Bình Thuận

Nông nghiệp Bình Thuận: Phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế

10:03 sáng | 22/03/2019

Nâng sức cạnh tranh quốc tế trái thanh long và ưu tiên phát triển nghề sản xuất giống tôm nước lợ là mục tiêu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận Mai Kiều cho biết trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân

 

Xin ông cho biết một số thành quả nổi bật về phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận trong những năm gần đây?

Trong những năm gần đây, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn. Nỗ lực trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng và hình thành các nhóm sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng và giá trị ngày một tăng cao. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung (thanh long, cao su…) cùng sản phẩm đặc thù là tôm giống. Trong những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 – 2017 tăng 5,03%/năm, góp phần quan trọng trong cơ cấu GRDP tỉnh nhà, tạo chuyển biến mới bộ mặt nông thôn.

Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, nông nghiệp Bình Thuận đã đạt được một số thành tưụ đáng khính lệ trên mọi lĩnh vực:

Về trồng trọt, tỉnh đã phát triển hệ thống thuỷ lợi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả cây trồng

Về chăn nuôi, mở rộng hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.

Về lâm nghiệp, tỉnh đã phát triển diện tích rừng gắn với nâng cao chất lượng rừng trồng tiếp cận và áp dụng chương trình quản lý rừng bền vững (FSC) được 9.700 ha.

Về thủy sản, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, kết hợp nhiệm vụ sản xuất với quốc phòng trên vùng biển xa, sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ năm 2018 tăng 36,9% so với năm 2013.

Theo ông, đâu là tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu đối với sự phát triển ngành nông nghiệp Bình Thuận?

Tái cơ cấu nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng; góp phần khắc phục các hạn chế nội tại, phát huy tốt các lợi thế, xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh toàn diện hướng vào mục tiêu chất lượng, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao, chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nông dân của tỉnh; quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Đâu là sản phẩm chủ lực trong chương trình tái cơ cấu của tỉnh và định hướng phát triển trong thời gian tới?

Sản phẩm đặc thù nổi trội nhất là thanh long và tôm giống, chúng tôi đang tạo điều kiện thuận lợi để phát huy lợi thế của hai sản phẩm này.

Hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tổ chức sản xuất thanh long gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Hiện tỉnh có 29.450 ha với sản lượng 590.000 tấn. Bình Thuận chú trọng sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP (hiện 10.160 ha đạt tiêu chuẩn VietGap). Trong thời gian tới, Thanh long sẽ được phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế. Theo kế hoạch, diện tích thanh long an toàn tỉnh theo tiêu chuẩn GAP đến năm 2020 đạt 50% và đến năm 2025 đạt 70%.

Đối với tôm giống, tỉnh dần chuyển sang phát triển tôm giốnng quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Hiện 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất tôm giống. Sắp tới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển tôm nước lợ, mở rộng diện tích sản xuất tập trung, đưa nghề sản xuất giống tôm của tỉnh trở thành trung tâm lớn sản xuất và cung ứng tôm giống chất lượng cao cho cả nước, xem phát triển sản xuất tôm bố mẹ là khâu đột phá để chủ động cung cấp nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh cho sản xuất; phấn đấu nâng sản lượng tôm giống nước lợ đạt khoảng 43 tỷ Post vào năm 2020 và đạt 69,5 tỷ Post vào năm 2030.

Kết quả của công tác ứng dụng khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là như thế nào?

Điểm đáng chú ý nhất  trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã lai tạo được các giống lúa địa phương bằng phương pháp lai hữu tính, triển khai nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật trên cây thanh long, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây thanh long, phát triển mô hình dưa lưới năng suất cao.

Trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ tự động hoá trong trang trại, phát triển dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao.

Ở lĩnh vực thuỷ sản, chúng tôi tập trung đầu tư dự án khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1), quy mô 90 ha để sớm thu hút đầu tư sản xuất giống công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng cao tỉnh Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.000 ha, hiện đang triển khai kêu gọi đầu tư.

PV