Qua 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2017), đặc biệt là qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 – 2020), diện mạo của Bạc Liêu liên tục đổi thay theo hướng tích cực, vị thế của tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước ngày càng được nâng lên. Góp phần làm nên những thành tựu này không thể không kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo rất quan trọng và toàn diện của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu trên các lĩnh vực. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Khái – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu.
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bạc Liêu đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông? Đâu là những bước đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội “huy động mọi nguồn lực để phát triển tỉnh nhà, phấn đấu xây dựng Bạc Liêu cơ bản trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người;… phấn đấu đưa Bạc Liêu sớm trở thành một trong những tỉnh phát triển khá trong vùng và trung bình khá cả nước”.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bước đầu Bạc Liêu đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng thủy sản, sản lượng lúa, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu… liên tục tăng ở mức khá cao; chỉ số giá tiêu dùng ổn định; các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn giảm lãi suất, gia hạn vốn vay… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cùng với kinh tế, các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế, xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Gần 2 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo của Bạc Liêu liên tục đổi thay theo hướng tích cực, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng lên. Trong đó nổi bật là tỉnh đã định hướng phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường. Về nông nghiệp, điểm nhấn là việc thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm tiền đề cho việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có gần 20 DN đăng ký vào Khu này, với các lĩnh vực rất đa dạng như: sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn cho tôm; chế biến tôm, xử lý nước; bạt lót đáy ao; nhà màng; men vi sinh và chế phẩm sinh học… Hiện tỉnh đang xem xét, lựa chọn các DN để đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu ngay sau khi hình thành.
Về công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp sạch, trọng tâm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Đến nay, có 5 dự án điện gió đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khi triển khai sẽ cơ bản “phủ kín” diện tích bờ biển của tỉnh. Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư lớn đang xúc tiến các thủ tục để đầu tư điện gió trên bờ và các dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản, điện mặt trời trên đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả… Các dự án này sẽ lần lượt khởi công từ nay đến năm 2018, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó Bạc Liêu cũng rất quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội và du lịch với nhiều dự án đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để khởi công trong năm 2017 và đầu năm 2018 như: Khu Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu, du lịch điện gió, du lịch tâm linh tại khu Thiền Viện Trúc Lâm, khu Quán Âm Phật Đài, Nhà thờ Tắc Sậy…; các trường học quốc tế liên thông nhiều cấp học, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Bạc Liêu…
Đặc biệt những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế đã tạo thêm nguồn lực quan trọng để tỉnh thực hiện tốt công tác chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đảm bảo cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên đáng kể.
Triển khai các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có những chủ trương, hành động cụ thể nào để đồng hành cùng DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay?
Bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn và diễn ra ngày càng gay gắt; trong đó DN sẽ là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận thức rất rõ vấn đề này và đã đề ra những chủ trương, giải pháp hỗ trợ, xử lý tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 25/4/2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016) “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp có liên quan trực tiếp đến DN như: tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh; cụ thể hóa các chính sách của TW áp dụng tại địa phương theo mức ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép; linh hoạt vận dụng các quy định, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan để việc triển khai thực hiện dự án được thuận lợi; cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo lao động cho DN…
Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển đội ngũ doanh nhân, DN trẻ thông qua việc chỉ đạo kiện toàn Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bạc Liêu; hỗ trợ “Vườn ươm khởi nghiệp” với các hoạt động đào tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, quản trị DN; chuẩn bị thành lập Quỹ Khởi nghiệp DN…Tất cả những nỗ lực này đều nhằm mục tiêu hình thành, phát triển một đội ngũ doanh nhân năng động, chủ động hội nhập cho tỉnh nhà.
Để thể hiện mạnh mẽ vai trò đồng hành cùng DN, từ đó tạo động lực trong mời gọi, thu hút đầu tư thì vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Đảng bộ tỉnh quan tâm triển khai ra sao?
Những năm vừa qua, Bạc Liêu đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Đến nay, đã có 14/21 TTHC về đầu tư, kinh doanh được rút ngắn thời gian như: thời gian thành lập DN mới qua mạng điện tử là 1 ngày (rút ngắn 1 ngày so với quy định); cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 3 ngày (rút ngắn 12 ngày); điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư là 1 ngày (rút ngắn 9 ngày); Thời gian tiếp cận điện năng đối với các DN, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 24 ngày (rút ngắn 10 ngày so với quy định)…. Đã triển khai thực hiện tốt việc khai thuế qua mạng (đạt tỷ lệ 96%) và dịch vụ nộp thuế điện tử (đạt tỷ lệ 94,22%).
Về thực hiện cơ chế một cửa, cấp tỉnh có 18/19 Sở, ngành, đơn vị thực hiện, trong đó có 3 đơn vị thực hiện cơ chế một cửa liên thông; cấp huyện có 7/7 đơn vị thực hiện, trong đó có 3 đơn vị thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo mô hình mẫu hiện đại; cấp xã có 64/64 đơn vị thực hiện.
Từ những nỗ lực trên, môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện khá rõ nét. Bạc Liêu không chỉ tạo được sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương mà còn lan tỏa đến một số tổ chức quốc tế, các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, đã có gần 30 DN lớn tiếp cận đăng ký đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và các lĩnh vực quan trọng khác mà tỉnh đang thu hút, mời gọi đầu tư. Có thể nói đây là lần đầu tiên Bạc Liêu được nhiều nhà đầu tư, DN hàng đầu tiếp cận; bày tỏ ý định đầu tư nghiêm túc, khả thi, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy có những chỉ đạo cụ thể nào nhằm tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?
Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó xác định đột phá là xây dựng Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là địa điểm tập trung bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của tất cả Sở, ban, ngành và một số ngành dọc. Nhà đầu tư, DN và người dân chỉ cần đến một nơi để liên hệ và xử lý tất cả các thủ tục có liên quan; quá trình xử lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu, đảm bảo đúng quy trình, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, DN.
Ngoài ra Bạc Liêu tiếp tục thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ DN theo Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh việc tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến DN, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nội dung khác như: tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN; thực hiện thanh, kiểm tra tại DN theo đúng quy định của pháp luật… Tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của địa phương lên mức cao nhất trong khuôn khổ quy định của Chính phủ. Tăng cường thu hút đầu tư trên cơ sở “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận. Với hướng đi này, Bạc Liêu kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với ngành tôm, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh cũng như của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tranh thủ sự ủng hộ của TW trong việc giới thiệu các dự án lớn, các DN trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh; đồng thời mở thêm nhiều kênh thông tin quảng bá, giới thiệu mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột của tỉnh. Đặc biệt lãnh đạo tỉnh sẽ chủ động tìm kiếm, tiếp cận, trực tiếp gặp gỡ các DN, nhà đầu tư để giới thiệu về các cơ hội đầu tư của Bạc Liêu, mời gọi họ đến với vùng đất còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển này, góp phần phát triển Bạc Liêu theo hướng nhanh và bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)