VHDN – Năm mươi mùa Xuân đã đi qua kể từ ngày non sông liền một dải. Mùa xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử, nhưng đó không chỉ là chuyện của quá khứ. Lịch sử là sợi chỉ đỏ, là máu thịt của những người đi sau. Chúng tôi sống và làm việc hôm nay là để trả nghĩa những người đã ngã xuống hôm qua.
Tháng Tư. Đất trời Việt Nam như lắng lại trong sắc đỏ của quốc kỳ, trong âm vang hào hùng của khúc khải hoàn năm 1975. Năm mươi năm (30/4/1975-30/42025) – nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày đại thắng mùa Xuân, khi dân tộc ta khép lại trang sử chiến tranh để mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất và dựng xây đất nước.
Với tôi – người từng là lính biên phòng thế hệ thứ 2, nay là một doanh nhân giữa nhịp sống thị trường sôi động – ngày 30/4 không chỉ là mốc lịch sử để tưởng niệm. Đó là lời gọi từ quá khứ, nhắc nhở tôi sống xứng đáng với những người đã ngã xuống. Ký ức và thực tại trong tôi luôn hòa quyện – như một dòng chảy âm ỉ, mãnh liệt – của lòng tự hào dân tộc, khát vọng kiến thiết và trách nhiệm tiếp nối.
Tôi từng nghẹn lòng khi đọc bức thư để lại của ba chiến sĩ giải phóng quân – những người chọn nằm lại nơi rừng già thượng nguồn Đồng Nai. Họ viết: “Nếu thư này đến được thế hệ mai sau, xin hãy sống đúng ý nghĩa của tự do, để cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ giá trị”. Một câu chữ giản dị nhưng nhưng sức nặng không thể đo đếm. Đó là lời gửi gắm thiêng liêng từ quá khứ cho thế hệ hôm nay: hãy sống sao cho cái chết của họ không vô nghĩa, hãy sống cho trọn giá trị của tự do mà máu đã đổi lấy.
Là người lính, tôi cúi đầu trước hy sinh ấy. Là doanh nhân, tôi hiểu rõ: trận tuyến hôm nay không còn là chiến hào, mà là khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu, là hành trình làm chủ công nghệ lõi, là kiến tạo những bệnh viện hiện đại, những con tàu biển tầm cỡ quốc tế, những khu công nghiệp xanh và thông minh – là nơi tinh thần yêu nước được hiện thực hóa bằng khát vọng vươn lên, bằng trí tuệ và hành động.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình – nơi khát vọng trở thành quốc gia phát triển không còn là giấc mơ, mà là chiến lược có lộ trình, có tầm nhìn. Trong hành trình ấy, doanh nhân không còn là người đứng bên lề, mà là chủ thể tiên phong, là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, sáng tạo, và hội nhập toàn cầu.
Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ doanh nhân mới: trẻ trung, năng động, bản lĩnh và dấn thân. Nhưng khát vọng thôi chưa đủ. Điều đất nước cần hơn bao giờ hết là một tinh thần – tinh thần yêu nước trong thời bình, thể hiện bằng trách nhiệm kiến tạo, sự minh bạch, lòng kiên trì và khát vọng phụng sự quốc gia.
Chưa bao giờ, vai trò của doanh nghiệp tư nhân lại được khẳng định mạnh mẽ như lúc này. Tổng Bí thư đã tuyên bố: “Kinh tế tư nhân không còn là bổ sung, mà là một trong những động lực trung tâm của nền kinh tế quốc dân.” Đó không chỉ là sự thay đổi tư duy – mà là một lời hiệu triệu lịch sử trao cả niềm tin và trọng trách cho doanh nhân Việt
Là người từng đứng nơi biên giới, tôi hiểu rõ thế nào là tự lực. Là doanh nhân giữa thời hội nhập, tôi càng trân quý sự tự chủ – tự chủ trong sản xuất, công nghệ, tài chính, và tư duy phát triển. Được góp phần kiến thiết đất nước trong hòa bình là một vinh dự lớn lao – và cũng là một bổn phận không được phép từ chối.
Tuy nhiên, để thực sự “vươn mình”, chúng ta cần nhìn thẳng vào những rào cản:
- Thể chế cần được cải cách thực chất, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, tiếp cận công bằng với đất đai, vốn, nhân lực.
- “Bộ ba độc hại”: tham nhũng – lãng phí – tiêu cực phải được loại bỏ tận gốc, vì lãng phí thời gian và cơ hội phát triển chính là sự hoang phí lớn nhất.
- Và hơn cả, phải xây dựng một niềm tin pháp lý bền vững, để doanh nhân không còn “sợ lớn”, không còn ngại đổi mới.
Tôi luôn tin rằng, yêu nước thời nay là hành động thầm lặng nhưng kiên cường, là dấn thân vào những việc khó, là đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt mà vẫn giữ được tâm sáng, chí bền.
Năm 2023, trong chuyến công tác đến đất nước Cuba anh em – nơi từng chia ngọt sẻ bùi cùng Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến – tôi đã viết những vần thơ tự sự:
“Không ăn xin, không đoái hoài cái ác
Nở nụ cười tô thắm những thành công
Bước chân trần giữ trọn hào khí Việt Nam.”
(Trích trong bài thơ “Trí trai đất Việt”)
Đó là lời nhắn nhủ tôi dành cho chính mình – và cũng là thông điệp gửi tới thế hệ trẻ, tới những người đang khởi nghiệp và kiến tạo: hãy mang hào khí dân tộc vào từng bước đi, từng dự án, từng sản phẩm của Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tôi tin, nếu những người lính năm xưa có thể thấy chúng ta hôm nay – họ sẽ mỉm cười. Vì họ đã sống và ngã xuống không hoài phí. Vì lớp người sau – dù là doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư hay công nhân… – đều đang góp phần làm nên một Việt Nam tươi sáng, kiêu hãnh và nhân văn và đang tận hiến vì một Việt Nam hùng cường.
Xin cúi đầu trước quá khứ. Và ngẩng cao đầu trước tương lai!
Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp