Tin nổi bật

Phát triển Tp.Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

7:30 sáng | 20/01/2020

Sau 9 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TU ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tình hình kinh tế – xã hội của Thành phố đã có những bước phát triển khả quan, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hạ tầng đô thị đang được đầu tư xây dựng, góp phần làm tăng thêm nguồn lực, điều kiện để Tp.Buôn Ma Thuột phát triển lên những nấc thang cao hơn.

Thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị,  ngày 11/6/2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về xây dựng và phát triển Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020. Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết, phát triển kinh – xã hội của Thành phố đã từng bước đáp ứng yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện, nâng cao đời sống người dân, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự – an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 tăng gấp 4,29 lần so với năm 2005, năm 2018 tăng gấp 1,48 lần so với năm 2015. Công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của Thành phố đến cuối năm 2015 công nghiệp – xây dựng chiếm 42,31%, dịch vụ chiếm 51,88%, nông lâm nghiệp chiếm 5,82%; đến cuối năm 2018 công nghiệp – xây dựng chiếm 42,92%, dịch vụ chiếm 52,95%; nông lâm nghiệp chiếm 4,13%. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2010 – 2018 đạt mức tăng bình quân 4,96%/năm; trong đó giai đoạn 2016 – 2018 tăng bình quân 9,71%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 53,4 triệu đồng/năm, năm 2018 đạt 77,92 triệu đồng/năm.

Đến nay chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp của Tp.Buôn Ma Thuột được triển khai đạt một số kết quả tích cực. Giá trị sản xuất ước thực hiện cả năm 2018 đạt 9.109 tỷ đồng, giai đoạn 2010 – 2018 đạt mức tăng trưởng bình quân 11,08%/năm. CCN Tân An 1 và 2 đến nay có 81 dự án đăng ký đầu tư (tăng 32 dự án so với năm 2010), trong đó có 58 dự án đang hoạt động, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN. Thương mại – dịch vụ phát triển cả về quy mô, chất lượng và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 ước đạt 37.191 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2018 đạt mức tăng trưởng bình quân 16,97%/năm.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, Tp.Buôn Ma Thuột triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Sử dụng diện tích nông nghiệp có hiệu quả, ổn định diện tích đất lúa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến nông và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Giá trị sản xuất năm 2018 ước đạt 2.550 tỷ đồng, giai đoạn 2010 – 2018 đạt mức tăng trưởng bình quân 2,88%/năm.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020, đến nay Tp.Buôn Ma Thuột đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, từng bước xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tiến tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Về công tác quy hoạch đô thị, hiện Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang tổ chức thực hiện. Công tác chỉnh trang đô thị gắn với cải tạo, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị có nhiều chuyển biến. Quy hoạch phát triển các khu đô thị mới được quan tâm và từng bước đầu tư hạ tầng; cơ bản hoàn thành 1 khu đô thị mới là Khu dân cư Km4÷5 (72ha). Trong công tác quản lý đô thị, Thành phố triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từng bước đã thay đổi ý thức và nhận thức của nhân dân. Quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến đáng kể; kiểm tra, xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm, làm giảm đáng kể tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Trong xúc tiến, thu hút đầu tư, Tp.Buôn Ma Thuột đang tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017, UBND Thành phố cũng đã triển khai công tác lập hồ sơ mời sơ tuyển và tổ chức lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện 7 dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các nguồn vốn vay ưu đãi ADB, ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh để đầu tư các dự án trọng điểm củaThành phố trên một số lĩnh vực như: hạ tầng giao thông; hạ tầng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; hạ tầng môi trường…Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010 – 2015 đạt khoảng 31.496 tỷ đồng, bằng 92,6% NQ; giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 33.402 tỷ đồng, bằng 66,81% NQ.

Song song với thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, chất lượng được nâng lên. Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, du lịch phát triển mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu và phục vụ nhân dân trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố giảm còn 0,86% (NQ đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69% (NQ đến năm 2020 trên 70%). Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Những thành tựu phát triển KT – XH nổi bật mà Tp.Buôn Ma Thuột nỗ lực đạt được sau 9 năm triển khai thực hiện Kết luận số 60-KL/TU của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để Thành phố tiếp tục vững bước vào giai đoạn mới 2020 – 2030. Tuy chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn song với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như lộ trình mà Nghị quyết số 12NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra, trong giai đoạn 2020 – 2030 Thành phố tiếp tục duy trì phát triển kinh tế ổn định và bền vững; Chú trọng huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng dịch vụ, công nghiệp và phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song  đó Tp.Buôn Ma Thuột tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, theo đúng quy hoạch. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp và từng bước văn minh, hiện đại. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Củng cố, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị của Thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.