Chiều 15/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự phối hợp của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân VCCI và Hội Nữ trí thức Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân năm 2025 với chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm”.
Các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu rộng về văn hóa doanh nhân, đạo đức kinh doanh và sự gắn kết giữa văn hóa kinh doanh với trách nhiệm xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và đất nước.
Toàn cảnh Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân năm 2025, chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm”
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh vai trò nền tảng của văn hóa, đặc biệt là văn hóa kinh doanh, trong sự phát triển của quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế song hành với văn hóa.
Chủ tịch VCCI cho biết, mặc dù đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh, nhưng việc xây dựng văn hóa kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh hội nhập và đất nước bước vào kỷ nguyên mới, việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh trở thành nhiệm vụ chiến lược, cấp bách và lâu dài, mang tính quyết định.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI
“Tôi nhấn mạnh tính chiến lược, vì đến năm 2045, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, yêu cầu bắt buộc là đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh ngang tầm thế giới. Doanh nhân Việt Nam phải có chung một hệ giá trị tư tưởng, triết lý kinh doanh, có bản sắc và những giá trị văn hoá kinh doanh đem lại sức mạnh mềm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập” – Chủ tịch VCCI phát biểu.
Để hiện thực hóa điều này, VCCI đã và đang nỗ lực xây dựng nền tảng đạo đức kinh doanh vững chắc, bắt đầu từ việc lan tỏa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân đã được công bố, bao gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đồng thời, VCCI cũng tích cực triển khai đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030”, mà diễn đàn hôm nay là một hoạt động tiêu biểu.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò tiên phong của VCCI trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh, hướng tới mục tiêu “Lợi ích hài hòa – Phát triển bền vững”, vì một quốc gia “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò tiên phong của VCCI trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh, hướng tới mục tiêu “Lợi ích hài hòa – Phát triển bền vững”, vì một quốc gia “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Đồng chí nhấn mạnh sự tương đồng giữa mục tiêu này và đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, lấy con người làm trung tâm.
Để hiện thực hóa mục tiêu “kinh doanh có trách nhiệm”, đồng chí Phan Xuân Thủy đã đưa ra những gợi mở quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân, VCCI và các cơ quan quản lý nhà nước, tập trung vào việc đề cao đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
Diễn đàn đã thu hút gần 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu rộng về văn hóa doanh nhân, đạo đức kinh doanh và sự gắn kết giữa văn hóa kinh doanh với trách nhiệm xã hội.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi về những giá trị cốt lõi của văn hóa kinh doanh Việt Nam, nội hàm và các yếu tố tác động đến văn hóa kinh doanh, ý nghĩa và phương thức thực hành kinh doanh có trách nhiệm, cũng như vai trò không thể thiếu của doanh nhân trong việc lan tỏa tinh thần này.
![]() |
Chủ trì diễn đàn: Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. Đồng chủ trì: Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; TS. Nguyễn Thị Minh Hà, Nguyên đại biểu quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI. |
Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định các giá trị văn hóa chính là gốc rễ tạo nên sự bền vững của doanh nghiệp. Muốn phát triển lâu dài không thể chỉ chạy theo lợi nhuận mà còn cần xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc, từ triết lý kinh doanh, sứ mệnh kinh doanh, tầm nhìn, đến cách ứng xử với nhân viên, với đối tác và khách hàng…
Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Diễn đàn.
Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn hóa doanh nghiệp định hình bản sắc, giữ gìn uy tín, tạo dựng niềm tin. Chính điều đó làm nên thương hiệu, làm nên sự khác biệt trên thương trường đầy cạnh tranh. Xác định rõ vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước cũng đã có những chủ trương rõ ràng, nhất quán đặt trọng tâm vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp như một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển toàn diện của quốc gia. Bà Vi Thanh Hoài cũng cho biết, trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam, tạo ra một khung tham chiếu quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các diễn đàn về văn hóa kinh doanh, hội thảo, tuyên truyền về văn hóa kinh doanh, cũng như các chương trình xét chọn và tôn vinh doanh nghiệp chuẩn văn hóa đã được triển khai rộng khắp cả nước, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với việc nâng cao nhận thức và thực hành văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp.
![]() |
TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI chia sẻ tham luận “Văn hóa kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể & Hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”. |
Với tham luận “Văn hóa kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể & Hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI đã chỉ ra những giá trị nổi bật đang định hình nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh định hướng nhân đạo và tinh thần cộng đồng sâu sắc trong xã hội.
Phân tích kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2023, có thể thấy cảm nhận chung của các lãnh đạo doanh nghiệp là văn hóa kinh doanh của Việt Nam đang ở trạng thái hài hòa, nhưng chưa có giá trị nào thực sự vượt trội, có thể do quá trình phát triển doanh nghiệp còn tương đối mới. TS. Huân khuyến nghị Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ để phát huy thế mạnh, bồi dưỡng phẩm chất phù hợp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vun đắp tinh thần doanh nhân theo hướng đề cao và theo đuổi các giá trị căn bản như nhân đạo, định hướng kết quả, định hướng tương lai và tinh thần tập thể.
Bà Phạm Thị Ánh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch Vụ & XNK Ánh Hồng chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp khởi nghiệp về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của Doanh nhân.
Chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp khởi nghiệp về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của Doanh nhân, bà Phạm Thị Ánh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch Vụ & XNK Ánh Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu dựa trên uy tín và bản sắc văn hóa. Bà chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng sản phẩm có giá trị thực, đặt chất lượng và an toàn lên hàng đầu, minh chứng qua sản phẩm Sữa hạt thực dưỡng Nutgold. Với phương châm “bán cho mình trước khi bán cho người khác”, bà luôn đề cao sự hài lòng của người tiêu dùng. Hành trình đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt là những trải nghiệm tại Ấn Độ, không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh mà còn là bài học về văn hóa và tinh thần khởi nghiệp. Bà Ánh Hồng cũng đặc biệt ấn tượng với 6 Quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam của VCCI, xem đó là những chuẩn mực định hướng cho sự phát triển bền vững và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn thống nhất vai trò trung tâm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc kiến tạo và duy trì văn hóa doanh nghiệp. Thông qua việc truyền cảm hứng, xác lập các giá trị cốt lõi và lãnh đạo bằng chính hành vi của mình, các doanh nhân chính là nhân tố quyết định sự hình thành và phát triển bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nhân, do đó, không chỉ là một tài sản vô hình mà còn là một lợi thế cạnh tranh bền vững, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của cả doanh nghiệp và quốc gia.
Diễn đàn đặc biệt nhấn mạnh đạo đức là nền tảng cốt lõi của văn hóa doanh nhân, yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Các đại biểu cam kết lan tỏa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, hướng tới mục tiêu định hình rõ nét bản sắc và giá trị văn hóa doanh nhân Việt Nam, dựa trên nền tảng đạo đức vững chắc, thực hiện trách nhiệm với xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm |
Nguồn: https://phunumoi.net.vn/dien-dan-van-hoa-doanh-nhan-2025-kinh-doanh-co-trach-nhiem-la-nen-tang-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-va-quoc-gia-d327122.html