Tin nổi bật

FDI vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư

3:49 chiều | 21/01/2025

VHDN – Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam thu hút được trên 31,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng thời điểm năm 2023. Theo nhận định từ các chuyên gia, dự báo năm 2025, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới, trong đó xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ngày 5/12/2024.

 FDI nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

 Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 11/2024, Việt Nam có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Đặc biệt, khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD (chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách) và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD (tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước), bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động tại thị trường Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9 năm 2024, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân đạt khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các dự án FDI tại Việt Nam trong khoảng thời gian này, có 11 dự án lớn với số vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những khu vực kinh tế FDI không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, mà còn tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại; là trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế, động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao 

Chính phủ Việt Nam ký thành công thoả thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) của tập đoàn này tại nước ta.

Ngày 5/12/2024 vừa qua, Chính phủ Việt Nam vừa ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) của tập đoàn này tại Việt Nam. Việc chọn nước ta là địa điểm thứ 3 mà tập đoàn này đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI, sau Hoa Kỳ – nơi NVIDIA đặt trụ sở tập đoàn và Đài Loan (Trung Quốc) – quê hương của ông Jensen Huang – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới, trong đó xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian gần đây, hoạt động FDI của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, tập đoàn lớn như Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất của mình vào Việt Nam. Đồng thời, “bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Posco… cũng đã và đang lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, theo ông Jeong Cheol-dong – Giám đốc điều hành LG Display: Tập đoàn này đã giải ngân đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Việt Nam và sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong kế hoạch này, Nhà máy LG Innotel dự kiến tăng gấp đôi công suất, qua đó hình thành tổ hợp sản xuất khép kín của LG tại Việt Nam.

Thông qua sự hợp tác của các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực này, các chuyên gia đánh giá rằng trong những năm sắp tới, Việt Nam sẽ có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.

Cần xây dựng bộ chỉ số FDI

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút vào 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng năm 2024.

Sự đóng góp của khu vực FDI đã tạo ra những nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam trong nhiều năm. Khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác. 

Tuy nhiên, ngoài những điểm sáng kể trên, thì theo khảo sát gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia xuất xứ.

Theo các chuyên gia, nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Bệnh cạnh đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế.

Do đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi các chiến lược và chính sách hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.

Vậy nên, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài nhà đầu tư lớn. 

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu./.

                    Thành Vinh