VHDN – Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo (1972-2022), Tạp chí DĐDN/Kỳ Văn hoá Doanh nhân có cuộc phỏng vấn với Ông Dietmar Schwank, Tham tán thương mại Áo tại Việt Nam, Lê Phương thực hiện.
Đâu là những cột mốc đáng nhớ trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Áo trong 50 qua?
Mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Áo và Việt Nam bắt đầu vào những năm 1990, trước giai đoạn này, hợp tác thương mại quốc tế trước đó là rất khiêm tốn. Dự án đầu tư đầu tiên của Áo trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam cũng bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi Biomin – nhà sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi – thành lập nhà máy đầu tiên tại Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, câu chuyện thành công thật sự trong các hoạt động kinh tế song phương giữa hai nước diễn ra trong vòng 20 năm trở lại đây. Vào năm 2000, xuất khẩu của Việt Nam vào Áo chỉ dừng lại ở con số 79 triệu Euro và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may và cà phê. Năm 2021, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt con số 1 tỷ Euro, trong đó lĩnh vực điện tử đóng góp một tỷ trọng rất lớn . Một tín hiệu lạc quan khác, dù ở mức độ thấp hơn, nằm ở hoạt động nhập khẩu từ Áo vào Việt Nam, trong đó bao gồm các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao, các sản phẩm phục vụ hạ tầng và sản phẩm y tế. Cột mốc lớn trong mối quan hệ song phương giữa hai nước được ghi nhận thông qua các phái đoàn kinh tế dẫn đầu bởi người đứng đầu nhà nước / chính phủ của hai nước kể từ những năm 2010. Cột mốc lớn nhất gần đây là việc khai trương Phòng Thương mại của Đại sứ quán Áo tại Tp.Hồ Chí Minh nơi tôi vinh dự phụ trách từ năm 2019 cho đến nay.
Với vai trò là tham tán thương mại Áo tại Việt Nam, ông đã có những nỗ lực như thế nào để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Áo?
Chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp hai nước để xác định và thúc đẩy các cơ hội hợp tác song phương. Thúc đẩy các tiếp cận thực tiễn, không chỉ ở cấp độ chính phủ mà còn trực tiếp với các ngành kinh tế tư nhân. Chúng tôi vận hành nhiều công cụ khác nhau từ ngoại giao kinh tế đến hỗ trợ kinh doanh cũng như hỗ trợ xử lý các tình huống. Một lĩnh vực chính mà tôi đang quan tâm là hợp tác tài chính giữa Áo và Việt Nam. Áo là quốc gia tài trợ cho Việt Nam trong nhiều năm qua, điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác. Đối với các tỉnh của Việt Nam, mục tiêu của tôi là xác định và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác đặc biệt, chẳng hạn như giải quyết các vấn đề về nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay phát triển hạ tầng du lịch tại các tỉnh thành ven biển. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại khác nhau từ các phái đoàn doanh nghiệp Áo sang Việt Nam, tới các đoàn tham gia triển lãm, hội thảo chuyên đề cũng như giao lưu giữa mạng lưới doanh nhân nhằm thúc đẩy các kết nối kinh doanh.
Về phương diện đầu tư, hiện đầu tư của Áo tại Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, theo ông, đâu là lý do dẫn đến việc này? Theo ông, môi trường đầu tư tại Việt Nam có đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp Áo hay không?
Hiện đầu tư của Áo tại Việt Nam đạt khoảng vài trăm triệu Euro. Số liệu thống kê có thể hiển thị con số ít hơn bởi nhiều tập đoàn Áo không đầu từ trực tiếp vào Việt Nam mà thông qua nước thứ 3 chẳng hạn như Singapore. Hiện có khoảng 50 công ty Áo đã đầu tư vào Việt Nam với khoảng 15 nhà máy sản xuất. Môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong nhiều ngành khác nhau bởi chi phí thấp và nguồn lao động có kỹ năng. Thêm vào đó phải kể đến các chính sách đầu tư tự do cùng lợi thế của Việt Nam bắt nguồn từ mạng lưới các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, việc tái định hướng các chuỗi giá trị cũng đóng một vai trò nhất định. Mặt khác, phải thừa nhận rằng Việt Nam ít khi là lựa chọn duy nhất của các nhà đầu tư. Hiện đang có một sự cạnh tranh, đặc biệt là giữa các thành viên ASEAN trong việc thu hút đầu tư từ châu Âu và Áo. Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa nhằm cung cấp các dịch vụ một cửa và nâng cao sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư.
Theo ông, đâu là lĩnh vực mà hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới?
Nói đến quan hệ hợp tác với các cơ quan, chính quyền địa phương cũng như xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp, hiện chúng tôi đang tập trung vào các công nghệ xanh, công nghệ cho thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng và sản phẩm công nghiệp. Đây là các lĩnh vực mà Áo có thế mạnh và có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển của Việt Nam, chẳng hạn như giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu, xây dựng thành phố đáng sống, nâng cấp chuỗi giá trị công nghiệp hay thậm chí chuỗi giá trị nông nghiệp. Áo sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các kỹ năng cần thiết. Hợp tác về du lịch và hạ tầng du lịch bền vững hay giáo dục cũng sẽ là các lĩnh vực hợp tác then chốt trong thời gian tới.
Ông kỳ vọng gì về mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong tương lai?
Thương mại song phương giữa Áo và Việt Nam hiện tại đạt khoảng 1,4 tỷ Euro. Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các sản phẩm của Áo vào Việt Nam cũng như sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Áo. Đây là nền tảng quan trọng. Tôi hy vọng nhiều lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ giúp giảm các rào cản thương mại. Một ví dụ cụ thể là hiệp định này sẽ giúp người tiêu dùng của mỗi quốc gia dễ dàng tiếp cận hàng tiêu dùng của nước khác. Cùng với thu nhập ngày càng tăng tại Việt Nam, có rất nhiều dư địa để hàng tiêu dùng Áo thâm nhập thị trường Việt Nam. Đầu tư cũng là một lĩnh vực sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong vài tháng hoặc vài năm tới giữa hai nước. Ngoài các doanh nghiệp FDI của Áo tại Việt Nam, tôi cho rằng đã đến lúc các nhà đầu tư Việt Nam chuyển hướng sang đầu tư tại Áo.
Duy Khang