Kiên Giang

Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Tân Hiệp: Tích cực tương trợ thành viên, thúc đẩy phát triển KT – XH tại địa phương

9:42 sáng | 18/01/2020

Chặng đường 25 năm phát triển (1994 – 2019), được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự nỗ lực của Ban giám đốc, HĐQT, tập thể CBNV; đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của các thành viên đã giúp Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Thị trấn Tân Hiệp luôn hoạt động an toàn và có bước tăng trường bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt công tác tương trợ thành viên, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế hiệu quả. Xoay quanh thành công này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với Phó Giám đốc QTDND Thị trấn Tân Hiệp – Ông Nguyễn Trường Thanh.

PGĐ QTDND Thị trấn Tân Hiệp – Ông Nguyễn Trường Thanh

PV: Mục tiêu chủ yếu của loại hình kinh tế tập thể là tương trợ thành viên. Vậy thời gian qua QTDND Thị trấn Tân Hiệp đã nỗ lực thực hiện vai trò hỗ trợ cho thành viên cũng như đóng góp cho phát triển KT – XH của địa phương ra sao?

Ông Nguyễn Trường Thanh: Hiện địa bàn hoạt động của QTDND Thị trấn Tân Hiệp gồm 1 Thị trấn Tân Hiệp và 4 xã: Tân Hiệp B, Tân Hòa, Tân Thành, Tân Hội; cơ cấu tổ chức nhân sự gồm 13 người, trình độ cán bộ trung cấp trở lên đạt 77%. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn kinh doanh của Quỹ đạt 146,4 tỷ đồng, tăng 5,62% so với năm 2018 và đạt 100,34%KH năm 2019; doanh thu đạt 15 tỷ đồng, tăng 20,96% so với năm 2018, đạt 94,93%KH; lợi nhuận tăng 2,91% so với năm 2018, đạt 100,25%KH năm; nộp ngân sách 390 triệu đồng. Về hoạt động cho vay, tổng dư nợ đạt 125 tỷ đồng với 792 thành viên vay vốn, tốc độ tăng trưởng 4,16%, đạt 96,15%KH năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu.

Để có được thành công trên, thời gian qua QTDND Thị trấn Tân Hiệp luôn chú trọng đến chất lượng từng khoản vay, không chạy theo doanh số; tăng cường công tác thẩm định đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tín dụng; tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi nợ, từ đó hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh. Ngoài ra trong quá trình hoạt động, Quỹ luôn chú trọng đến vai trò tương trợ thành viên, tăng cường công tác hỗ trợ về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; hỗ trợ các khoản vay phục vụ nhu cầu về đời sống, các khoản vay khẩn cấp được bổ sung kịp thời để giải quyết khó khăn về tài chính cho thành viên. Trong cho vay, Quỹ cân đối giảm tối đa chi phí vốn cho thành viên, mọi nhu cầu vốn hợp lý sẽ được xem xét đáp ứng kịp thời, từ đó giúp nhiều hộ có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ hỗ trợ thành viên về mặt kinh tế, QTDND Thị trấn Tân Hiệp còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội như: hỗ trợ xây dựng 12 căn nhà Đại đoàn kết cho thành viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; tặng tập, sách cho con em thành viên trên địa bàn; tặng quà cho thành viên nhân dịp lễ, Tết… Ngoài khoản nộp ngân sách hàng năm, Quỹ còn hỗ trợ các hoạt động phúc lợi công cộng do địa phương phát động như: đóng góp cho Quỹ vì người nghèo, phòng chống bão lụt, xây dựng Nông thôn mới…; từ đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển KT – XH tại địa phương

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của QTDND Thị trấn Tân Hiệp cho hoạt động kinh tế tập thể, nhiều năm qua NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Kiên Giang đã tặng bằng khen và cờ thi đua cùng nhiều danh hiệu khác cho Quỹ.

PV: Ngày 31/3/2015, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về QTDND. Bên cạnh những mặt ưu việt, vẫn còn một số điều khoản của Thông tư này khiến các QTDND lo lắng trong vấn đề thực thi. Vậy đối với QTDND Thị trấn Tân Hiệp thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Thanh: Đúng là Thông tư 04/2015/TT-NHNN và những văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư mà đặc biệt là Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020) có những tác động tích cực trong việc củng cố lại hệ thống QTDND, đưa hoạt động của từng QTD phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo an toàn cho cả người gửi tiền lẫn người đi vay.

Tuy nhiên thực tế cho thấy khi thực hiện một số điều khoản của Thông tư 04 và văn bản sửa đổi Thông tư vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có nguy cơ khó tồn tại và phát triển được. Đơn cử như quy định phải thu hẹp địa bàn các xã không liền kề với địa bàn có trụ sở chính, tỷ lệ huy động vốn trong thành viên phải đạt từ 60% trở lên trên tổng nguồn vốn, số lượng đại biểu triệu tập Đại hội thành viên không ít hơn 200 đại biểu…Đối với quỹ có trên 1.000 thành viên như QTDND Thị trấn Tân Hiệp, điều kiện, tiêu chuẩn đối với HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc được nâng lên. Ngoài ra việc thực hiện thu hẹp địa bàn các xã không liền kề của Quỹ (3 xã Tân Hội, Tân Thành, Tân Hòa) là rất khó thực hiện bởi chúng tôi đã đầu tư xây dựng cơ bản 1 trụ sở Điểm giao dịch trước đây với diện tích xây dựng trên 140m2, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thu hút được 771 thành viên, dư nợ cho vay 97 tỷ đồng, chiếm 77,6% trên tổng dư nợ. Thực tiễn đã chứng minh khi thực hiện củng cố, chấn chỉnh và thu hẹp địa bàn theo Chỉ thị số 57/CT – TW ngày 10/10/2000, năm 2001 QTDND Thị trấn Tân Hiệp thực hiện đề án thu hẹp địa bàn hoạt động về Thị trấn Tân Hiệp theo quy định. Tại thời điểm này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như: dư nợ cho vay giảm, nợ quá hạn tăng lên 13,9%, kết quả kinh doanh không có lãi, một số thành viên xin rút vốn, tư tưởng CBNV không còn an tâm công tác và có nguy cơ khó tiếp tục hoạt động được nữa. Trong lúc khó khăn, HĐQT Quỹ đã kiến nghị lên NHNN tỉnh Kiên Giang xem xét nếu không cho phép hoạt động địa bàn không liền kề thì sẽ chấm dứt hoạt động. Qua khảo sát thực tế, NHNN Việt Nam đã chấp thuận theo Công văn 356/CV-TDHT ngày 17/9/2002 cho phép QTDND Thị trấn Tân Hiệp được hoạt động theo cơ chế đặc thù gồm Thị trấn Tân Hiệp và 2 xã Tân Thành, Tân Hội.

Sau khi được phép hoạt động ở địa bàn xã không liền kề đến nay gần 18 năm, QTDND Thị trấn Tân Hiệp luôn hoạt động an toàn và có bước tăng trường bền vững. Hơn 10 năm qua, Quỹ luôn được xếp loại A, tổng nguồn vốn tăng 24,4 lần so với thời điểm củng cố năm 2001; huy động vốn tăng 27,1 lần; dư nợ cho vay tăng 39,06 lần; nợ quá hạn từ 13,9% năm 2001 giảm xuống 0% vào năm 2018 và hiện nay là 0,21% nợ nhóm Il, không phát sinh nợ xấu. Nếu tại thời điểm củng cố kết quả kinh doanh không có lãi thì đến nay lợi nhuận của Quỹ đạt trên 2,7 tỷ đồng, nộp ngân sách qua các năm trên 4,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó hoạt động của Quỹ còn mang đến lợi ích về mặt xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn hoạt động.

Trong thời gian hoạt động ở địa bàn liên xã, QTDND Thị trấn Tân Hiệp luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự gắn bó, tin tưởng của các thành viên, thể hiện qua sự tăng trưởng nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay. Nếu bây giờ lại vận động thành viên xin ra khỏi Quỹ và tiến hành thu hẹp địa bàn theo quy định, QTDND Thị trấn Tân Hiệp sẽ lại gặp rất nhiều khó khăn như trước đây, thành viên thiếu tin tưởng vào chính sách phát triển của hệ thống QTDND. Nhân đây chúng tôi kiến nghị NHNN Việt Nam xem xét đối với các QTD hoạt động ổn định, có kết quả xếp loại A từ 5 năm liền trở lên và không có vi phạm thì cho phép tiếp tục được hoạt động tại các xã không liền kề nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của NHNN. Đồng thời xem xét bỏ quy định về tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên để QTDND thực hiện huy động vốn được thuận lợi như các tổ chức tín dụng khác; giảm số lượng thành viên tham gia Đại hội để giảm chi phí và phù hợp với hoạt động.

PV: Để phát huy hơn nữa vai trò của Quỹ trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho thành viên phát triển, đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, thời gian tới QTDND Thị trấn Tân Hiệp sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

Ông Nguyễn Trường Thanh: Quỹ sẽ tiếp tục củng cố và phát triển đúng mục tiêu, tôn chỉ theo quy định của pháp luật; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy tổ chức và hoạt động; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và kiểm toán nội bộ; duy trì tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của đơn vị; nâng cao tính minh bạch, công khai về quản trị, điều hành, nhất là lĩnh vực tài chính của Quỹ; kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo đúng quy định. Tập trung huy động tốt nguồn vốn trong thành viên, khách hàng với các phương thức đa dạng hơn về kỳ hạn, phương thức huy động; chú trọng đến việc chăm sóc thành viên, khách hàng; đồng thời hỗ trợ tích cực cho thành viên về nguồn vốn, tư vấn sử dụng vốn để thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của thành viên, từ đó góp phần phát triển KT – XH và xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Ngoài ra Quỹ cũng chú trọng hoàn thiện hơn về cơ chế quản lý nội bộ, cơ sở vật chất, mở rộng trụ sở, trang bị đầy đủ điều kiện làm việc, trang thiết bị và công nghệ thông tin nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn trong thời gian tới, hướng đến thực hiện hoàn thành phương án củng cố và phát triển QTDND Thị trấn Tân Hiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 209/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                   Châu Quân (thực hiện)