Là một trong bốn tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản ( NTTS) lớn nhất nước, với 300.000 ha, trong đó có trên 277 ngàn ha nuôi tôm. Sản lượng tôm hàng năm đạt từ 150 – 170 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1 tỷ đến 1,2 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển nền kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau. Với những thế mạnh sẵn có về NTTS, hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cuối tháng 10/2014 Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành lập BCĐ từ tỉnh đến các huyện/thành phố, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Dựa trên những tiềm năng sẵn có, tỉnh đã phối hợp với các Viện, Trường, các tổ chức Phi Chính phủ tổ chức các cuộc Hội thảo về liên kết sản xuất các ngành nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; hội thảo thí điểm liên kết sản xuất theo tiểu vùng; phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ lập kế hoạch thực hiện tái cơ cấu 6 ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh và hợp tác thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng tôm sinh thái Cà Mau”.
Cà Mau đã và đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thông qua việc chuyển đổi theo các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tôm-rừng; mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; mô hình trồng rừng tràm, keo lai thâm canh; mô hình sản xuất tôm-lúa; chuyển đổi hình thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm quảng canh cải tiến,…Tính tới thời điểm hiện nay, mỗi năm có khoảng trên 100 giống lúa các loại, đã chọn một số giống lúa thích nghi tốt với các tiểu vùng sinh thái trong tỉnh khuyến cáo sản xuất. Đặc biệt tổ chức khảo nghiệm và sản xuất thử thành công 02 giống lúa chịu mặn tại các điểm lúa tôm. Đồng thời, tỉnh đã hình thành một số hoạt động liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua THT, HTX; liên kết giữa THT, HTX với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tôm và lúa, gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu hàng hóa; liên kết trong cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm… Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, phát triển và từng bước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù bước đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn lúng túng, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành chức năng, nên qua 2 năm triển khai thực hiện đã được một số kết quả nhất định trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, tỉnh đã xác định chọn 6 ngành hàng nông sản để thực hiện tái cơ cấu, trong đó ưu tiên phát triển 2 ngành hàng chủ lực đó là tôm (sinh thái) và lúa (chất lượng cao).
Tập trung phát huy thế mạnh
Là một tỉnh có diện tích NTTS lớn nhất nước, Cà Mau định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Đây là lĩnh vực đột phá của Ngành: Ổn định diện tích NTTS, chủ yếu chuyển đổi mô hình sản xuất là chính; phấn đấu đến năm 2020, sản lượng NTTS đạt 370.000 tấn (trong đó có 190.000 – 210.000 tấn tôm). Cụ thể: Phát triển nuôi tôm công nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở những vùng có điều kiện thuận lợi, đến năm 2020 đạt 20.000 ha tập trung; nuôi tôm quảng canh cải tiến đến năm 2020 đạt 120.000 ha trên các huyện, thành phố. Đẩy mạnh phát triển nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 80.000 ha (Kể cả diện tích rừng) năm 2020 và trên 40.000 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận; khoảng 100.000 ha diện tích nuôi tôm kết hợp đa dạng đối tượng (tôm-cua, tôm-sò huyết) tập trung ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi,…
Đồng thời, ứng dụng rộng rãi Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP); thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững có trách nhiệm với môi trường và xã hội theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGap, ASC, BAP,…); đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến bàn ăn, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý trong nuôi trồng thủy sản. Đây là bước đột phá lớn để đưa sản phẩm tôm vào trực tiếp các siêu thị không qua nhà nhập khẩu trung gian. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,.. từ 4.000-5000 ha.
Hiện nay, Cà Mau có 28 công ty CBXK Thủy sản (với 38 xí nghiệp trực thuộc, công suất 207 ngàn tấn/năm) đóng vai trò chủ yếu trong thu mua tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu qua 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện có 12 doanh nghiệp tham gia liên kết với các vùng nuôi tôm trong tỉnh với 4.400 hộ dân; hỗ trợ nông hộ trong việc tiếp cận, thực hành nuôi và tiêu thụ sản phẩm tôm theo các tiêu chuẩn NTTS có trách nhiệm trong nước và quốc tế. Hiện toàn tỉnh có 20.000 ha tôm rừng và 207 ha (tôm lúa) đã được chứng nhận quốc tế, sản lượng hàng năm ước đạt 8.000-10.000 tấn/năm.
Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gần 13.000 ha, có 10.660 hộ tham gia; đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng và giá trị, thông qua công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng các mô hình khuyến nông… Trong đó quan tâm phát triển liên kết 4 nhà, đặc biệt xây dựng mối liên kết giữa 17 doanh nghiệp với THT, HTX. Qua thực hiện cánh đồng mẫu lớn đã giúp tăng sản lượng lúa của tỉnh 15-20%, liên kết sản xuất trong cánh đồng lớn đã nhận được sự đồng thuận của nông dân.
Với kết quả bước đầu đã đạt được trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số ngành hàng chủ lực trên, tỉnh Cà Mau đang tiếp tục chỉ đạo tập trung mở rộng hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm, lúa. Qua đó, sẽ nhân rộng phát triển ở một số ngành hàng có lợi thế như: Cua biển, cây keo lai, chuối, cá bổi,… Xem đây là mục tiêu chung mà ngành nông nghiệp Cà Mau hướng đến trong thời gian tới./
Bảo Minh