Huyện Hòa Bình có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc sản xuất ở hai vùng sinh thái mặn – ngọt. Phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A có 10.755 ha đất chuyên sản xuất lúa ổn định từ 2 – 3 vụ lúa/năm kết hợp với chăn nuôi, trồng màu. Còn phía Nam QL1A có 15.5614ha chuyên nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Bí thư Huyện ủy Hòa Bình
Huyện Hòa Bình được thành lập theo Nghị định số 96/2005/NĐ-CP, ngày 26/7/2005 của Chính phủ. Huyện có 08 xã, thị trấn với 70 ấp; diện tích tự nhiên là 412,19 km2; dân số 111.280 người, trong đó dân số khu vực nông thôn 89.212 người, chiếm 80,2% dân số toàn huyện. Huyện có tuyến QL1A chạy qua dài 12 km, hình thành lên vùng bắc quốc lộ và nam quốc lộ.
Năm 2016, Huyện Hòa Bình đã đạt được những kết quả nổi bật: kinh tế tiếp tục ổn định, phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.306 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất 7.590,88 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 43%, dịch vụ – thương mại 29,5%, công nghiệp – xây dựng 27,5%.
Tái cơ cấu ngành
Ông Nguyễn Huy Dũng – Bí thư Huyện ủy Hòa Bình cho biết: “Huyện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất. Ở vùng Bắc QL1A, huyện chủ động nghiên cứu, tìm các mô hình sản xuất có hiệu quả, những cây – con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương, đồng thời từng bước đa dạng hóa cây trồng – vật nuôi để nhân rộng trên địa bàn. Nhờ đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 5%.” Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp với UBND các xã thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với diện tích hơn 100 ha và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, bao tiêu nông sản. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đẩy mạnh các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, đem lại kinh tế khá cao như: Trồng xen 2 – 3 vụ lúa màu/ năm…
Theo Ông Nguyễn Huy Dũng, ở vùng Nam QL1A, các mô hình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ngoài nuôi trồng thủy sản, nơi đây còn có hơn 722ha đất sản xuất muối, trong đó có khoảng 10,8% diện tích áp dụng sản xuất muối theo công nghệ trải bạt nhựa.
“Cũng trong năm qua, Hòa Bình cũng đã triển khai và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt được những thành quả: Từ năm 2012 đến năm 2016, Huyện đã huy động được 688,9 tỷ đồng, huy động vốn từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 175 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện là 17,38%, mục tiêu từ nay đến cuối năm Huyện sẽ giảm 3%. Huyện Hòa Bình phấn đấu đến cuối năm 2017 có 01 xã (Vĩnh Mỹ B) đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2018 đạt thêm 01 xã (Vĩnh Bình), đến năm 2020 đạt thêm 02 xã, các xã còn lại đạt 15/19 tiêu chí trở lên”. Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Từ năm 2016 đến nay Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện cho các lao động thuộc hộ nghèo đi xuất khẩu lao động, làm việc trong các khu công nghiệp, kết quả có 5.969 lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho hơn 6000 lao động. Ngoài ra, Huyện cũng chủ trương hỗ trợ tiền điện; cấp 34.946 thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng và sửa chữa 156 căn nhà tình nghĩa, số tiền 6,64 tỷ đồng; dán gạch 287 mộ Mẹ Việt Nam anh hùng và mộ liệt sĩ, số tiền trên 1,5 tỷ đồng…. từ việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, đời sống của các đối tượng yếu thế, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện.
Xây dựng bộ máy cơ sở đồng bộ, kiện toàn
Hiện nay, Huyện Hòa Bình có 28 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy, với 2.554 đảng viên. Xác định rõ xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, Huyện ủy Hòa Bình đã tăng cường chỉ đạo xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, đồng thời củng cố cơ sở yếu kém, gắn nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đánh giá phân loại năm 2016 có 14 đơn vị đạt trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác tổ chức cán bộ thường xuyên được chăm lo, củng cố kiện toàn, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cơ sở, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, thiếu sót để tạo những chuyển biến rõ nét trong thực hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Hòa Bình xác định sẽ hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, đầu tư thâm canh theo chiều sâu, sử dụng các giống cây trồng và quy trình sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đầu tư chuyển giao công nghệ giảm tổn thất trong thu hoạch để tăng sản lượng lúa, đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng trong huyện. Tăng cường công tác quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm phát triển thủy sản của từng địa bàn…
Với những cố gắng nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự đồng thuận của toàn dân đã đưa nền kinh tế – xã hội của huyện Hòa Bình ngày càng phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, nhân dân trên địa bàn huyện được nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
Kim Kim