái nỗi đau” đó không?. Phải nói đó là những ngày vô cùng mệt mỏi, lo lắng đến mất ăn mất ngủ đối với những người đứng mũi chịu sào như ông.

Nghe tin Đất Việt phải bán đi, có doanh nghiệp đã đến khảo sát để mua lại. Ảnh hưởng từ luồng thông tin tiêu cực trên họ đã dìm giá. Một cái giá thật bèo bọt được đưa ra. Lòng tự ái trỗi dậy, Nguyễn Quang Mâu báo cáo ông Nguyễn Duy Hưng và quyết định không bán nữa. Cắn răng lại. Giật gấu vá vai. Thuyết phục ngân hàng cho vay bằng tín chấp. Động viên anh em trong công ty cùng hai ông thế chấp nhà cửa, cổ phiếu, tài sản…vay vốn duy trì sản xuất. Mặt hàng gốm Đất Việt chạy hàng, quyết định lắp ráp thật nhanh dây chuyền thứ hai để ra sản phẩm. Hai công ty Gốm Đất Việt và Gạch Ngói Đất Việt như hai cánh tay trong thương hiệu Đất Việt. Cánh tay này khó khăn thì cánh tay kia chìa ra nắm lấy cùng nhau vượt qua. Và rồi “ gian nan thử sức anh hùng”, thành công đã lại mỉm cười với những người không sờn lòng trước thử thách. Bản lĩnh của những người như Nguyễn Quang Mâu không dễ chịu đầu hàng trước bão tố cuộc đời. Nhưng như ông tâm sự có lúc phải rùng mình thốt lên:

– Quả đúng như người đời đã nói: “Thương trường là chiến trường”. Ở cái tuổi nhẽ ra được an nhàn càng ngấm nỗi ê chề của một con nợ là như thế nào?  Càng ngấm sự ác liệt của thương trường là như thế nào?.

Trước hai ngả đường: buông xuôi, bỏ chạy chấp nhận thất bại hay chiến đấu đến cùng? Thật may cả hai vị tướng đầu bạc Nguyễn Quang Mâu và Nguyễn Duy Hưng đều gặp nhau ở quyết tâm chọn con đường chông gai hơn, mạo hiểm hơn là trụ vững để vươn lên. Và quyết định của họ đã đúng. Sự ấm lại của thị trường bất động sản, sự thủy chung với khách hàng, với sản phẩm đất sét nung cùng nỗ lực lớn nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, công ty Đất Việt đã vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục. Ngoài các mặt hàng truyền thống, Đất Việt chú trọng sản xuất các sản phẩm cho phục hồi di tích lịch sử, tung ra thị trường loại ngói phong thủy 7 mầu độc đáo. Sản phẩm này chỉ nung một lần đã đạt yêu cầu thay cho công đoạn nung hai lần như trước đây. Đây cũng là dây chuyền công nghệ đầu tiên ở Việt Nam do Gốm Đất Việt thực hiện thành công. Sản lượng của Đất Việt năm 2015 là gần 6 triệu mét vuông. Doanh số đạt gần 580 tỷ đồng, nộp ngân sách 48 tỷ. Thu nhập bình quân của người lao động của Gốm Đất Việt đạt trên 8 triệu đồng; của Gạch ngói Đất Việt là trên 5 triệu đồng. Khó khăn chưa phải đã hết trên con đường cạnh tranh, song như Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu nói vui: “ Bây giờ thì khỏe rồi. Không sợ cuộc đua giảm giá nữa. Các vị cứ thoải mái hạ giá Đất Việt xin chiều hết”.

Không chỉ có mặt ở tất cả các địa phương trong nước, sản phẩm mang thương hiệu Đất Việt hôm nay đã vượt biển tới 39 quốc gia trên thế giới. Nhu cầu của xã hội tăng cao Công ty Gốm Đât Việt đã tính tới việc lắp giáp thêm dây chuyền thứ ba trong thời gian tới. Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng vang của sản phẩm Đất Việt được khách hàng nồng nhiệt đón nhận. Nhiều đại lý tỏ thái độ phản đối kiểu cạnh tranh không lành mạnh vẫn nhiệt tình giới thiệu và bán sản phẩm của Đất Việt. Nhiều ngân hàng cũng sẵn sàng mở hầu bao cho vay với chế độ ưu đãi…

Sức vóc Đất Việt đã hồng hào trở lại. Không chỉ là chuyện vượt nạn thành công, cuộc thử sức này như một kiểm chứng găt gao về năng lực, chất lượng và chiến lược phát triển của một doanh nghiệp tư nhân trên thương trường. Cái tên Đất Việt đã vững vàng trong đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam.  Những doanh nhân Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Duy Hưng tiếp tục làm sáng lên tên tuổi của mình cùng với thương hiệu Đất Việt.

 “ Gừng càng già càng cay”! Bên cạnh câu châm ngôn ấy, tôi chợt nhớ tới ai đã từng nói: “ Tuổi già như một chiếc máy bay bay xuyên qua cơn bão. Nếu một lần bạn cất cánh thành công thì không có gì có thể cản trở bạn nữa”. Hai lão tướng già Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Duy Hưng cùng đội ngũ cán bộ, người lao động trẻ nhiệt huyết của công ty Đất Việt nào có khác gì chiếc máy bay kia hay con tầu mang tên Đất Việt kia vừa vượt qua bão lớn và đang hướng về phía trước. Còn gì có thể cản trở họ nữa. Hãy chờ đón một thương hiệu lớn Đất Việt ngày càng tỏa rạng trên thương trường.

Tôi tin là như thế!

                                                                            Bút ký của Nguyễn Trọng Tân

                                           (Tác phẩm dự thi giải thưởng Quỹ NHà văn Lê Lựu)