Bản tin hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam

Việt Nam vươn tầm trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin chất lượng cao của khu vực

8:06 sáng | 24/10/2017

“Mặc dù là nước đi sau so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam đang sở hữu các lợi thế, tiềm năng và uy tín lớn đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu; trong đó phần mềm là một trong những ngành hoàn toàn có khả năng đứng vững trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia trong khu vực…” là nhận định của ông Đào Đình Khả – Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin&Truyền thông) tại Hội nghị Xuất khẩu Dịch vụ CNTT 2017 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Tp.HCM (ITPC), Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp tổ chức theo sự chỉ đạo của UBND Tp.HCM. Hội nghị nhằm giới thiệu rộng rãi tới các quốc gia trên thế giới về năng lực phát triển phần mềm, khả năng cung cấp dịch vụ CNTT của Việt Nam hiện nay hướng tới mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, từng bước nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên bản đồ gia công, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT trên thế giới.

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ, Việt Nam đang trở thành một trung tâm công nghệ mới của châu Á. Những năm gần đây, các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, LG, Foxconn, Avaya, Bosch, NTT, Cisco, Hitachi, Sharp, Google, Boeing…đã bắt đầu chuyển dịch các hoạt động công nghệ cao và gia công phần mềm sang Việt Nam; góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút về CNTT mà cụ thể là dịch vụ gia công phần mềm (ITO) và dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO). Trên bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield năm 2016, Việt Nam đứng số 1 thế giới về địa điểm dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp; trong báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công CNTT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016” của hãng tư vấn Gartner, Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; trong báo cáo của KPMG, Công viên Phần mềm Quang Trung là trung tâm CNTT tập trung lớn nhất ở Việt Nam, đứng thứ 3 trong Top 8 Công viên phần mềm được đánh giá cao tại châu Á năm 2017; mới đây trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết những năm gần đây, thị trường xuất khẩu ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển ấn tượng từ 15-25%/năm; dẫn đầu là Tp.HCM với doanh thu xuất khẩu dịch vụ CNTT ước đạt gần 1 tỷ USD/ năm; nếu tính các doanh nghiệp gia công, xuất khẩu dịch vụ CNTT có quy mô trên 1.000 người thì Thành phố có 11/14 doanh nghiệp (không tính Tập đoàn Viettel và VNPT). Để khẳng định vị thế đầu tàu của mình, Tp.HCM đang nỗ lực không ngừng để trở thành một điểm đến hàng đầu về cung cấp dịch vụ phần mềm – CNTT tại khu vực Đông Nam Á và toàn châu Á.

Chia sẻ thêm về thông tin được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến đưa ra tại Hội nghị, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết để quảng bá rộng rãi hình ảnh ngành phần mềm Việt Nam nói chung, Tp.HCM nói riêng, trong giai đoạn tới Thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị quốc tế về công nghiệp công nghệ cao, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư về CNTT tại các thị trường trọng điểm: Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Singapore, Úc….

Còn theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch VN ITO Alliance, Giám đốc QTSC, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến cho ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cơ hội vàng để phát triển mạnh, từng bước nâng cao giá trị dịch vụ, hướng tới trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ CNTT chất lượng cao của khu vực. “Với vai trò là tổ chức kết nối lớn nhất Việt Nam của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực ITO và BPO,  Liên minh VNITO kỳ vọng ngoài việc quảng bá và khẳng định thương hiệu ngành dịch vụ CNTT Việt Nam với thị trường thế giới, hoạt động của chúng tôi còn góp phần tạo cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm đối tác quốc tế để phát triển kinh doanh”.

Cuối Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNITO Alliance và các tổ chức quốc tế gồm: Silicon Valley Forum (SVF); Tổ chức phát triển CNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ (VIDG); Hiệp hội Xúc tiến công nghiệp Tp.Shonan – Nhật Bản (SIPF). Lễ ký kết đánh dấu bước khởi đầu cho việc cùng nhau hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chí Cường