VHDN – Một lần ghé thăm căn phòng nhỏ, được chiêm ngưỡng hơn 40 loại nhạc cụ chế tác từ dừa, hẳn không ai không khỏi thán phục trước sức sáng tạo độc đáo của một lão nghệ nhân đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Hơn hết đó là sự nặng tình với âm nhạc nói chung và đờn ca tài tử (ĐCTT) nói riêng. Mà một khi đã nặng tình thì sự sáng tạo sẽ không dừng lại…
Nghệ nhân Sơn Bá biểu diễn đàn nhị được chế tác từ dừa
Nghệ nhân Sơn Bá tên thật là Võ Văn Bá sinh năm 1942 tại ấp 4, xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Mọi người vẫn trìu mến gọi ông là Ba Bá hay nghệ danh Sơn Bá. Cái máu đờn ca đã thấm vào ông ngay từ những ngày còn nhỏ xíu theo chân bà đi xem hát bội. Mỗi lần như thế, cái tiếng đờn cò nghe sao buồn mà có sức cuốn hút đến lạ. Thế là cậu bé cứ nhất quyết theo học cho bằng được. Lại có người cậu đàn hay, hát giỏi nên Ba Bá cứ lang thang theo học nghề. Cuộc đời ông ngỡ cứ thế trôi đi với tiếng đờn, lời ca nhưng chàng trai trẻ đã sớm ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương. Sinh ra trên một vùng đất kiên trung, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi Sơn Bá rời Bến Tre lên Sài Gòn học ngành điện tử trường Kỹ thuật Lê Văn Khương và tích cực hoạt động trong ngành quân báo. Năm 1964, trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị địch bắt. Tháng 8-1965, ông trốn thóat, trở lại Bến Tre tham gia Đoàn Văn công Giải Phóng phục vụ khắp chiến trường miền Tây Nam bộ. Đây cũng là quãng thời gian tự học cũng như được nhiều người chỉ bảo thêm để sau đó ông gần như thông thạo hết các loại nhạc cụ.
Rất hóm hỉnh, nghệ nhân Sơn Bá bảo cũng vì cái tính ham thích văn nghệ mà sau này ông thích rong ruổi với những cuộc chơi. Ông đi khắp từ Bắc – Trung – Nam, lên cao nguyên rồi lại xuống đồng bằng. Hễ ở đâu có tiếng đờn là chân ông lại muốn đến. Những cuộc rong chơi là vô tận trong chếnh choáng hơi men, ngập tràn lời ca, tiếng đờn, nồng ấm tình bạn hữu tri giao. Nhưng rồi cũng phải đến lúc dừng chân thôi. Đó là khi ông thanh thản làm một lão nông vui thú vườn tược dưới nhữmg rặng dừa quê nhà. Nhưng lạ kỳ thay, chân thì dừng nhưng cái tính sáng tạo thì không chịu dừng lại. Và ý thích tự học đóng đờn để thỏa chí đam mê nhạc cụ là một cuộc chơi mới của ông. Tự mày mò nghiên cứu, ông đã đóng được đàn gáo, đàn cò, đàn kìm, đàn ghita từ các chất liệu như gỗ quao, thông, cẩm lai, ngô đồng… Rồi một hôm nhân dịp họp mặt với những người bạn trong Đoàn Văn công Giải Phóng năm xưa, chuyện hàn huyên vẫn mãi xoay quanh về cây dừa quê hương. Ông chợt nghĩ: Ừ nhỉ! Ở quê mình, cây dừa luôn được sử dụng để phục vụ hầu hết các nhu cầu thiết yếu như làm nhà cửa, giường tủ, ghế bàn. Chiến tranh bom đạn cũng dùng cây dừa đắp hầm tránh bom. Bây giờ thì làm kẹo dừa xuất khẩu, làm hàng thủ công mỹ nghệ… Thế mà chả thấy ai làm nhạc cụ từ vật liệu dừa cả. Một ý nghĩ đã đến với ông.
Nghệ nhân Sơn Bá biểu diễn đàn nhị được chế tác từ dừa
Cái xưởng chế tác nhỏ bé nằm nép mình dưới những tán dừa xanh mát từ mấy năm nay là nơi nghệ nhân Sơn Bá gửi gắm bao ý tưởng với niềm đam mê sáng tạo và một tình yêu sâu nặng với cây dừa quê hương. Là người con xứ dừa nên ông hiểu đặc tính của dừa lắm. Gỗ dừa vừa cứng, vừa dòn dễ vỡ, độ rung lại không tốt nên chắc làm đờn sẽ rất khó. Quả đúng thế thật, nhạc cụ đầu tiên ông làm từ dừa là cây đờn kìm có hình dáng rất đẹp nhưng tiếng kêu vừa dở lại vừa nhỏ. Nếu làm bằng vật liệu khác tiếng kêu có thể đạt 10, còn cây đờn này chỉ đạt 3. Không nản chí, ông mày mò thử thay mặt đờn bằng cây quao, chỉ giữ cần đờn và vỏ đờn bằng gỗ dừa thôi, thì cho kết quả như ý, âm thanh không chênh lệch mấy với chất liệu thông thường. Cứ thế ông từ từ cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Để khắc phục nhược điểm đàn dừa luôn có tông trầm ít vang, là một kỹ sư điện tử nên ông đã thử nghiệm lắp đặt thêm lò xo, âm ly, micro nhằm điều chỉnh các cung bậc âm thanh mang lại tiếng đờn chuẩn và hiệu quả nhất.
Theo nghệ nhân Sơn Bá, trong dàn nhạc cụ ĐCTT thì chế tác đờn tranh và ghita phím lõm là khó nhất bởi 2 nhạc cụ này có những chi tiết nhỏ, mỏng, đòi hỏi sự tỉ mẩn công phu cùng những bí quyết riêng. Ngược lại, chế tác đờn gáo thì đơn giản. Cứ thế theo thời gian, từ sự tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay ông không chỉ làm đờn từ gỗ dừa, gáo dừa mà qua bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của người nghệ nhân già, hầu như toàn bộ chất liệu từ cây dừa đều có thể trở thành nhạc cụ. Trong đó, việc chế tác bằng vỏ dừa là khó khăn nhất bởi tốn nhiều thời gian và công sức khi phải móc ruột, phơi khô rồi xử lý keo cho cứng lại. Còn phải canh độ dày mỏng của vỏ dừa cho phù hợp với nhạc cụ nữa. Tuy công đoạn làm có vất vả hơn nhưng đây lại là chất liệu bền và cũng không dễ bị nứt như thân dừa. Từ gỗ dừa, gáo dừa, mo nan đến vỏ dừa, nghệ nhân Sơn Bá đã thổi vào đó âm sắc độc đáo làm ngạc nhiên và thích thú cho bao người. Đặc biệt ông không chỉ chế tác nhạc cụ cho ĐCTT mà còn cho tất cả các lọai nhạc cụ Tây phương như mandolin, hạ uy di, ghita… Mỗi tác phẩm ấy là kết tinh của tính khoa học kỹ thuật chính xác, từ sự hiểu biết thông thạo các lọai nhạc cụ, một đôi tai thẩm âm đẳng cấp hòa quyện với tính lãng mạn bay bổng trong tâm hồn và đôi tay tài hoa.
Một phần bộ sưu tập nhạc cụ đờn ca tài tử được chế tác từ dừa của nghệ nhân Sơn Bá
Đã thành một thói quen, đêm nào cũng vậy cứ mỗi khi thanh vắng ông lại thả hồn theo từng bậc cung đàn. Ngồi trước hiên nhà, từng tiếng đờn tranh réo rắt, từng giọt đờn kìm nỉ non như vang xa lay động từng bóng dừa trước ngõ. Ông biết dừa đang lắng tai nghe âm sắc của chính mình. Và ông cũng biết chỉ những lúc như thế ông mới thật sự trả nợ ân tình với cây dừa quê hương. Bởi ông chính là người đã thổi âm sắc cho dừa từ chính việc chế tác thành công bộ sưu tập nhạc cụ.
Lý Xuân