Tin nổi bật

Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông: Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của thế giới

10:11 sáng | 17/12/2024

VHDN – Thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của thế giới trong tương lai. Đó là khẳng định của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại diễn đàn.

Trên cơ sở Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; nhằm kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBND 4 tỉnh, Thành phố; ngày 12/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết và thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”.

Diễn đàn “KCN trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” tổ chức tại Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực.

Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên VEHEC vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao với thành phố Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Hải Dương (9,31%), và Hưng Yên (8,07%), vượt xa mức 6,82% của cả nước.

Năm 2023, Hải Phòng đã thu hút khoảng 3,5 tỷ USD vốn FDI, và Quảng Ninh đã thu hút hơn 3,1 tỷ USD FDI, đưa hai tỉnh này trở thành những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2023. Bên cạnh đó tính đến tháng 09/2024, tỷ lệ thu hút FDI của 4 địa phương đều đang ở mức ấn tượng với lần lượt là Hải Phòng (1,7 tỷ USD), Quảng Ninh (1,7 tỷ USD), Hải Dương (353,8 triệu USD), và Hưng Yên (561,9 triệu USD).

Theo thống kê, hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000 doanh nghiệp, chiếm 5,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Chủ tịch VCCI khẳng định khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp tiên tiến, mạng lưới logistics hiện đại, và quản lý tài nguyên bền vững nhằm tạo nên một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh toàn cầu.

Tương tự, Quyết định 368-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ nét về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường cho vùng Đồng bằng sông Hồng, với trọng tâm xây dựng các cực tăng trưởng mạnh, củng cố hệ thống đô thị và khu công nghiệp, và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua áp dụng công nghệ cao, quản lý tài nguyên hiệu quả, và bảo vệ môi trường.

“Khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược này, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển logistics xanh và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI nhận định, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam là “mắt xích” sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Theo đó, sản xuất thông minh đang trở thành xu hướng mới của nền công nghiệp 4.0. Từ hai năm trước Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn hai phần ba nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn.

Đến nay, ở Việt Nam đã có nhiều dự án sản xuất thông minh của châu Âu, các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc. Các nhà đầu tư tiềm năng trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn đang xem xét đầu tư để đón đầu cơ hội hợp tác với các “đại bàng” công nghệ nguồn như NIVIDA của Mỹ, ASML của Hà Lan, Amkor, Seojin của Hàn Quốc… Rồi các tập đoàn sản xuất bán dẫn của Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

“Trở lại với tiểu vùng kinh tế của chúng ta, VEHEC dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với các dự án lớn từ Samsung, LG, Foxconn, và các tập đoàn đa quốc gia khác. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch và thuận lợi, đặc biệt nhờ vào các chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Thông qua Diễn đàn, Chủ tịch VCCI kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai.

“Tôi cũng mong muốn Diễn đàn sẽ tăng thêm sự khuyến khích sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vào thị trường Việt Nam, nhằm vừa nắm bắt, vừa tạo ra cơ hội mới trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và đạt được kết quả cùng có lợi”, ông Phạm Tấn Công kỳ vọng.

Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, tại Diễn đàn này, lần đầu tiên VCCI sẽ công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo này cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC; mà trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.

“Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin dành cho các bên liên quan—bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương—muốn hiểu rõ hơn về các động lực kinh tế, thách thức và cơ hội của khu vực VEHEC”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

“Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, Báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao. Các phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo nhằm củng cố vị thế 4 địa phương trong VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đánh giá cao các bên liên quan chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn KCN Trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với mục tiêu tạo nên kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức Diễn đàn hôm nay.

Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng các doanh nghiệp tới Diễn đàn này sẽ tìm kiếm được các đối tác phù hợp để cùng nhau tạo ra một mạng lưới sản xuất tại chỗ cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh nội vùng, đa vùng và cao hơn là toàn cầu.

Đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: Hoạt động hợp tác VEHEC đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút được nguồn lực đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của 4 tỉnh, thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là một trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp.

Với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, những mô hình truyền thống không còn đáp ứng được và cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang phát triển hệ sinh thái liên kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước xu hướng mới và những yêu cầu mới được đặt ra, ông Phạm Đức Ấn cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng chí kỳ vọng, diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” sẽ cụ thể hóa thỏa thuận kết nối giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã ký kết và nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ sự phát triển, các xu hướng mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường đề xuất một số nội dung hợp tác

Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cho biết: Hải Phòng đang là một trong những địa phương có chất lượng thu hút đầu tư rất cao cả nước ngoài và trong nước, chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp đều được quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; chủ đầu tư các khu công nghiệp đều là những đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm, có uy tín quốc tế, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C (của Bỉ), Tập đoàn Kinh Bắc (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ), Tập đoàn Xuân Cầu, VSIP (của Singapore), Tập đoàn Sao Đỏ (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ)…Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha vào khoảng 13 triệu đô la Mỹ, gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu đô la Mỹ/ha bình quân của cả nước.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng bổ trợ như hệ thống cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa cũng đang được Hải Phòng quan tâm và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự kiến trong năm 2025, sẽ đưa vào khai thác, vận hành thương mại các bến cảng số 3, 4, 5, 6 Lạch Huyện để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã tập trung phát triển các dịch vụ hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư như bệnh viện quốc tế, nhà ở xã hội, trường học, sân gôn,… Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000 ha sẽ tạo động lực, niềm cảm hứng cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đến với Hải Phòng, góp phần mở rộng không gian kinh tế của thành phố theo hướng phát triển kinh tế xanh, sinh thái và hiện đại, bám sát xu hướng quốc tế và mục tiêu giảm phát thải nhà kính – Net zero.

Do vậy, nhằm phát huy những lợi thế của các địa phương, để khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía Đông có thể đi trước đón đầu dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra 4 đề xuất, bao gồm cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ logistics.

Cùng với đó, ông Cường cho rằng, việc thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới, sáng tạo trong khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía Đông sẽ nâng cao năng lực hấp thụ vốn và khả năng tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy phát biểu tại diễn đàn

Đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Sau 2 năm ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế VEHEC, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, tỉnh đã thu hút trên 2,3 nghìn dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD; quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung với diện tích 12 nghìn héc–ta… Công tác giải phóng mặt bằng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Để thúc đẩy cung ứng chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị một số nội dung: Thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng mức, đồng bộ, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương trong VEHEC, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa trong khu vực và thế giới. Nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ có chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư thực hiện dự án công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao; phân cấp cho địa phương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình cấp I…

Theo ông Huy, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng (GRDP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, trong đó: công nghiệp, xây dựng chiếm 62,65%; dịch vụ chiếm 24,85%. Thu ngân sách đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 35.814 tỷ đồng, đạt 122,9% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Hưng Yên hiện nay đang dành được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện nay trên địa tỉnh đã có trên 2.330 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD, trong đó có gần 600 dự án FDI với số vốn đăng ký 7,68 tỷ USD.

Cũng theo ông Huy, Hưng Yên còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế cho việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tỉnh đã quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung, với diện tích trên 12.000 ha. Giai đoạn đến năm 2030, quy hoạch phát triển mới 30 KCN, với tổng diện tích: 9.500 ha…

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại diễn đàn: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh.

Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, với lợi thế nằm giữa Hải Phòng, Quảng Ninh và Hưng Yên – ba trung tâm kinh tế công nghiệp và logistics trọng điểm, Hải Dương không chỉ là cầu nối về mặt địa lý mà còn là điểm tựa để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại. Hạ tầng KCN Hải Dương đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các tỉnh thành thuộc trục kinh tế phía Đông.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các KCN như Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Bình Giang đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI và DDI triển khai sản xuất, mở rộng thị trường và tăng cường liên kết vùng. Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, từ các tuyến cao tốc kết nối với Hải Phòng, Hà Nội đến các tuyến nội tỉnh, là chìa khóa để Hải Dương tối ưu hóa hiệu quả của các khu công nghiệp, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng và giảm chi phí vận chuyển. Chính điều này đang tác động lớn đến dòng vốn đầu tư đến kinh tế địa phương.

Sự phát triển của các KCN tại Hải Dương không chỉ mang lại những con số ấn tượng về vốn đầu tư FDI và DDI mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Từ đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút gần 865 triệu USD vốn đầu tư, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập người dân. Đặc biệt, các dự án FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đưa công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật hiện đại vào quy trình vận hành, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần xây dựng mạng lưới vệ tinh công nghiệp, từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện đến dịch vụ hậu cần, qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của toàn bộ chuỗi giá trị.