Tin nổi bật

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh: Người kể nỗi niềm riêng Gen Z

6:36 chiều | 22/01/2025

VHDN– Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh hiện đang là giảng viên tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì chị là người có sở thích viết lách. Mới đây nhất, Tiến Nguyễn Thị Quốc Minh vừa cho ra mắtcuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z”.

Những nỗi niềm riêng Gen Z

Đây là một bất ngờ nho nhỏ mà TS Nguyễn Thị Minh Quốc dành cho những học trò và những người bạn, người thân yêu của mình.

Tâm sự về cuốn sách này, TS Minh cho biết: “Trà sữa cùng Gen Z” đặc biệt dành cho những bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ về mọi thứ nhưng cũng dễ đối mặt với những khủng hoảng về tinh thần.

Cụ thể, nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra rằng tỉ lệ rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm đang ngày càng gia tăng ở thế hệ Gen Z. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khoẻ tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt, đây là con số thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó.

Bìa sách “Trà sữa cùng Gen Z” của TS Nguyễn Thị Quốc Minh

Cũng theo TS Minh, thế hệ Gen Z có nhiều áp lực, trong đó có những áp lực và gánh nặng vô hình rất đặc trưng đến từ chính đặc điểm thời đại của các bạn.  Chính vì vậy, những nỗi niềm của các cô cậu gen Z cũng rất riêng.

“Là người có cái may mắn được tiếp xúc nhiều với các bạn Gen Z qua công việc nên mình hiểu được những điều đó và “Trà sữa cùng Gen Z” ra đời như những lời tâm sự, động viên và sẻ chia kinh nghiệm của người đi trước, của người đồng hành một quãng đường cùng các bạn một cách  nhẹ nhàng, tình cảm, đôi khi pha chút hài hước”, TS Minh nói.

Hơn thế, cuốn sách còn như một tuyển tập về cách “xử lí” những tình huống SOS, những vấn đề mà các bạn trẻ có thể gặp phải trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, chuyện học tập, việc làm đến những vấn đề như lí tưởng sống, ước mơ, hoài bão…

TS Nguyễn Thị Quốc Minh trong các buổi dạỵ học và trao đổi cùng học trò, học viên

Trong guồng quay công việc của một giảng viên đại học, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Thị Quốc Minh còn là một báo cáo viên chuyên nghiệp về kỹ năng sống nên chị khá bận rộn. Khi cuốn sách “Trà Sữa cùng Gen Z” ra đời, nhiều người thắc mắc “thế lực siêu nhiên nào đã giúp chị có thể giải quyết tốt nhiều việc cùng lúc như thế” – một cách hỏi, cách dùng từ rất Gen Z.

Đáp lại, TS Minh chia sẻ, chất xúc tác để giúp chị viết và xuất bản cuốn sách “Trà Sữa cùng Gen Z” trong bộn bề công việc chính là từ những bạn sinh viên, từ cuộc sống xung quanh và quan trọng nhất, do yêu cầu công việc đòi hỏi chị luôn phải tự làm mới mình. Từ trong suy nghĩ đến mọi hành động, quyết định mỗi ngày trong cuộc sống… Cuốn sách đã ra đời như thế!.

Ngắt wifi, tắt màn hình, ngắt kết nối, bề nổi của một tảng băng chìm liền hiện ra

TS Nguyễn Thị Quốc Minh cho biết, Gen Z thường được gắn với nhiều đặc điểm nổi trội như: Hiểu biết hơn về công nghệ, tư duy về tài chính tốt hơn thế hệ trước, dám sống phá cách, ưa mạo hiểm, giỏi nhiều kỹ năng khác nhau, cập nhật xu hướng tốt… Đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, thông tin và truyền thông đại chúng, những kỳ vọng đặt ra cho các bạn trẻ nói chung, thế hệ Gen Z nói riêng, các yêu cầu cao của sự hòa nhập, với lối sống chủ động, lạc quan.

Tuy vậy, chỉ cần ngắt wifi, tắt màn hình, ngừng kết nối… chúng ta mới nhận ra đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Nói cách khác, sự kỳ vọng lớn luôn đi kèm với áp lực và cô đơn.

Trao đổi chuyên môn, hợp tác và hướng dẫn là chuỗi công việc mà TS Minh đã hoàn thành mỗi ngày với một nguồn năng lượng tích cực tràn đầy.

Điều ngạc nhiên, nhiều bạn trẻ Gen Z ngại đối mặt, ngại giao tiếp và chọn bước vào thế giới ảo để bộc bạch bản thân. Đồng thời, một chiếc mặt nạ khá hoàn hảo được tạo ra để bảo vệ cho phần tâm tư yếu mềm, lạc lõng.

Tuy vậy, khi trở về với thế giới thực, Gen Z phải đối mặt với áp lực lớn hơn gấp trăm nghìn lần: Họ lo lắng khi phải bước ra khỏi vùng an toàn, hoang mang với việc phải gồng mình để học làm quen với môi trường mới của thế giới người lớn…

Trong khi vì khoảng cách và sự khác biệt về tuổi tác, vì yêu cầu của cuộc sống, thời gian dành cho con của các bậc cha mẹ ngày càng ít đi, những đứa trẻ phải tự giải quyết những vấn đề của mình với rất ít hoặc hầu như không có sự trợ giúp đến từ người lớn.

Sự cảm thông, chia sẻ tỉ lệ nghịch với sự kỳ vọng và so sánh với “con nhà người ta”… Và khi chỗ dựa tinh thần quenthuộc mất đi, cánh cửa phòng đóng lại, cánh cửa lòng cũng vì thế mà kiên cố hơn.

Vấn nạn mà các bạn trẻ Gen Z gặp phải là cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn trên mạng xã hội dẫu tài khoản có rất nhiều bạn bè. Và các bạn có xu hướng căng thẳng, trầm cảm, có suy nghĩ tự tử thậm chí thực hiện hành vi tự tử…

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. So với các Gen khác:Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%), Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, 37% thành viên nhóm Gen Z tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần (nhiều hơn so với các thành viên của nhóm khác).

Bà Nguyễn Thu Hà – Trưởng khoa Tâm sinh lý lao động và ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Trên báo Tuổi trẻ, năm 2017 nêu rõ khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm.

Một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy, trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi chỉ sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

“Vì hiểu, vì vừa thương và vừa lo, muốn được cùng các bạn tâm sự để giải tỏa những tổn thương, vuốt ve vỗ về những nỗi niềm chưa thể gọi thành tên của các bạn nên tôi viết quyển sách này. Hy vọng nó có thể góp phần “chữa lành” cho các bạn gặp phải vấn đề như trên”, TS Minh chia sẻ.

Viết lách là một cách tự chữa lành và phát triển theo hướng tích cực

 “Trà Sữa cùng Gen Z” là cuốn sách đầu tay của TS Nguyễn Thị Quốc Minh. Sau cuốn sách đầu tiên này, có thể sẽ có những cuốn sách thứ hai, thứ ba. Có thể sẽ có thêm một nhà văn chuyên nghiệp trong tương lai.

Nói về ý định viết lách trong tương lai, TS Minh trải lòng, “Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp mà chỉ là một người lãng mạn, yêu văn chương và xem viết lách như một kiểu sẻ chia, tâm tình. Và đối với tôi thì đó cũng là một cách tự chữa lành, tự bảo tồn và phát triển năng lượng bản thân theo hướng tích cực.

Tôi cũng ấp ủ dự định viết tiếp một quyển với nội dung kiểu “thanh xuân vườn trường”, nơi ghi lại, lưu giữ những kỉ niệm tuổi học trò mà theo tôi, ai cũng có thể nhìn thấy bản thân và một trời thương nhớ trong ấy.

Khi nhắc đến nickname thân thương “Giảng viên Idol” mà bạn bè học trò dành cho, TS Minh chia sẻ, “Tôi rất cảm ơnsự yêu quý của mọi người, nhưng không dám nhận danh xưng “Idol” vì giống như rapper Đen Vâu hát “Anh không muốn áp lực phải là thần tượng của một ai/Vì điều đó sẽ biến anh thành người khác vào một mai”, mà tôi chỉ cố gắng để trở thành người có nguồn năng lượng đẹp và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực ấy đến với người học, người đọc, người nghe của mình”.

Cách làm cũng đơn giản thôi, tôi hay tự nhủ với bản thân và tâm sự với bạn bè rằng: Nếu hôm nay bạn không thấy có gì vui vậy hãy thử buông bỏ một vài nỗi buồn đi. Chỉ cần như vậy thôi thì cũng coi như sống có lãi rồi.

Cuộc sống vốn dĩ phức tạp, với mọi điều xảy đến, bạn chỉ cần làm thật tốt việc dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất lòng mình rồi tất cả sẽ ổn theo cách của nó mà thôi.

Bạn có thể là hoa hướng dương, luôn hướng về phía mặt trời, đón nhận ánh nắng và tỏa sáng một cách rực rỡ. Hoặc là hoa hồng, với những cánh mỏng kiêu sa, toát ra một mùi hương quyến rũ, bạn thu hút bất kỳ ai. Nhưng là hoa xuyến chi, với những cánh hoa nhỏ xíu lại mang một sức sống vượt trội vô cùng. Bạn cũng có thể là hoa bồ công anh, một làn gió lướt qua những cánh hoa sẽ bay đến nhiều vùng đất khác nhau, để góp thêm một mầm sống mới. Bạn có thể là một loài hoa có tên, được nhiều người biết đến và xưng tụng. Bạn cũng có thể là một loài hoa không tên, nhỏ nhoi mọc dại bên đường chẳng mấy ai để tâm… Dẫu có là loài hoa nào đi nữa thì bản thân bạn đã chứa đựng những giá trị rất riêng. Vậy thì hy vọng bạn sẽ không phải so sánh mình với bất kì ai khác, mà hãy luôn cố gắng tích cực để phát huy những gì đang có và tỏa sáng lộng lẫy, rực rỡ theo cách của riêng bạn!

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, TS Minh tâm sự, cuộc sống là một vòng quay liên tục, không ngừng nghỉ, nên mình cũng không ngừng tu dưỡng bản thân như học thêm nhiều khóa học hay trong và ngoài nước để có thể phục vụ tốt nhất cho công việc. Đặc biệt luôn nhắc nhớ mình là phụ nữ, phụ nữ thì như một đóa hoa, mà đã là hoa thì phải tỏa hương.

Hy vọng có thể lan tỏa niềm đam mê văn chương, như cách một bông hoa tỏa hương, để lớp lớp học trò, sinh viên của mình ngày càng yêu môn học này hơn.  

Với cuốn sách, thật tốt biết bao nếu các học trò đọc xong, khi có dịp sẽ thốt lên với bạn bè rằng: Cuốn “Trà Sữa cùng Gen Z” là cô giáo của tớ viết về chúng tớ đấy, bạn đã đọc chưa?

                                                                                                  Thực hiện:  Phương Trang

Gen Z là viết tắt của Generation Z (thế hệ Z). Theo từ điển Oxford, Gen Z là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến 2012. Quãng tuổi phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là 1997-2012.

Tham khảo thêm quy định của WHO, lứa tuổi 10-19 là độ tuổi vị thành niên và Gen Z là cách gọi những người có năm sinh trong khoảng từ 1998 đến 2013. Vậy, Gen Z sinh trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2006 (từ 18-27 tuổi) thì được xem là người thành niên.

Gen Z là sự tiếp nối của Gen Y (1981-1996) và Gen X (1965-1980)

Thế giới không chỉ toàn màu hồng nhưng chính bạn sẽ làm cho bảng màu ấy thêm rực rỡ

Là thông điệp mà TS Nguyễn Thị Quốc Minh muốn gửi tới bạn đọc. Chị kỳ vọng cuốn sách sẽ giúp người đọc tăng thêm sự tự tin từ sức mạnh nội tại (có thể bạn sẽ thấy thế giới đúng thật không phải toàn màu hồng nhưng lại giúp bạn có thêm niềm tin vào việc chính bạn sẽ tô điểm rực rỡ cho thế giới quanh mình).

Điều đặc biệt là khi cầm trên tay cuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z”, bạn có thể đọc bất cứ lúc nào: Khi đang gấp gáp vội vàng, khi sự trống rỗng đang bao chiếm mình, hoặc khi đang chậm rãi ngắm nhìn thời gian trôi qua. Thậm chí, bạn cũngcó thể đọc nhiều lần ở những thời điểm khác nhau, đọc theo thứ tự hoặc lật ngẫu nhiên để tìm ra những thông điệp riêng cho mình.

*Thông tin tác giả

TS Nguyễn Thị Minh Quốc, sinh năm 1985. Quê quán: Đồng Tháp

 Hiện đang công tác và giảng dạy tại Khoa Văn học, tại Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM.

Bên cạnh công việc giảng dạy, TS Nguyễn Thị Quốc Minh còn tham gia nghiên cứu, viết bài đăng trên các tạp chí khoa học, các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Chị còn là một báo cáo viên chuyên nghiệp về những chuyên đề có liên quan đến lĩnh vực kỹ năng sống.

Ngoài ra, chị cũng vừa hoàn thành và giới thiệu cuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z” đến bạn đọc. Cuốn sách ấy như một tuyển tập “xử lí” các tình huống SOS mà bạn có thể gặp phải trong cuộc sống hằng ngày như tình bạn, tình yêu, việc học, việc làm hoặc những vấn đề về ước mơ, hoài bão…