Tiền Giang

Tiền Giang: Kiến tạo môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp

3:01 sáng | 05/12/2019

Với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng gắn chặt chẽ với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch… đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tiền Giang kỳ vọng hoạt động thu hút đầu tư tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế địa phương phát triển và tham gia hội nhập. 

Năm 2018, Tiền Giang thu hút được 28 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.960 tỷ đồng (gấp 1,87 lần so với cùng kỳ năm 2017) và có 16 dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 3.467 tỷ đồng (tăng 92%). .

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút được 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 11.544,4 tỷ đồng, tuy ít hơn 4 dự án so cùng kỳ nhưng vốn đầu tư đăng ký lại đạt trên 4 lần so với cùng kỳ (bình quân vốn đầu tư 01 dự án mới là 642 tỷ đồng). 

Có thể nói với kết quả thu hút đầu tư đạt được nói trên đã cho thấy công tác quy hoạch tại tỉnh Tiền Giang được chú trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay tỉnh đã lập và trình duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để chào đón các nhà đầu tư đến tỉnh kinh doanh, đầu tư.

Bên cạnh đó, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch hành động về Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tiền Giang năm 2019 và triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2020.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích xã hội hóa. Các chính sách nêu trên khẳng định quan điểm tỉnh nghiêm túc áp dụng chính sách ưu đãi đầu về đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án theo đúng quy định của Trung ương.

Tiền Giang được biết đến như là một tỉnh nông nghiệp, sản xuất công nghiệp chế biến nông sản trong vùng ĐBSCL và có vị trí khá quan trọng trong kết nối giao thông giữa vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Tiền Giang chú trọng thực hiện quy hoạch và hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Các trung tâm vùng như thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo để làm đầu tàu thúc đẩy liên kết, phát triển các vùng trong tỉnh và kết nối với các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre.

Từ định hướng chiến lược quan trọng này, nguồn vốn đầu tư công được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để phát triển kết cấu hạ tầng của 3 vùng kinh tế – đô thị của tỉnh. Các vùng công nghiệp của tỉnh được ưu tiên đầu tư đồng bộ về giao thông, cấp điện, cấp nước, mạng lưới viễn thông để phục vụ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức rà soát các quy định của pháp luật và xây dựng, ban hành 2 quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm: Quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với dự án trong các khu, cụm công nghiệp và Quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với dự án ngoài các khu, cụm công nghiệp. Việc xem xét, đề xuất giải quyết các hồ sơ đầu tư được thực hiện thông qua hai Tổ liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN làm cơ quan thường trực để xem xét và giải quyết toàn diện các vấn đề có liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; chính sách ưu đãi đầu tư; kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

Tiền Giang đã xác định phát triển kinh tế là quan trọng nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển tốt kết cấu hạ tầng xã hội và nâng cao được chất lượng cuộc sống nhân dân. Tỉnh tập trung kêu gọi, lựa chọn những dự án đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường; bố trí ngành nghề phù hợp với quy hoạch của tỉnh, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Xác định danh mục dự án ưu tiên để tập trung mời gọi đầu tư là rất quan trọng. Trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Từ xác định danh mục dự án ưu tiên, các ngành tỉnh sẽ tập trung xác định và tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để mời gọi đầu tư. Quan điểm của tỉnh là phải xác định cụ thể dự án và đối tác cần mời gọi đầu tư gắn với quy trình sàn lọc, lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tính khả thi của dự án và mục tiêu thu hút đầu tư của tỉnh.