Kiên Giang

NHNN Chi nhánh Kiên Giang: Đảm bảo nguyên tắc tang trưởng tín dụng an toàn và bền vững

2:34 sáng | 19/01/2020

Khi điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn phụ thuộc vào hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng vẫn là một trong những chỉ tiêu phấn đầu hàng năm của NHNN chi nhánh Kiên Giang.

Tăng giải ngân, giảm lãi suất cho vay

Với mạng lưới 53 TCTD và 200 cơ sở giao dịch trên khắp địa bàn tỉnh, NHNN chi nhánh Kiên Giang đã giải ngân cho vay 93.873 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng cả năm ước đạt 77.800 tỉ đồng, tăng 13,38% so với năm 2018, chất lượng tín dụng được nâng cao trong khi nợ xấu duy trì dưới 3%.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, các TCTD trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay VND kỳ hạn ngắn hạn (0,5%/năm); hỗ trợ cho các doanh nghiệp tập trung thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân 2019 với doanh số cho vay đạt 830 tỷ đồng để thu mua 112.074 tấn gạo.

Tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 22.286 tỷ đồng, tăng 5,16% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay mới các doanh nghiệp đạt 7.291 tỷ đồng; tiến hành miễn, giảm lãi suất 23 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền được miễn, giảm là 1,263 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh đã thực hiện 03 giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gồm: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng;  duy trì chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, làm việc với các TCTD và doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc tiếp cận vốn tín dụng; khai thác triệt để các nguồn vốn, tiết kiệm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay;

Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Để phát huy vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành NH Kiên Giang đã và sẽ tiếp tục hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trọng tâm là cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ các chương trình, đề án, dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh hỗ trợ vốn chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, ngành NH Kiên Giang tiến hành giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, cung ứng sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại tạo điều kiện cho đầu tư phát triển du lịch.

NHNN chi nhánh Kiên Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện; chỉ đạo các TCTD quán triệt, cân đối nguồn vốn để tổ chức thực hiện chính sách. Các TCTD tiếp tục thực hiện tốt công tác cho vay thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời đồng hành cùng địa phương tích cực thực hiện các mô hình liên kết, các dự án, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn đạt 37.401 tỷ đồng, tăng 8,14% so năm 2018. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 34.333 tỷ đồng, trong đó cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 444 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, ngành NH Kiên Giang đã khuyến khích các TCTD chủ động làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện minh bạch hoá thông tin tín dụng, đơn giản hoá thủ tục cấp tín dụng; cùng địa phương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp  vừa và nhỏ. Đến 30/9/2019, dư nợ đạt 11.322 tỷ đồng, tăng 12,57% so với đầu năm.

Đảm bảo yếu tố an toàn và bền vững

Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn phụ thuộc vào hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng, thì việc tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ tiêu mà ngành ngân hàng đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm. Thời gian qua, tăng trưởng tín dụng được chỉ đạo thực hiện theo hướng tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng bền vững, an toàn.

Để đảm bảo nguyên tắc này, các TCTD trên địa bàn tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy trình nội bộ do Hội sở chính ban hành; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiêu dùng; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng; rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu, xử lý nợ xấu; chủ động nhận diện các khoản tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu để có giải pháp ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh.

Tiếp tục tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo sớm các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, góp phần kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Minh Kiệt