VHDN – Năm học 2023-2024, lần đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo chứng kiến “sự kiện” hơn 100.000 thí sinh đỗ đại học nhưng không nhập học mà chuyển sang học cao đẳng, học nghề hay đi xuất khẩu lao động. Trước vấn đề nóng của ngành giáo dục và đào tạo, chúng tôi có cuộc đối thoại cùng Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC) xung quanh “sự kiện” này.
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc ký kết hợp tác tại lễ khai giảng năm học mới 2023-2024
PV: Đầu năm học này, những người làm báo chúng tôi đón nhận 2 tin “thời sự” liên quan đến giáo dục và đào tạo. Đó là, hơn 100.000 thí sinh đỗ đại học nhưng không đăng ký nhập học. Và, nhiều hãng sản xuất lớn của Mỹ vào Việt Nam đầu tư nhưng lại thiếu lao động có tay nghề theo chuẩn “tây”. Thầy Hiệu trưởng đón nhận hai thông tin này như thế nào?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Không phải bây giờ, mà nhiều năm nay, ý thức hướng nghiệp, chọn nghề của học sinh đã có sự thay đổi. Học sinh lớp 12 không còn sống chết với “ông cử” nữa, còn bậc trung học cơ sở cũng chuyển hướng sang học nghề. Hơn 100.000 đỗ đại học không làm thủ tục nhập học trong năm học 2023-2024 là “đỉnh” của sự thay đổi đó. Trường BKC chúng tôi đón nhận bằng thông tin này một cách tích cực, năm học mới trường đón hơn 1.300 sinh viên đăng ký nhập học, một con số kỷ lục. Nhưng đối với nhà trường, đây không phải là điều bất ngờ, vì chúng tôi đã nắm bắt và tự thay đổi từ trước.
PV: Như vậy, thông tin hơn 100.000 thí sinh đỗ đại học không làm thủ tục nhập học thực sự chỉ gây “sốc” với phụ huynh và những người ngoài ngành giáo dục và đào tạo?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Đúng! Ban Giám hiệu Trường BKC đã nhận định đúng và trở bộ kịp thời. Công tác giáo dục, dạy nghề bây giờ không chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà trường mà cán bộ nhà trường phải vào nhà máy, đi ra đường và xuất ngoại để nắm bắt xu thế sử dụng lao động, tính toán đầu vào, đầu ra cho phù hợp. Điều dễ thấy, hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia đội quân áo xanh chạy Grab để mưu sinh thay vì làm việc trong công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất theo đúng ngành nghề đã học. Trong khi đó, nhà đầu tư đỏ mắt đi tìm lao động đạt chuẩn “tây”. Nhiều năm qua, trường BKC không ngồi chờ học sinh, sinh viên tìm đến mà chủ động vào cuộc và tự thay đổi để mình để theo kịp sự biến chuyển xã hội. Nhà trường trở thành một mắt xích trong chuỗi thị trường lao động mang tính toàn cầu hiện nay.
PV: Vậy, trường BKC đã dự liệu và đi trước một bước?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Trường BKC tiền thân là Trung tâm Đào tạo lập trình viên Quốc tế Bách Khoa – APTECH. Trường BKC thành lập theo Quyết định số 668/QĐ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường BKC đã có trên 20 năm phát triển, trưởng thành. Đón đầu xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0, trường BKC đã chuyển lên bậc cao đẳng từ 4 năm nay. Hiện nay, trường BKC có quy mô đào tạo 5 khối ngành với 22 ngành nghề, gồm các khối kinh tế, du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật, ngôn ngữ. Hình thức đào tạo cũng linh hoạt với hệ cao đẳng chính quy, thời gian học là 2,5 năm và hệ cao đẳng 9+, thời gian học là 4 năm, dành cho học sinh trung học cơ sở. Đầu vào của trường không chỉ học sinh tốt nghiệp lớp 12 mà có cả học sinh trung học cơ sở. Trong năm học này, nhiều học sinh đỗ đại học nhưng lại chọn trường BKC để học hành, trang bị kiến thức, lập thân lập nghiệp.
PV: Nhờ sự nhạy bén, nắm bắt đầu ra, nhà trường tự tin với sự nghiệp trồng người của mình?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Thị trường lao động hiện nay không chỉ đòi hỏi sinh viên, học viên ra trường có chất lượng cao mà phải thích ứng với điều kiện cạnh tranh mang tính toàn cầu. Sinh viên, học viên ra trường phải cạnh tranh với lao động nước ngoài ở trong nước và đầu quân vào các nhà máy, công ty ở nước ngoài. Để có nguồn lao động đạt chuẩn “tây”, nhà trường đã liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada… để nâng cao sản phẩm đầu ra, phấn đấu đạt chuẩn quốc tế. Sự hợp tác, đưa sinh viên ra nước ngoài đào tạo không chỉ nâng cao tay nghề mà có môi trường tốt để rèn luyện tác phong công nghiệp và ý thức, tính kỷ luật cho sinh viên. Nhờ sự hợp tác này mà điểm yếu cố hữu của lực lượng sinh viên, đội ngũ lao động Việt Nam được khắc phục.
PV: Chúng ta đã nói nhiều về quy mô tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, quan hệ quốc tế, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn, đồng thời là nơi có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao số lượng nhiều, “chiếc máy cái”, có đáp ứng được yêu cầu thời cuộc?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Sản phẩm giáo dục và đào tạo của TP.Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cầu lao động cho địa phương mà cung cấp cho cả vùng và xuất ngoại cạnh tranh bên ngoài. Nhà trường hiện có 2 cơ sở với cơ sở 1 (số 34-34A Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 1, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) và cơ sở 2 quy mô rộng 20.000 m2 đang tiến hành xây dựng tại TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đạt về chất lượng, tiêu chuẩn hóa đội ngũ để đến năm 2025 toàn trường đạt 80% giảng viên có trình độ sau đại học trở lên. Ở mỗi khoa, mỗi ngành đào tạo phải có giảng viên có trình độ ở tầm chuyên gia, có khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phấn đấu đạt 4 tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc nhận 300 triệu đồng ủng hộ quỹ học bổng nhà trường từ Đại tướng Lê Hồng Anh
PV: Xin hỏi thầy Hiệu trưởng cho biết triết lý đào tạo, “kim chỉ nam” của trường BKC hiện nay là gì ?
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc: Trong ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, trường BKC vinh dự đón Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trung tướng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng đến dự, đánh trống khai giảng. Hiệu trưởng đã phát biểu với toàn thể sinh viên, học viên trường BKC, các em hãy “Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm và thành công”. Nhà trường cũng đã thực hiện cuộc khảo sát 50.000 sinh viên của trường BKC, cho kết quả 100% đã tin tưởng và lựa chọn khi vào học ở trường BKC. 95% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được nhà tuyển dụng chào đón; 20% sinh viên học tiếp lên hệ đại học và 10% sinh viên học tập, làm việc tại nước ngoài. Chúng tôi tin trường BKC đã đi đúng hướng.
Nguyễn Trung