Tây Ninh

Sở KH-ĐT Tây Ninh: Tăng cường khâu đột phá chiến lược cải thiện các chỉ số PCI giảm điểm

2:37 sáng | 14/09/2019

Năm 2018, kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh tăng 5 bậc so với năm 2017, duy trì trong nhóm điều hành khá. Báo cáo về thực trạng PCI của Sở KH-ĐT Tây Ninh khẳng định tỉnh nỗ lực cải thiện 3 chỉ số giảm điểm: gia nhập thị trường, tính năng động và đào tạo lao động.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Dù tiếp tục nằm trong nhóm điều hành khá, xếp thứ 14/63 tỉnh thành về chỉ số PCI 2018, nhưng Tây Ninh vẫn còn 03 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2017 gồm gia nhập thị trường, tính năng động và đào tạo lao động.

Ngay trong năm 2019, Tây Ninh đã đề ra những giải pháp nhằm cải thiện 3 chỉ số thành phần này. Cụ thể, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hưởng đến 2021.

Bên cạnh đó, Tây Ninh tiếp tục công tác hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; công khai và minh bạch các chủ trương, chính sách mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hiện đại hoá nền hành chính và xây dựng chính quyền điện tử.

Về công tác đào tạo, Tây Ninh sẽ định hướng lại công tác đào tạo nghề, đầu tư trường đào tạo nghề nhằm tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, tinh thần làm việc công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao; thông tin thường xuyên về số lượng, loại hình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp nắm bắt thông tin phục vụ công tác tuyển dụng. Tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, các Sở, ngành tuỳ vào nhiệm vụ và chức năng, chủ động rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đào tạo chuyên môn cho cán bộ, công chức; chỉ đạo các sơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chấ lượng đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến công tác đào tạo nghề.

Cụ thể hoá nhiệm vụ về chương trình đột phá

Kể từ năm 2017, các nhóm công tác do UBND tỉnh Tây Ninh thành lập đã cụ thể hoá các nhiệm vụ và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 tập trung vào nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, hạ tầng giao thông.

Về công tác cải cách hành chính, Tây Ninh đã thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh từ ngày 1/1/2019. Tỉnh đã xây dựng Chính quyền điện tử nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến, cải thiện thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh; đưa vào hoạt động Cổng phục vụ Hành chính công trên ứng dụng Zalo từ tháng 11/2018 giải quyết TTHC trên điện thoại thông minh; bãi bỏ các quy định gây phiền hà trong công tác TTHC và một số giấy tờ không nằm trong quy định của pháp luật; trung tâm hành chính công đã làm tốt vai trò đầu mối, tiếp nhận và giải quyết TTHC

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc công bố toàn bộ danh mục, quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC tại 03 cấp chính quyền trên địa bàn.

Hệ thống một cửa điện tử tập trung tỉnh đã cập nhật đầy đủ thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã (1884 TTHC) và cập nhật trình tự thực hiện giải quyết TTHC. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cung cấp 100% TTHC đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (1.884 thủ tục); đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.010 TTHC và 35 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai và ứng dụng.

Về nguồn nhân lực, các nhóm công tác đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý; bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ cao cũng như nghiệp vụ lao động trong ngành du lịch; hợp tác với nhiều trường ĐH (ĐH Quốc gia Tp.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, ĐH Trà Vinh, ĐH Hồng Bàng) đào tạo nhân sự du lịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đào tạo bác sĩ và học viên ngành nhà hàng, quản trị du lịch…

Các chính sách, chương trình phát triển nguồn nhân lực đã góp phần nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 đến 20.000 lao động/năm.

Về hạ tầng giao thông, Tây Ninh đã tập trung phát triển các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối với các địa phương lân cận; đầu tư hệ thống cấp nước sạch; các trường học đạt chuẩn quốc gia; cải tạo và xây mới các bệnh viện; tích cực xây dựng nông thôn mới. Các công trình này đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình xây dựng độ thị tại Tp. Tây Ninh và các Huyện như Trảng Bàng, Hoà Thành, Gò Dầu.

Trần Khiêm