Kinh doanh

VCCI Nghệ An: Hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu Nông Lâm Thuỷ sản

8:46 sáng | 29/11/2017

Chiều ngày 28 tháng 11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tham dự Hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Quốc Toản – Phó Cục trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Lãnh đạo VCCI Nghệ An, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, UBND các huyện, thị xã, Hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản tại địa phương.

Hội thảo đã được nghe đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ngành Nghệ An trình bày định hướng và các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản; tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản của doanh nghiệp Nghệ An cũng như việc sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, các lợi thế, tiềm năng và thách thức.

Theo đó, trong 11 tháng đầu năm 2017, với sự tham gia xuất khẩu của 35 doanh nghiệp trên toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thủy sản tỉnh Nghệ An ước trên 271 triệu USD, gấp 2,07 lần so với kim ngạch cùng kỳ 2016, chiếm 45,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Hoa quả tươi và hoa quả chế biến, dăm gỗ, nhóm nhựa thông, tinh dầu thông và tùng hương, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, gạo, chè, cà phê, tinh bột sắn, hạt tiêu, hàng thủy sản,… là những nhóm mặt hàng chủ đạo. Đáng chú ý hơn cả là xuất khẩu nhóm hàng hoa quả tươi và hoa quả chế biến đạt gần 129 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016; dăm gỗ 102,7 triệu USD, tăng 24,6%; chè 7,39 triệu USD, tăng 3,3%. Đáng chú ý là các nhóm hàng như: sắn và tinh bột sắn 15,85 triệu USD, giảm tới 12%; thủy hải sản 11,8 triệu USD, giảm tới 9,3%.

Mặc dù hàng nông lâm thủy sản của Nghệ An đã xuất khẩu đến hơn 25 thị trường các nước trên thế giới, nhất là xuất khẩu đến các thị trường lớn như Trung Quốc, hơn 80%, tiếp đến Châu Âu, Ấn Độ, Pakistan,… nhưng trên thực tế, việc xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Nghệ An còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chế biến nông sản còn hoạt động dưới hình thức thủ công truyền thống, thiếu tính chuyên nghiệp. Các sản phẩm đa số có giá trị kinh tế thấp, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Đa phần là hàng sơ chế, số lượng sản phẩm công nghiệp chế biến tinh có giá thị lớn còn ít.

          TS. Nguyễn Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường – Bộ NN và PTNT

Bên cạnh đó, có những sản phẩm, vùng nguyên liệu dồi dào lại gặp khó khăn do công tác chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn với các sản phẩm có thị trường tiêu thụ thì vùng nguyên liệu không đáp ứng, quy mô hàng hóa nhỏ, giá thành cao. Bên cạnh đó rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng của các tỉnh lân cận và thị trường ngoài nước như: Dăm gỗ, tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ …

Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc và thảo luận, đề xuất chính quyền nên cùng với doanh nghiệp có các phương pháp tháo gỡ. Ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ông cho biết, nguyên liệu mây tre đan đang dần khan hiếm, giá thành cao, thị trường cạnh tranh khốc liệt, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế… là những nguyên nhân chính mà doanh nghiệp đang gặp phải. Ông đánh giá cao vai trò của VCCI và đề xuất chính quyền địa phương nên quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là việc tiếp cận với các hội chợ quốc tế để doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới.

Ông Lê Thái – đại diện Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm Thủy sản Xuri Việt Trung cho rằng, các sản phẩm bột cá Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và thách thức vì các quy trình kiểm tra khắt khe. Bên cạnh đó, các sản phẩm được sản xuất và xuất khẩu theo hướng tiểu ngạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ của các công ty xuất khẩu chính ngạch.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quốc tế Nafoods, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về những thất bại của doanh nghiệp trước đây và bài học kinh nghiệm. Ông cho rằng, muốn thành công, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù và phát triển theo chuỗi giá trị. Ông cũng chia sẻ về kinh nghiệm trồng và thu mua nguyên liệu, đặc biệt là trái chanh leo từ các tỉnh bạn, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc và miền Nam, nơi có thổ nhưỡng tốt và ý thức, trách nhiệm của nông dân cao hơn nhiều so với các tỉnh miền Trung.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Duy Hùng – phụ trách Công tác Truyền thông và Đối ngoại Chi nhánh VCCI Nghệ An cho rằng, trong những năm vừa qua, Chi nhánh đã có nhiều các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, ông đề nghị chính quyền địa phương tại các huyện, thị xã nên quan tâm và tạo mọi điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản. Chi nhánh VCCI Nghệ An luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa và phối hợp với chính quyền địa phương trong các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 09/NQ-TW, Nghị quyết 35/NQ-CP.

Khi các Hiệp định thương mại tự do được thực thi, bên cạnh những khó khăn như đã nêu trên thì cũng có không ít cơ hội mở ra cho ngành nông sản tại Nghệ An. Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần vào các thị trường, được hưởng lợi từ một số loại thuế được miễn giảm. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường “khó tính”, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng, thị hiếu khách hàng để tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để tăng nhanh giá trị xuất khẩu hàng nông lâm hải sản, các doanh nghiệp phải chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An