Artemia Vĩnh Châu (Bạc Liêu) là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Để phát huy giá trị cho sản phẩm Artemia rất cần thiết phải có sự đánh giá sản phẩm, tính khả thi của việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Qua đó tạo điều kiện mở rộng sản xuất giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển KT-XH của địa phương.
Chủ tịch HTX nhận giải thưởng Doanh nhân Nhân Văn hoá
HTX Artemia Vĩnh Châu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu đi vào hoạt động từ năm 2003, ban đầu với 14 xã viên và vốn điều lệ 140 triệu và cho đến nay, HTX đã có vốn hoạt động hơn 4 tỷ đồng. HTX đã chủ động liên kết với năm HTX trong khu vực, đầu tư vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho hơn 500 hộ xã viên, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Artemia là loài giáp xác sống trong điều kiện nước có độ mặn cao từ 60 đến 120%. Đây là đối tượng thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho các loài giống thủy sản, du nhập vào Việt Nam năm 1986 được thuần hóa và đưa vào sản xuất thương mại năm 1990. Trứng artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy đặc sản mà hiện chưa có sản phẩm thay thế.
Theo ông Cao Thành Văn – Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Artemia Vĩnh Châu- Bạc Liêu: “Vùng ven biển hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu được đánh giá là nơi duy nhất sản xuất ra sản phẩm Artemia chất lượng vượt trội trên thế giới, nhất là hàm lượng dinh dưỡng. Nuôi Artemia có vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, lợi nhuận ổn định; mô hình này rất phù hợp cho người dân thiếu vốn sản xuất, giải quyết nguồn lao động có trình độ thấp tại địa phương. Đây cũng là đối tượng có tiềm năng xuất khẩu có thể lên đến hàng triệu USD/năm. Nếu được quy hoạch đồng bộ, nuôi Artemia sẽ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm thịt gây ra, vì thức ăn chính của Artemia là mùn bã hữu cơ, tảo đơn bào; đặt biệt, nuôi Artemia không xả thải ra môi trường, làm sạch ao…”
Hiện nay, HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu là HTX duy nhất xuất khẩu trứng Artemia của tỉnh Bạc Liêu. Với hình thức hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, hoạt động của HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa canh, đồng thời xây dựng cho các xã viên cung cách làm ăn mới, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại địa phương.
Trao đổi với Tạp chí Văn hóa doanh nhân, Ông Cao Thành Văn cho biết, do tập trung làm tốt công tác tổ chức sản xuất, năng suất và hiệu quả hoạt động của HTX Artemia Vĩnh Châu không ngừng phát triển. Với tổng diện tích sản xuất trên 400 ha và áp dụng hình thức hợp tác là hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư một phần vốn sản xuất ban đầu bằng con giống, phân bón và một phần tiền mặt, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Nếu như trước đây, năng suất bình quân 40 – 50kg/ha, thì đến nay đạt 80 – 100kg/ha và có triển vọng đạt 130 kg/ha trong thời gian tới. Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm “Trứng Artemia 7 viên kim cương” của HTX Artemia Vĩnh Châu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2004, đạt nhiều giải thưởng chất lượng trong nước và đến nay đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp với kim ngạch 400.000 – 500.000 USD/năm, nâng doanh thu bán hàng từ vài tỷ đồng trước đây lên trên 20 tỷ đồng. Với những lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch, mở rộng diện tích nuôi artemia lên 500 ha vào năm 2020, tập trung ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải…
Nuôi Artemia là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định với đầu ra mạnh cả trong nước và xuất khẩu. Nhân dân Vĩnh Trạch Đông cùng với Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu, HTX Artemia đầu tiên, mang tên sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu góp phần tăng thu nhập cho người dân, đưa sản phẩm chất lượng cao của Bạc Liêu vươn xa hơn trên bản đồ thế giới./
Dương Yến