VHDN-Đó là chủ đề buổi toạ đàm“Bệnh rối loạn nhịp tim: Hiểu đúng – phòng ngừa & điều trị hiệu quả” do báo VnExpress phối hợp với Medtronic Việt Nam thực hiện ngày 6/12
Tại buổi toạ đàm, TS.BS. Phạm Trần Linh – Phó Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam và BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng – Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đem đến các thông tin hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, giúp mọi người chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh (trên 100 lần/phút) hoặc quá chậm (dưới 60 lần/phút) hoặc không đều. Những triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn nhịp tim bao gồm: đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, choáng, ngất…
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân không biết là mình mắc bệnh cho đến khi đi khám sức khỏe và phát hiện ra thông qua việc đo điện tâm đồ. Rối loạn nhịp tim nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như suy tim, ngừng tim, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, hoặc đột quỵ, đột tử.
Tại buổi tọa, các chuyên gia cho biết hiện nay có nhiều thiết bị có thể hỗ trợ phát hiện sớm bệnh, như máy đo huyết áp điện tử, đồng hồ điện tử tích hợp các phần mềm theo dõi nhịp tim, máy đo điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ 24 giờ… Và với những tiến bộ của công nghệ y học hiện đại trong điều trị rối loạn nhip tim như kỹ thuật cấy ghép dưới da, ít xâm lấn bằng máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim… giúp khôi chức năng tim, bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của rối loạn nhịp tim bao gồm cả yếu tố bên ngoài và bên trong. Những thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn nhiều chất béo, hoặc stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác là di truyền và bệnh lý nền như tang huyết áp, tiểu đường, mạch máu bị tắc nghẽn, xơ vữa làm cho tế bào tim không được cấp máu một cách đầy đủ.
Duy Khang