Tin nổi bật

Cố Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và dấu ấn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

2:17 sáng | 26/08/2024

Ông Vũ Tiến Lộc- nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đột ngột qua đời sáng 5/8/2024 ở tuổi 64. Suốt thời gian làm việc, ông Lộc đã có nhiều đóng góp với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

18 năm làm Chủ tịch VCCI, 3 năm làm Chủ tịch VIAC và là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, trong vai trò nào ông Vũ Tiến Lộc cũng nỗ lực đưa ra những kiến nghị vì sự phát triển doanh nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, nguyên chủ tịch VCCI, qua đời sáng 5-8

Kinh doanh bằng trái tim

Trong những nhiệm kỳ ông Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch VCCI, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vấn đề đạo đức kinh doanh đã được xới xáo, đưa ra thảo luận. Trả lời PLO dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2016, vị Chủ tịch VCCI nhắc lại câu hỏi của một chủ tịch tỉnh đặt ra với mình: “Liệu yêu cầu doanh nhân kinh doanh bằng trái tim có xa xỉ trong thời buổi hiện nay không?”.

“Tôi trả lời rằng không xa xỉ chút nào. Bởi nếu kinh doanh bằng trái tim thì đó mới là kinh doanh bền vững”. Lập luận của ông rất đơn giản: “Mục tiêu phải là phụng sự con người và xã hội không phải là khẩu hiệu sáo mòn, là thứ hàng xa xỉ, mà là chân lý thành công của doanh nhân! Tức doanh nhân nỗ lực làm giàu một cách văn minh, liêm chính với sức cạnh tranh cao”.

Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì không ai khác chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa, ông Lộc khẳng định. Theo ông, văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, là phần hồn của doanh nghiệp là giá trị cốt lõi là nền tảng của quản trị doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không phải chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ, theo kiểu “phú quý mới sinh lễ nghĩa”.

Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa doanh nghiệp mạnh. Chính văn hóa doanh nghiệp là hồn cốt cho sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi văn hóa doanh nghiệp không thể vay mượn hay sao chép.

Ông cũng khẳng định, thiếu cái neo văn hóa thì với sự phát triển của công nghệ có thể dẫn đến một thảm họa của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 còn khác so với các thời kỳ trước đây, bởi việc tạo dựng giá trị niềm tin chung trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường có sự đa dạng giữa các chủ thể, và không chỉ giữa con người với con người, mà còn giữa con người với robot. Văn hóa có thể bao dung, dung hòa phát huy được sức mạnh con người và robot, văn hóa là nền tảng vô cùng quan trọng.

Trong CMCN 4.0 thế giới nhỏ lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên. Hội nhập hiện là việc doanh nghiệp lớn, nhưng với sự trợ giúp của internet, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thì mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa siêu nhỏ có thể tiếp cận với thị trường thế giới. Cho nên trong bối cảnh hiện nay quy mô không quyết định lợi thế cạnh tranh, mà vấn đề quan trọng nhất là tốc độ, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Đóng góp của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc

Tổ chức ông Lộc gắn bó lâu nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2003 – 2021.

Giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, VCCI đã triển khai thành công những hoạt động có tác động lớn tới sự phát triển doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ông đã trực tiếp chủ trì và chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và chương trình khởi nghiệp quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, chỉ đạo xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức của giới chủ ở Việt Nam.

Ông đã chỉ đạo nghiên cứu và công bố xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (chỉ số PCI) tạo động lực cho quá trình cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế tại các địa phương và Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) để định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông là kiến trúc sư xây dựng cơ chế đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ ở Việt Nam.

Ông cũng thường xuyên trực tiếp chủ trì nhiều diễn đàn, đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn kinh doanh lớn ở Việt Nam và ở nước ngoài có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và các CEO hàng đầu. Ông là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) năm 2006, 2017. Ông là người thường xuyên cổ vũ cho tinh thần kinh doanh và xây dựng hình ảnh người doanh nhân có trách nhiệm xã hội.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn ở tầm quốc gia, góp phần đưa nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế. Ông là người sáng lập và điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh hàng năm của Việt Nam (VBS).

Phát biểu tại nghị trường kỳ họp Quốc hội tháng 11/2023, ngày 1/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế của Việt Nam vẫn nhiều điểm sáng, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, bất chấp sức ép từ bên ngoài đang gia tăng. Ngoài ra, khu công nghiệp cũng dường như đảo ngược được xu hướng suy giảm hồi đầu năm và đang từng bước được phục hồi. Tốc độ sụt giảm của xuất khẩu cũng đang chậm dần. Đầu tư nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực… Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc hy vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.

TS. Vũ Tiến Lộc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội năm 2019

Để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu khẳng định, điều bạn quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”. Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này.

Quá trình công tác của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc

– Tháng 11/1982 – 1/1984: Ông Vũ Tiến Lộc là cán bộ nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư ).

– Tháng 2/1984 – 2/1986: Bộ đội, Ban tác chiến Trung đoàn Pháo phản lực 204, Binh chủng Pháo binh.

– Tháng 3/1986 – 3/1993: Chuyên viên, Phó Vụ trưởng (từ 11/1991), Bí thư Chi bộ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

– Tháng 4/1993 – 4/2003: Đảng ủy viên, Vụ Trưởng – Chánh Văn phòng, Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (đến 4/2001); Chủ nhiệm Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tổng biên tập báo “Diễn đàn doanh nghiệp”, Tổng biên tập Tạp chí Tiếng Anh “Việt Nam Business Forum”; Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VCCI (từ 5/2001); Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.

– Tháng 4/2003 – 5/2016: Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XI,XII, XIII; Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa XI; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, XIII; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI, VII, VIII; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VN PECC); Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN.

– Năm 2016 -9/2021: Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI; Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững về Nâng cao năng lực cạnh tranh; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Châu Á-Thái Bình Dương của Việt Nam (ABAC); Thành viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Thế giới (WCF).

– Tháng 7/2021 -nay: Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

– Tháng 9/2021 – nay: Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

VHDN