Bình Thuận

Nông nghiệp công nghệ cao – Hướng phát triển chủ đạo của nông nghiệp Bình Thuận

9:51 sáng | 07/04/2018

Đi cùng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản – thực phẩm ngày càng nâng cao. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Thuận xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là hướng phát triển chủ đạo nhằm nâng cao giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Từ định hướng trên, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp Bình Thuận đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi được triển khai rộng rãi ở các huyện – thị xã, thành phố; công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, biện pháp canh tác mới, đầu tư thâm canh chiều sâu, quản lý nguồn nước, dịch bệnh đã làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, được các doanh nghiệp và hộ nông dân tích cực đầu tư phát triển sản xuất làm cho nông nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường; trình độ sản xuất trong nông nghiệp đã được nâng lên, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng đã đưa năng suất, hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi tăng lên.

Đến nay diện tích ứng dụng công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt tại Bình Thuận đạt 9.935 ha cây trồng cạn; diện tích trồng và chế biến cây bạc hà có xuất xứ từ Nhật Bản đạt 32ha…. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp và HTX như: trồng rau trong nhà lưới; sản xuất 3.000 ha lúa chất lượng cao, phát triển nuôi tôm giống nuôi theo phương thức an toàn sinh học… Hiện nay, tỉnh có 231 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 22-24 tỷ post/năm; đặc biệt đã phát triển và chứng nhận được 9.500 ha thanh long đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp địa phương bền vững.

Trên cơ sở xác định việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển NNƯDCNC giữ vai trò vô cùng quan trọng, chính vì vậy tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực NNCNC và thu hút được nhiều dự án lớn như: dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt CNC và Nhà máy chế biến sữa của Công ty TNHH Thông Thuận tại xã Sông Bình – huyện Bắc Bình; dự án NNCNC theo mô hình trang trại VAC tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; dự án trồng dưa lưới ứng dụng CNC trong nhà màng, trồng thanh long leo giàn của Công ty CP NNCNC Đông Á tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất NNƯDCNC một cách toàn diện, tỉnh Bình Thuận đang xây dựng hình thành vùng sản xuất thanh long tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước ứng dụng ƯDCNC với quy mô khoảng 10.000 ha tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc; đồng thời tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất thanh long theo hướng ƯDCNC, thông qua việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, UBND tỉnh đang xây dựng Đề án Khu NNƯDCNC tại huyện Bắc Bình với quy mô 2.000ha để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tại đây, dự kiến phát triển các loại hình sản xuất NNCNC gồm: Các giống cây trồng, sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao được sản xuất ở quy mô công nghiệp  nấm (nấm ăn và nấm dược liệu), cây dược liệu, rau (măng tây, hành, tỏi…), sản xuất các chế phẩm sinh học và vi sinh vật chuyển gen vào giai đoạn sau 2020; các chế phẩm vi sinh vật dùng trong nông nghiệp. Ngoài ra còn có các công nghệ, quy trình khác sẽ được áp dụng như: công nghệ sản xuất rau chất lượng cao, công nghệ tưới tiết kiệm và cơ giới hóa đồng bộ. Mục tiêu hàng đầu của Khu NNƯDCNC tỉnh Bình Thuận nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm NNCNC; đồng thời tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp NNCNC, đào tạo nguồn nhân lực CNC… phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung bộ và tỉnh Bình Thuận.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận – ông Phan Văn Tấn cho biết hiện nay tại các khu vực được quy hoạch phát triển NNCNC trên địa bàn đều được tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi một cách bài bản khoa học. Bình Thuận cũng dành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong cũng ngoài nước đến đầu tư vào các khu vực này. Đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến cùng chung tay góp sức phát triển NNCNC tại tỉnh nhà.

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, hướng tới mục tiêu phát triển một nền NNCNC hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đặc biệt là chú trọng về chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành nông nghiệp, đảm bảo phát huy lợi thế của từng địa phương và tạo vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến nông sản. Tập trung cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Ngoài ra tỉnh cũng quan tâm thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư chế biến, tiêu thụ nông sản; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, xây dựng phát triển thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Minh Tuấn