Khánh Hòa

Xây dựng Nông thôn mới Khánh Hòa: Ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

1:42 sáng | 25/12/2017

Nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG về xây dựng NTM của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020 là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân.

                 Ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa

Khởi sắc diện mạo nông nghiệp, nông thôn

Đến hết tháng 8/2017, tỉnh Khánh Hòa có 28/94 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 29,8% tổng số xã trên địa bàn; còn lại 6 xã đạt 15-18 tiêu chí; 23 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 36 xã đạt 5 – 9 tiêu chí và chỉ 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn tỉnh là 12 tiêu chí/xã.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, diện mạo nông nghiệp – nông thôn Khánh Hòa đã có những đổi thay tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích sản xuất đã được chuyển đổi từ sản xuất các loại cây có giá trị thấp sang các loại cây có giá trị cao; phát huy thế mạnh của từng vùng miền như: mía tím, các loại cây ăn quả ở Khánh Sơn; bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh; xoài ở Cam Lâm; tỏi ở Vạn Ninh, Ninh Hòa… Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng từ nông hộ chuyển sang trang trại, doanh nghiệp có đầu tư tổng đàn lớn, đầu tư trang thiết bị công nghệ cao; chăn nuôi theo hướng VietGAP với các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao như đà điểu, cá sấu….Dịch vụ nông nghiệp cũng phát triển mạnh theo lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi như: dịch vụ cung ứng phân bón, giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật…

Sản xuất phát triển, thu nhập người nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng KT – XH phát triển; nhiều công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế, điện, trường học, chợ…được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Tấn Bản cho biết từ khi Chương trình NTM được tập trung triển khai, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, các thiết chế văn hóa cơ sở như chùa, đình, làng…cũng được người dân tôn tạo lại, góp phần khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa vùng miền, làm cho làng quê trở nên đáng sống và là nơi tìm về đầy ấm cúng của những người con xa quê. Về đến các xã bây giờ sẽ được nghe nhiều người dân, từ các cụ ông cụ bà đến các thanh niên mới lớn bàn nhau cách làm giàu từ phát triển sản xuất; lựa chọn giống cây, con có giá trị thương phẩm cao, sinh trưởng tốt, chịu được khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, cùng nhau thoát nghèo, từng bước làm giàu trên quê hương… “Chương trình NTM đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Khánh Hòa và góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân; giúp bà con càng thêm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước” – ông Bản nhấn mạnh.

                     Mô hình trồng bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh

Trợ lực

Trong xây dựng NTM, vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững được tỉnh Khánh Hòa đặt lên hàng đầu bởi theo chia sẻ của ông Bản: “Có thu nhập cao thì người dân mới tin vào lợi ích Chương trình mang lại, mới nỗ lực hết sức mình trong xây dựng NTM”. Chính vì vậy thời gian qua Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đến nay nhiều mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả như: sản xuất rau an toàn ở xã Ninh Đông, Tx.Ninh Hòa và xã Vĩnh Phương, Tp.Nha Trang; sản xuất bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh; phát triển các mô hình sản xuất tổ hợp tác liên doanh như trồng cà tím, nấm rơm tại xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh….

Giai đoạn 2016 – 2020, cùng với Trung ương, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân bằng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cụ thể, với quy mô hỗ trợ sản xuất lớn, đầu tư công nghệ cao, sản xuất theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Theo đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 quy định thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 – 2020; trong đó UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho các hoạt động sản xuất tập trung với quy mô lớn bao gồm: chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP; hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; xây mới, cải tạo cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất diêm nghiệp; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống…

Năm 2017, tỉnh cân đối 20 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và đến hết tháng 8/2017 đã có quyết định hỗ trợ 14,023 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bền vững, chăn nuôi tập trung. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trung tâm khuyến nông, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao…hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo nghề, hướng dẫn thành lập HTX, chuyển giao công nghệ và các mô hình hiệu quả  nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. “2017 là năm đầu tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung nên còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ  như: vấn đề hỗ trợ lãi suất ngân hàng, cơ chế thanh quyết toán…Tuy nhiên về lâu dài, chính sách này sẽ thúc đẩy sản xuất và từng bước nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Khánh Hòa có 80% (75/94 xã) đạt tiêu chí thu nhập 41 triệu đồng/người/năm” – ông Bản cho hay.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 này sẽ có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 37/94 xã (đạt 39,36% số xã), hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT – XH năm 2017.

Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 58/94 xã (61,7% số xã) đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí; Tp.Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

 

                                                                               Công Luận