Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã có nhiều tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong xúc tiến, thu hút đầu tư; luôn nêu cao tinh thần cải cách triệt để với mục tiêu hàng đầu là tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, sớm đưa Cà Mau vào “vùng sáng” về Chỉ số năng lực cạnh tranh trên trên bản đồ PCI của cả nước. Chính những động thái tích cực trong cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số PCI đã giúp vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Xoay quanh nỗ lực này, phóng viên Tạp chí Văn hóa doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnhCà Mau – ông Mai Hữu Chinh …
Với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, đến nay thu hút đầu tư vào Cà Mau đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa ông?
Mặc dù tỉnh Cà Mau có rất nhiều bất lợi trong thu hút đầu tư song thời gian qua bằng tinh thần cầu thị, tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh; nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư…đã giúp Cà Mau ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhờ vậy mà số lượng nhà đầu tư đến đăng ký đầu tư tại tỉnh cũng như số dự án được cấp phép đầu tư đã tăng dần qua các năm.
Trong năm 2016, tỉnh Cà Mau đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 dự án với tổng vốn đăng ký 6.998 tỷ đồng (tăng 5.008,5 tỷ đồng so với năm 2015); riêng 8 tháng đầu năm 2017, có 31 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 4.068 tỷ đồng. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 11 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 52,13 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng); 233 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 69.777 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy Điện (13.700 tỷ đồng), Nhà máy Đạm (18.749 tỷ đồng), Đường ống dẫn khí MP3 Cà Mau (4.700 tỷ đồng), Nhà máy Điện gió KDL Khai Long (5.519 tỷ đồng)…Các dự án này đã góp phần quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh Cà Mau, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tháo gỡ vướng mắc và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần thu hút đầu tư tại các địa phương. Vậy thời gian qua Cà Mau đã triển khai những giải pháp đồng bộ nào để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển?
Thời gian qua UBND tỉnh Cà Mau luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh nhà; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải phóng và chuẩn bị tốt mặt bằng để các nhà đầu có điều kiện triển khai nhanh dự án; đồng thời xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện đến hàng rào KCN…
Ngoài các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư theo quy định chung thống nhất cả nước, hiện tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết tất cả các khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Để gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư, Cà Mau xác định cần phải cải cách TTHC triệt để, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế toàn diện. Lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành các kế hoạch về công tác cải cách hành chính. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các quy định, chỉ đạo và kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh (trong năm 2016 có 31 thủ tục được đơn giản hóa; 29/29 đơn vị đã công bố cắt giảm từ 20% – 30% thời gian giải quyết TTHC không liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết). Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Tp.Cà Mau ban hành 20 Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông về TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành tỉnh; UBND cấp huyện và cấp xã.
Ngoài ra một trong những bước tiến quan trọng về cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau là việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết TTHC của tỉnh từ đầu tháng 1/2017 nhằm tăng cường cải cách hành chính với phương châm “phụng sự nhân dân”, góp phần thu hút và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy phát triển KT – XH…
Tuy sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế cho phát triển kinh tế song do hạ tầng về giao thông vẫn còn yếu kém khiến việc thu hút đầu tư vào Cà Mau thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy tỉnh chủ động tháo gỡ “nút thắt” này như thế nào?
Để tăng cường thu hút đầu tư vào Cà Mau, tỉnh đã chủ động đề ra những định hướng cụ thể nhằm ưu tiên phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, đảm bảo tính kết nối đồng bộ; tập trung vào các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Về đường bộ, tỉnh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam qua tỉnh Cà Mau (đoạn từ giao lộ với đường Võ Văn Kiệt đến giao với QL 1A, dài 9km); hoàn thiện nâng cấp tuyến tránh QL 1A qua nội ô Tp.Cà mau; hoàn thiện nâng cấp, mở rộng QL 63 đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, quy mô 2 làn xe; triển khai tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (dài 150 km, quy mô 4 làn xe)…
Về đường thủy nội địa, tỉnh tập trung nạo vét tuyến kênh sáng Bạc Liêu – cà Mau, tuyến vận tải thủy Cà Mau – Năm Căn, tuyến liên kết nội vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp; hình thành hành lang vận tải Tp.HCM – Cần Thơ – Cà Mau. Về đường biển, tỉnh tập trung nạo vét đường Bồ Đề – Năm Căn; xúc tiến thu hút vốn FDI triển khai đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn. Về đường hàng không, Cà Mau sẽ tập trung nâng cấp, mở rộng Sân bay Cà Mau (giai đoạn đến năm 2030 sẽ cải tạo đường hạ, cất cánh; xây mới nhà ga hành khách đạt công suất 500.000 hành khách/năm, đạt cấp 4C).
Khi các dự án giao thông này hoàn thành sẽ tăng tính kết nối, đồng bộ; mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH không chỉ của tỉnh Cà Mau mà còn của cả Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL
Với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, được biết Cà Mau đã xây dựng Đề án nâng cao Chỉ số PCI đến năm 2020. Xin ông cho biết cụ thể hơn về lộ trình cũng như các giải pháp triển khai thực hiện Đề án?
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những năm qua tỉnh Cà Mau luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm đến công tác cải thiện Chỉ số PCI – một công cụ hỗ trợ quan trọng hiện nay giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đánh giá nhanh và kịp thời về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính và những chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân để đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại một địa phương.
Với quyết tâm đó, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau đến năm 2020 với lộ trình giai đoạn 2016 – 2020 phấn đấu cải thiện các chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành Tốt và tiếp tục duy trì, phấn đấu vào vị trí Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành dẫn đầu. Với mục tiêu đó, Đề án đã đưa ra Chương trình hành động triển khai thực hiện các giải pháp trên cơ sở phân công đơn vị và thời gian thực hiện cụ thể.
Hàng năm, trên cơ sở các giải pháp của Đề án và kết quả báo cáo thường niên của Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh đều xây dựng Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phù hợp với sự thay đổi theo khung đánh giá PCI của VCCI.
Với mục tiêu phấn đấu để tỉnh Cà Mau sớm được xếp vào “vùng sáng” về chỉ số năng lực cạnh tranh trên bản đồ PCI của cả nước, năm 2017 tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch cải thiện và nâng cao PCI của tỉnh Cà Mau với những giải pháp cụ thể và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong thực hiện công tác cải thiện các chỉ tiêu được giao; phấn đấu đưa PCI năm 2017 của tỉnh Cà Mau được xếp vào nhóm từ Trung bình trở lên so với các tỉnh, thành phố của cả nước. Trong thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về công tác cải thiện Chỉ số PCI để phấn đấu đạt được mục tiêu Đề án đưa ra; qua đó kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Minh Kiệt (thực hiện)