Tin nổi bật

Tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam

7:54 chiều | 19/09/2023

VHDN – Các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh… đã được các chuyên gia đề cập trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023.

Các đại biểu thảo luận (Ảnh: QH)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023, tại phiên Hội thảo chuyên đề 1 “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, các đại biểu tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh…

6 trở ngại doanh nghiệp đang phải đối mặt

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19 và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này. Những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Nêu những trở ngại mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề cập đến 6 khó khăn, trong đó có những “khó khăn truyền thống”. Đó các vấn đề: Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Phân tích sâu hơn, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, chất lượng hạ tầng là thách thức lớn và lâu dài mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Loạt báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm, khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia cạnh tranh khá, dù ghi nhận những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu 6 trở ngại mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt (Ảnh: QH)

Ông cũng nêu một ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương ở miền Bắc, việc cắt điện luân phiên buộc phải diễn ra, thậm chí cắt điện ở các khu công nghiệp. Mất điện khiến máy móc, dây chuyền sản xuất không thể sử dụng, làm giảm năng lực sản xuất của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn hàng theo đúng tiến độ. Mất điện cũng khiến các chi phí sản xuất khác của doanh nghiệp gia tăng đột xuất như việc sắp xếp lại ca làm việc, điều chỉnh nhân sự trong những thời điểm không có điện. Điều này đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ông cũng phân tích khó khăn truyền thống khác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Cùng với đó, theo ông các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.

Theo ông, rào cản về chi phí kinh doanh cao này làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Ví dụ lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang bị Bangladesh vượt qua rất nhanh. Một trong những lý do vì hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công của họ thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác.

Các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên. Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm…

Làm gì để giúp doanh nghiệp vượt khó khăn?

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành  Hưng cho biết, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành  Hưng cho biết, giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; tăng chi để kích cầu nền kinh tế… Qua đó góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế. Kết quả là kinh tế của Việt Nam chúng ra vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.

Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Ông cho biết, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nền kinh tế thế giới suy giảm, nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng bị suy giảm. 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngoài chính sách vĩ mô, Bộ Công thương rất quan tâm đến các chính sách cụ thể, thiết thực.

Cụ thể, Bộ Công thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các thị trường lớn để tham mưu cho Chính phủ, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp để có những biện pháp đối phó phù hợp.

Bộ Công thương cũng tăng cường đổi mới về công tác xúc tiến thương mại. Đánh giá cao các đoàn công tác của lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngoài các công việc lớn hỗ trợ, mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Công thương đang tăng cường phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp để khai thác các thế mạnh, các điểm ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), EVFTA…

Theo ông, trong thời gian qua, Bộ đã đổi mới trong việc mời các nhà phân phối lớn nhất của thế giới đến Việt Nam. Ví dụ, từ ngày 13-15/9  vừa qua, Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì tổ chức Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, đã mời hơn 10 tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)…đến trực tiếp, gặp các doanh nghiệp Việt Nam. “Kết quả bước đầu hết sức khả quan, nhiều hợp đồng được ký kết” – Thứ trưởng cho biết.

Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 thu hút khoảng 450 đại biểu tham dự (Ảnh: QH)

Thứ trưởng cũng khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt dựa trên những kiến nghị của các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh kinh doanh nói chung, xuất khẩu nói riêng.

Trao đổi về giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ, GS.TS Tô Trung Thành –  Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo. Mặt khác ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng. Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về ngành nghề, do dư địa chính sách đang bị thu hẹp dần, do đó, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Kim Thanh