Bình Phước

Phát triển Khoa học – Công nghệ Bình Phước: Cần những tham mưu mang tính đột phá

7:54 sáng | 08/07/2019

“Nguồn lực hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển Khoa học và Công nghệ (KH-CN) của Bình Phước, tỉnh cần lắm những tham mưu mang tính đột phá”, Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Sở KH-CN Bình Phước khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Trung Kiên thực hiện.

 

Xin ông chia sẽ cụ thể hơn về tình hình phát triển KH-CN của Bình Phước, đâu là những hạn chế và rào cản trong tiến trình này?

Nhìn chung hoạt động phát triển KH-CN cũng đạt được một số kết quả tích cực như tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (2018), triển khai chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, thực hiện kênh thông tin về KH-CN trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…), đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo…

Tuy nhiên, nguồn lực (nhân lực và tài lực) chưa đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và chưa theo kịp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước.

Tỉnh hiện thiếu nhân lực chất lượng cao và đội ngũ nhà nghiên cứu, trong khi ngân sách cho người làm khoa học còn bất cập.

Về phương pháp thực hiện, thì tỉnh đang còn thiếu những tham mưu mang tính đột phá, các đề tài nghiên cứu chưa hướng đến nhu cầu thực tế của địa phương và chưa tạo được động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ông có thể điểm lại một số dự án phát triển KH-CN tiêu biểu của tỉnh và tầm quan trọng của KH-CN đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp?

Một số dự án thành công có thể kể đến như “mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển nghề nuôi ong mật Bình Phước theo hướng sản xuất hàng hoá” giai đoạn 2009-2011; “mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc nâng cao chất lượng chế biến nhân điều xuất khẩu” (2010-2012); “mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học”; “dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý điều”.

Ngoài ra, các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi đã giúp chuyển giao 27 quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Đa số các dự án này đã giúp tạo việc làm và mang lại thu nhập cao cho lao động địa phương, giúp phát triển ngành nghề mới như trồng nấm, cacao, chè…

Sở KH-CN Bình Phước có giải pháp gì nhằm khuyến thích và thu hút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển KH-CN, thưa ông?

Đối mặt với thực tế và rào cản hiện tại, chúng tôi cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện:

Thứ nhất, thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức KH-CN.

Thứ hai, đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, cơ cấu lại các chương trình KH-CN theo hướng xem doanh nghiệp là trọng tâm; kết nối khoa học với doanh nghiệp.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, hình thành các mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Thứ tư, tạo liên kết vùng và khu vực nhằm chia sẽ thông tin và khai thác lợi thế của tỉnh bạn, đưa công nghệ mới và sản phẩm mới vào khởi nghiệp.

Đến thời điểm này, Sở KH-CN đã có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH-CN phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng như phương hướng trong thời gian tới?

Chúng tôi đã tham mưu tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ vay vốn đổi mới công nghệ; hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và Quỹ phát triển KH-CN. Các chương trình này đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể là đề ra các chương trình như đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2018-2020, tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận cuộc CMCN 4.0, hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều doanh nghiệp KH-CN vốn đang là hoạt động còn hạn chế hiện nay.